Trong khi các nước như Anh, Mỹ và Thuỵ Điển đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin để mở cửa kinh tế thì nhiều nước khác tiếp tục bơm tiền cứu các doanh nghiệp chật vật vì dịch Covid-19.
Bộ Tài chính Singapore cho biết chính phủ nước này đã tung ra gói hỗ trợ trị giá 1,1 tỉ SGD (hơn 808 triệu USD) để giúp các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do các biện pháp phòng dịch trong giai đoạn "cảnh báo cao" từ ngày 22-7 đến 18-8.
Gói hỗ trợ của chính phủ Singapore bao gồm giảm tiền thuê mặt bằng và quỹ hỗ trợ mới cho các chủ cửa hàng ở các chợ và trung tâm ăn uống. Ảnh: Straits Times
Gói hỗ trợ bao gồm tăng trợ cấp lương trong Kế hoạch Hỗ trợ Việc làm (JSS), giảm tiền thuê mặt bằng và quỹ hỗ trợ mới cho các chủ cửa hàng ở các chợ và trung tâm ăn uống. Ngoài ra, trợ cấp lương được tăng lên 60% đối với những lĩnh vực bị yêu cầu dừng phần lớn hoặc dừng toàn bộ, bao gồm cửa hàng ăn uống, phòng tập gym, đơn vị biểu diễn nghệ thuật và trung tâm đào tạo mỹ thuật. Các lĩnh vực được hỗ trợ 40% lương bao gồm bán lẻ, khách sạn, dịch vụ chăm sóc cá nhân, các nhà tổ chức sự kiện, rạp chiếu phim. Sau đó, hỗ trợ của JSS cho tất cả lĩnh vực nêu trên giảm xuống 10% từ ngày 19 đến 31-8. Những người thuê cơ sở kinh doanh thương mại của chính phủ cũng được tiếp tục miễn tiền thuê mặt bằng 4 tuần, còn những người thuê cơ sở của tư nhân được hỗ trợ tiền thuê 2 tuần.
Quỹ hỗ trợ tài xế cũng được tăng cường đối với tài xế taxi và xe tư nhân trong khi tất cả người buôn bán tại các chợ và trung tâm ăn uống do Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) Singapore quản lý sẽ được hỗ trợ 500 SGD tiền mặt/cá nhân. Bên cạnh đó, để giúp đỡ những đối tượng lao động khác bị ảnh hưởng, chính phủ Singapore cũng thiết lập Quỹ trợ cấp phục hồi Covid-19 tạm thời đến ngày 31-8. Quỹ này hỗ trợ tới 700 SGD cho những người bị mất việc hoặc tình nguyện viên nghỉ việc không lương và 500 SGD cho những người mất 50% thu nhập hàng tháng.
Thái Lan hồi tháng 7 đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 42 tỉ baht (gần 1,3 tỉ USD) dành cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa. Theo Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) Danucha Pichayanan, đối tượng thụ hưởng bao gồm các nhà điều hành doanh nghiệp lẫn người lao động ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng.
Người dân đợi nhận hỗ trợ thực phẩm ở thủ đô Bangkok - Thái Lan hôm 31-8. Ảnh: AP
Những nhóm ngành kinh doanh được đưa vào chương trình hỗ trợ bao gồm xây dựng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Cụ thể, người lao động nhận được 5.000 baht (tương đương 153 USD)/người trong khi các nhà điều hành doanh nghiệp được nhận 3.000 baht/công nhân cho tối đa 200 công nhân.
Người dân cũng được giảm giá điện và nước sinh hoạt trong hai tháng 7 và 8. Chính phủ Thái Lan còn giảm học phí và các khoản phí liên quan khác cho kỳ học đầu tiên của năm học này. Song song đó, chính phủ yêu cầu Ngân hàng Trung ương Thái Lan, các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính khác nới lỏng các quy định thanh toán nợ.
Chính phủ Malaysia đã chi 915 triệu USD để kéo dài chương trình trợ cấp lương trong vòng 4 tháng, bắt đầu từ tháng 7-2021. Theo chương trình này, chính phủ trợ cấp 144 USD/người cho tối đa 500 nhân viên của mỗi doanh nghiệp. Tất cả doanh nghiệp nằm trong giai đoạn 2 của Kế hoạch phục hồi quốc gia (NRP) đều nhận được trợ cấp trong vòng 2 tháng đầu tiên. Hai tháng sau đó, chỉ các lĩnh vực nằm trong danh sách bị cấm hoạt động vì phòng dịch thuộc giai đoạn 3 của NRP mới tiếp tục được nhận trợ cấp.
Malaysia kỳ vọng hỗ trợ được 2,5 triệu người lao động thông qua sáng kiến này. Hồi cuối tháng 6, thủ tướng Malaysia khi đó là ông Muhyiddin Yassin tuyên bố với sự hợp tác của các ngân hàng, tất cả những người đi vay là cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được tự động giãn nợ 6 tháng vô điều kiện.
Các nhà hàng Malaysia đón nhiều khách hơn khi các hạn chế được nới lỏng đối với người dân tiêm phòng đầy đủ hôm 20-8. Ảnh: Straits Times
Theo ông Muhyiddin, dù người đi vay thuộc nhóm B40 (thu nhập thấp), M40 (thu nhập trung bình), T20 (thu nhập cao) hay doanh nghiệp siêu nhỏ đều được tự động trả chậm khoản vay 6 tháng mà không cần cung cấp bất cứ tài liệu nào chứng minh thu nhập giảm, thất nghiệp. Những người có nhu cầu chỉ cần gửi đơn đăng ký và đơn đó sẽ được tự động phê duyệt.
Chính phủ Malaysia cũng giảm giá hóa đơn tiền điện từ 5%-40% khi sử dụng tối đa 900 kWH/tháng. Trong vòng 3 tháng bắt đầu từ tháng 7 năm nay, mức sử dụng điện dưới 200kWH sẽ có chiết khấu 40% và mức sử dụng từ 201-300kWH sẽ có chiết khấu 15%. Ngoài ra, các đại lý du lịch, nhà điều hành khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm mua sắm và công viên giải trí được giảm giá 10% trên hóa đơn tiền điện từ tháng 10 đến 12-2021.
Kuala Lumpur đã phân bổ 72,7 triệu USD nhằm khuyến khích doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia các nền tảng thương mại điện tử cũng như khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) cũng cung cấp 481 triệu USD hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME).
Mong muốn trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch Covid-19, lĩnh vực tài chính ở London đang dẫn đầu nỗ lực khuyến khích nhân viên trở lại làm việc, một số công ty thậm chí cung cấp thức ăn miễn phí và các sự kiện xã hội.
Tập đoàn ngân hàng và tài chính Standard Chartered cho biết khoảng 33% nhân viên làm việc tại văn phòng trong tuần trước, tăng 20% so với tuần trước đó.
Theo hãng tin Reuters, công suất làm việc mỗi ngày tại trụ sở chính của Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC ở London cũng tăng lên mức 1.800 nhân viên tuần rồi so với mức trung bình 1.000-1.500 người và dự kiến tiếp tục tăng.
Tại Anh, khoảng 89% người từ 16 tuổi trở lên đã tiêm liều vắc-xin đầu tiên và hơn 80% người đã tiêm cả hai liều, theo ANI. Hơn 1/2 thanh thiếu niên từ 16-17 tuổi đã được tiêm liều đầu tiên, chỉ hơn 4 tuần sau khi nhóm tuổi này được phép tiêm vắc-xin.
Anh chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao trong vài tháng qua sau khi nới lỏng các hạn chế từ tháng 7. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid hôm 12-9 cho hay nước này sẽ đảo ngược kế hoạch yêu cầu người dân trình "thẻ xanh" vắc-xin Covid-19 khi đến các địa điểm đông người. Ông Javid cho biết chính phủ không xem động thái này là cần thiết khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin tương đối cao.
[Video] Covid-19 ở Anh: Giai đoạn mới “lạ lùng” và “cái giá của tự do”
Nền kinh tế Thụy Điển khởi sắc trong quý III/2021 khi chính phủ nới lỏng các hạn chế phòng dịch và lĩnh vực dịch vụ vốn bị ảnh hưởng nặng nề đã vực dậy mạnh mẽ. Việc nới lỏng hạn chế trong mùa hè cũng giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình.
Trong khi nhiều nước áp phong tỏa thì với khoảng 10 triệu người Thụy Điển, 18 tháng qua - kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc Covid-19 vào tháng 2 năm ngoái - không có biến động nào quá lớn. Khoảng 2/3 số người được hỏi không lo lắng về hậu quả của đại dịch với họ và gia đình, theo khảo sát do Cơ quan Bảo vệ dân sự tiến hành vào giữa tháng 6 năm nay. Chỉ ¼ số người được hỏi cho rằng nhà chức trách nên ưu tiên sức khỏe cộng đồng hơn kinh tế. Hiện có khoảng 70% người Thụy Điển từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ.
Nền kinh tế Thụy Điển khởi sắc trong quý 3/2021 khi chính phủ nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Ảnh: Reuters
Ông Samir Bhatt, giáo sư cố vấn cho chính phủ Anh về chiến lược ứng phó Covid-19, nhận định: "Thụy Điển đã kiểm soát được sự lây nhiễm, duy trì tỉ lệ lây nhiễm ở mức tương đối thấp giúp hệ thống y tế không sụp đổ". Cuối làn sóng dịch đầu tiên vào năm ngoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Thụy Điển giảm 7% trong năm 2020 nhưng sau đó GDP nước này chỉ giảm 2,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6% của Liên minh châu Âu (EU) và 9,8% của Anh.
Đến năm 2021, kinh tế Thụy Điển hồi phục nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu. Hồi tháng 6, GDP Thuỵ Điển vượt mức trước khi xảy ra đại dịch và nền kinh tế ước tính tăng trưởng 4,6% năm nay.
[dùng làm box bên phải] Theo báo Telegraph, chính phủ Thụy Điển tránh vung tiền vào những gói hỗ trợ tài chính tốn kém. Thay vào đó, họ chi khoảng 4,2% GDP trợ cấp tiền lương và các biện pháp khác.
Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính của Đức hôm 8-9 thông báo nước này sẽ kéo dài chương trình viện trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thêm 3 tháng, tức kéo dài đến hết năm nay. Các công ty có doanh số giảm ít nhất 30% do tác động của đại dịch có thể nộp đơn xin hỗ trợ thanh khoản lên tới 10 triệu euro (hơn 11,8 triệu USD) mỗi tháng.
Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cũng đồng ý về cơ bản việc mở rộng chương trình làm việc ngắn hạn đến hết năm nay. Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 3-2020, Đức đã hỗ trợ các công ty gặp khó khăn với các khoản vay và trợ cấp đặc biệt có tổng trị giá gần 120 tỉ euro (tương đương 142 tỉ USD). Chính phủ Đức cũng đầu tư 38 tỉ euro thông qua chương trình làm việc ngắn hạn để bảo vệ người lao động, kiểm soát tỉ lệ thất nghiệp và ổn định thu nhập cho người dân.
Theo số liệu được Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) công bối hồi tháng 8, nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu tăng trưởng khả quan và nhanh hơn so với dự báo, với động lực chính là chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng mạnh (sau khi dỡ bỏ phong tỏa) cùng với chi tiêu của chính phủ. Theo dự báo của Ngân hàng trung ương Đức, kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong quý III/2021.
Mỹ siết biện pháp phòng dịch
Theo Reuters, TS Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hôm 10-9 cho biết Mỹ ghi nhận trung bình 136.000 ca mắc Covid-19, 11.750 ca nhập viện và hơn 1.000 ca tử vong do dịch Covid-19 trong giai đoạn 7 ngày gần nhất. Bà Walensky cho hay một nghiên cứu gần đây cho thấy những người không tiêm vắc-xin có nguy cơ mắc Covid-19 cao gấp 4,5 lần, nhập viện cao hơn 10 lần và tử vong cao gấp 11 lần so với những người đã được chủng ngừa. Đài CNN trích dữ liệu của CDC cho thấy Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho 53,7% tổng dân số trong khi 73,7% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều tính đến hôm 11-9.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9-9 công bố những chính sách nghiêm ngặt hơn liên quan đến tiêm phòng và xét nghiệm Covid-19. Những biện pháp mới sẽ áp dụng với khoảng 2/3 người lao động Mỹ. Phần lớn nhân viên liên bang sẽ phải tiêm phòng trong khi các đơn vị tuyển dụng lớn phải yêu cầu nhân viên của mình tiêm vắc-xin hoặc xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần. Các công ty tư nhân không tuân thủ có thể đối mặt án phạt lên đến 14.000 USD/sai phạm.
Trong khi đó, bắt đầu từ ngày 10-9, Cục An toàn giao thông Mỹ (TSA) tăng gấp đôi các mức phạt lần đầu đối với người vi phạm quy định đeo khẩu trang, lên mức 500-1.000 USD/vi phạm. Người tái phạm sẽ bị phạt 1.000-3.000 USD. Hồi tháng trước, TSA gia hạn yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang trên máy bay, xe lửa, xe buýt và tại các sân bay, nhà ga cho đến ngày 18-1 năm sau. Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) thậm chí ban hành mức phạt cao hơn nhiều đối với hành khách không đeo khẩu trang trên máy bay, tối đa 9.000 USD/vi phạm.
Bình luận (0)