img

"Trẻ em đang chết dần trước mắt chúng ta" là những lời cảnh báo mạnh mẽ từ giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) Henrietta Fore ngay sau những báo cáo về thương vong trong nghi án tấn công hóa học ở thị trấn Douma, vùng Đông Ghouta - Syria hôm 7-4.


img
img
img
img
img

Bà Henrietta Fore nhấn mạnh: "Không còn thời gian cho trẻ em ở Syria. Trẻ em ở Syria đã chứng kiến và trải qua những đau khổ không thể tưởng tượng được trong 8 năm qua. Điều này có thể được ngăn chặn và cần phải dừng ngay lập tức".

Video về những nạn nhân trẻ em trong vụ tấn công ngày 7-4 ở Syria - Nguồn: AP 

 

Theo các nguồn tin y tế, ít nhất 70 người thiệt mạng trong vụ tấn công hóa học hôm 7-4 nhưng con số thương vong có thể vượt quá 100. Nhiều nạn nhân trong số này là trẻ em.

Các lực lượng cấp cứu và nhân viên cứu hộ hôm 8-4 cho biết họ phát hiện nhiều gia đình bị ngạt thở trong nhà, dưới hầm ở những vùng ngoại ô thủ đô Damascus. Nhiều người được tìm thấy trong trong các tầng hầm khi trốn các vụ pháo kích.

[eMagazine] Trẻ em Syria tận cùng đau khổ - Ảnh 2.

Phản ứng của một số nước

Hàng chục người được cho là đã chết, trong đó có trẻ em và hàng trăm người bị thương. Nhân viên cứu hộ cho hay các nạn nhân sủi bọt quanh miệng. Những hình ảnh thương tâm trong cuộc xung đột kéo dài 8 năm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ánh mắt sợ hãi của những đứa trẻ ôm chặt mặt nạ phòng hơi độc. Nhân viên cứu hộ đeo mặt nạ chống độc bế những thi thể bất động. Nhiều người đàn ông, phụ nữ, trẻ em với nét mặt sững sờ tụ tập quanh hàng chục thi thể được phủ chăn.

Đây không phải lần đầu tiên trẻ em là nạn nhân trong tấn công hóa chất ở Syria. Hồi tháng 4-2017, một vụ tấn công hóa học khác đã xảy ra ở tỉnh Idlib khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có trẻ em.

Không chỉ vũ khí hóa học, trẻ em Syria còn oằn mình hứng chịu những vụ không kích, tấn công diễn ra hầu như hằng ngày. Khi chỉ mới 5 tuần tuổi, bé Karim Abdallah, biểu tượng mới của chiến tranh Syria, đã mất mẹ và mất một mắt trong một cuộc pháo kích nhằm vào khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus hôm 29-10-2017. 

Một biểu tượng chiến tranh Syria khác thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới năm 2016 là bé trai Omran Daqneesh, 5 tuổi, đến từ TP Aleppo. Tháng 8-2016, biểu cảm của Omran với khuôn mặt dính máu và bụi bám đầy cơ thể, ngồi trong xe cứu thương sau khi được cứu khỏi ngôi nhà đổ nát của mình ở Aleppo khiến cả thế giới bàng hoàng. Hình ảnh khi đó giúp cậu bé trở thành biểu tượng của cuộc nội chiến khủng khiếp ở Syria.

img
img

Hai em bé Omran Daqneesh và Karim Abdallah đều là biểu tượng chiến tranh đau thương ở Syria. Ảnh: REUTERS

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vụ tấn công nghi sử dụng khí độc ở Syria trong ngày 9-4.

Chiến tranh cũng đẩy nhiều trẻ em gái Syria sớm bước vào hôn nhân với những kết cục bẽ bàng. Ngồi trong căn lều tối của trại tị nạn, Aziza vỗ về đứa con nhỏ trong khi đôi bàn tay của người mẹ mới 17 tuổi khẽ chỉnh lại núm vú giả trong miệng bé, buồn tủi nhìn lại những gì còn lại từ hai cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Dáng vóc có phần nhỏ bé của người mẹ "trẻ con" càng khiến cảnh tượng trông giống như một đứa trẻ đang bế một đứa trẻ.

Cô gái trẻ từ chối tiết lộ tên họ đầy đủ khi chia sẻ câu chuyện đời mình với hãng tin Reuters. Cha mẹ gả Aziza cho một người anh họ khi cô mới 14 tuổi. Mẹ Aziza nói những cô gái tuổi đó lấy chồng là chuyện bình thường tại bộ lạc của họ ở Syria vì điều đó sẽ bảo vệ nữ giới khỏi bị quấy rối và giảm gánh nặng tiền bạc lên gia đình.

[eMagazine] Trẻ em Syria tận cùng đau khổ - Ảnh 5.

Cô dâu trẻ em Aziza cùng con mình ở thung lũng Bekaa, Lebanon - Ảnh: Reuters

"Tôi hối tiếc vì đã kết hôn" - Aziza nói với đôi mắt ngấn lệ - "Ở tuổi tôi, nhiều cô gái đang còn học hành. Họ có ước mơ. Tôi không có gì cả. Tôi đã bị hủy hoại hoàn toàn".

Theo cảnh báo của các nhóm trợ giúp nhân đạo, khi cuộc chiến tại Syria đã bước vào năm thứ 8, ngày càng nhiều bé gái trong số 1,5 triệu người tị nạn nước này chạy sang Lebanon từ năm 2011 phải sớm làm vợ. UNICEF cho biết cứ 5 em gái Syria ở độ tuổi 15-19 ở Lebanon thì có một em đã kết hôn. Tổ chức này lo ngại sẽ có nhiều nạn nhân bị gia đình ép lấy chồng hơn nữa vì thiếu thốn lương thực, chỗ ở và thuốc men. Cũng theo UNICEF, hơn 3/4 người tị nạn ở Lebanon đang sống dưới mức nghèo và vật lộn để sống sót với chưa đầy 4 USD/ngày.

[eMagazine] Trẻ em Syria tận cùng đau khổ - Ảnh 6.

Trẻ con chơi đùa tại trại tị nạn ở Ain Issa - Syria Ảnh: Reuters

Trở lại với câu chuyện của Aziza, cô đang sống cùng cha mẹ và 5 anh chị em trong căn lều nhỏ ở Thung lũng Bekaa, Đông Lebanon - nơi tập trung nhiều người tị nạn nhất nước này với hơn 300.000 người. Đó là những nạn nhân đã trốn chạy khỏi quê hương Aleppo ở Syria 5 năm trước.

Mỗi cuộc hôn nhân của Aziza đều chỉ kéo dài khoảng 1 năm. Không lâu sau khi ly dị người chồng đầu tiên do trục trặc với mẹ chồng, cô gái trẻ "nhắm mắt" đi bước nữa bởi sự xấu hổ vì những đồn thổi trong cộng đồng về cuộc hôn nhân đổ vỡ. Và cuộc hôn nhân thứ hai cũng sớm kết thúc khi Aziza bị người chồng hơn em 14 tuổi đánh đập tàn bạo.

"Đừng lấy chồng và phải học cho xong" - Aziza muốn gửi thông điệp này tới các cô gái Syria tị nạn. Còn đối với cậu con trai mới 5 tháng tuổi của mình, người mẹ trẻ mong mỏi bé sẽ có một cuộc sống khác, được học hành, biết chữ và có một tương lai tươi đẹp hơn.

Xuân Mai - Lê Duy
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên