uay cuồng trong vòng vây của dịch Covid-19, chính phủ nhiều nước ra lệnh phong tỏa khiến người dân gặp khó khăn, nhất là những người chạy ăn từng bữa.
Theo Ngân hàng Thế giới, cú sốc Covid-19 đang tạo ra một "lớp người nghèo mới" trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương với dự đoán 38 triệu người sẽ sống trong cảnh nghèo đói.
Kênh Al Jazeera kể cô Asha Devi (35 tuổi), ở làng Dihwa thuộc bang Uttar Pradesh - Ấn Độ, không còn nhớ nổi cô đã nhịn bao nhiêu bữa cơm giữa lúc vật lộn để gia đình 7 người có thể cầm cự trước những tác động của dịch Covid-19 lên vùng nông thôn ngày càng nặng nề.
Người chồng làm công nhân xây dựng thất nghiệp do dịch, khiến gia đình của Devi đứng trước cảnh nợ nần ngày càng chồng chất. Devi cầm cố mảnh đất của mình cho khoản nợ khoảng 270 USD.
Sau 6 tháng, hết tiền, Devi không còn khả năng mua sữa, giảm tối đa dầu ăn và chỉ có thể mua đậu lăng 10 ngày/lần.
Các cuộc phỏng vấn của Al Jazeera với 75 hộ gia đình trong một cụm 8 ngôi làng ở bang đông dân nhất của Ấn Độ cho thấy thu nhập của họ giảm trung bình gần 75%. Gần 2/3 số hộ gia đình được hỏi cho biết họ mắc nợ.
Tại Malaysia, từ cuối tháng 6, phong trào treo cờ trắng với thông điệp "Tôi cần sự giúp đỡ" xuất hiện ở nhiều khu dân cư, nhất là sau khi chính phủ phong tỏa toàn quốc hồi đầu tháng 6.
Ông Jambu Nathan Kanagasabai (64 tuổi) treo lá cờ trắng từ sáng 1-7. Từ khi chính phủ ban bố hàng loạt biện pháp hạn chế, phong tỏa từ tháng 3-2020, ông Kanagasabai mất nguồn thu nhập ít ỏi từ công việc bảo vệ.
Cư dân ở Petaling Jaya tên Lim Boon Wah cũng treo cờ trắng chia sẻ: "Tôi không ngại thừa nhận, tôi đã hết sạch tiền tiết kiệm". Thế nên, suốt một thời gian dài vừa qua, ngày nào vợ chồng ông Lim cũng ăn mì gói.
Sau khi cờ trắng treo lên, các nhà thiện nguyện, chính quyền địa phương đã tăng cường hỗ trợ cho những hộ khó khăn về tiền bạc và lương thực. Ông Kanagasabai nhận được sự giúp đỡ của chuỗi bán lẻ địa phương tại TP Petaling Jaya về việc phân phát lương thực cho những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.
Người dân "vùng đỏ" ở thủ đô Phnom Penh – Campuchia nhận hàng tiếp tế - Ảnh: KHMER TIMES
Tương tự, nhiều người dân sống ở các "vùng đỏ" (khu vực có mức độ lây nhiễm Covid-19 cao) thuộc thủ đô Phnom Penh của Campuchia cũng gặp khó khi họ không thể rời nhà trừ lý do y tế.
Khi Thủ tướng Hun Sen công bố lệnh phong tỏa hồi tháng 4, các chợ bị đóng cửa, khiến số người đề nghị trợ giúp lương thực gia tăng. Hơn 48.000 người đã tham gia một nhóm chat trên ứng dụng Telegram, vốn được chính quyền TP Phnom Penh thiết lập để hỗ trợ những người xin viện trợ lương thực khẩn cấp.
Người nông dân tại làng Bhuinj ở bang Maharashtra cho trâu ăn khi Ấn Độ phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần hồi cuối tháng 3 năm nay - Ảnh: REUTERS
Tại Ấn Độ, gần một tuần sau khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để kiểm soát dịch Covid-19 hồi tháng 4 năm ngoái, anh Chotu Kumar - một lao động nghèo sống ở TP Ahmedabad, bang Gujarat - không còn gì để ăn. Thông báo phong tỏa được đưa ra gấp rút, chỉ trong vỏn vẹn vài giờ. Những lao động ngụ cư như Kumar không có thời gian để mua đồ đạc. Ngay cả khi có thời gian, họ cũng chẳng còn nhiều tiền. Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi cam kết cung cấp ngũ cốc, lương thực miễn phí cho người nghèo trong mùa dịch Covid-19 nhưng khẩu phần ăn có hạn và không đủ cho gia đình. Cuối cùng, Kumar và các lao động ngụ cư bị mắc kẹt trong bang nhận được thức ăn từ tổ chức phi lợi nhuận ANHAD, theo tạp chí Nikkei.
Nhiều người cố vượt qua khủng hoảng bằng cách tiết kiệm chi tiêu, làm việc và kinh doanh trực tuyến mọi thứ từ nhà.
Lee Heeju - họa sĩ minh họa 30 tuổi ở Hàn Quốc, bị công ty cho thôi việc do ảnh hưởng của Covid-19 - dành ra một hoặc hai giờ để làm sách điện tử về mẹo mua nhà cho các cặp vợ chồng trẻ. Lee bán các file PDF như vậy với giá 12.000 won (hơn 240.000 đồng)/ file. Việc bán kinh nghiệm, kiến thức và mẹo vặt trở nên phổ biến ở Hàn Quốc giữa mùa dịch. Lee nói với hãng tin Bloomberg: "Không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đủ để mua đồ ăn nhẹ cho con tôi".
Kim Ji-hyun là một nhân viên bị sa thải vì công ty sụt giảm doanh thu trong bối cảnh đại dịch. Sau khi bị cho thôi việc, Kim thức dậy lúc 5 giờ sáng để tìm nguồn hàng, đăng bán sản phẩm trên Amazon và Naver và trả lời câu hỏi của khách hàng từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối. Hay như nghệ sĩ xiếc Kim Chan-su chuyển sang giao hàng kiếm sống.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tính từ tháng 2-2020 đến nay, số doanh nghiệp bị phá sản ở Nhật Bản là hơn 1.100, nhóm ngành dịch vụ nhà hàng chịu tổn thất lớn nhất với 172 doanh nghiệp phá sản, tiếp theo là nhóm ngành xây dựng và kinh doanh về xây dựng với 92 doanh nghiệp phá sản.
Các công ty ở Ấn Độ cũng điêu đứng vì dịch Covid-19, nhất là các công ty mới khởi nghiệp. Phần vì nhiều nhân viên, lãnh đạo chủ chốt, nhà sáng lập của những công ty khởi nghiệp trụ sở tại TP Mumbai, Bengaluru, Hyderabad và New Delhi mắc Covid-19 hay phải chăm sóc cho người thân trong gia đình bị nhiễm bệnh. Các công ty kinh doanh thực phẩm, đồ uống như Chai Point cố gắng cầm cự với hoạt động bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, các công ty này gặp khó khăn kép khi duy trì buôn bán tại những thành phố đang bị giãn cách hoàn toàn, hàng loạt nhân viên giao hàng nhiễm Covid-19.
Sachin Kapur, Giám đốc tiếp thị tại Coupang, một trong các công ty thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, cho biết họ phải nỗ lực hơn để giữ lời hứa với khách hàng. Công ty tạo ra quy trình vô cùng chi tiết để bảo đảm an toàn cho nhân viên, vệ sinh là ưu tiên cao nhất và chuyển nhiều hàng hóa nhất có thể. Các công ty cũng bắt tay để vượt qua thách thức của Covid-19. Chẳng hạn, sàn thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia phối hợp với dịch vụ đặt xe công nghệ để tiếp cận khách hàng.
Khi Singapore đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu và cấm tụ tập đông người trong vòng một tháng hồi năm ngoái, thay vì dành 4-5 tiếng/ngày để gặp gỡ khách hàng tiềm năng, nhân viên môi giới bất động sản Gerald Leong tư vấn thông qua các buổi gặp mặt trực tuyến.
Bình luận (0)