Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) hôm 11-3 quyết định gọi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) là đại dịch. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết họ có động thái nói trên vì mối quan ngại sâu sắc về mức độ lây lan của virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2) và tình trạng thiếu hành động đáng báo động nhằm đối phó dịch bệnh.
Những khung cảnh vắng vẻ diễn ra ở nhiều nơi trong nước Ý (Ảnh: EPA, Reuters, Rex, AGF, IPA)
Trước khi có động thái trên, WHO gọi Covid-19 là bệnh dịch, tức là sự bùng phát của một căn bệnh trong một khu vực với tốc độ lây lan không lường trước được. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa bệnh dịch là "một sự gia tăng, thường là đột ngột, của các ca nhiễm vốn cao hơn con số dự kiến tại khu vực đó".
Nhân viên phun thuốc khử trùng tại một cơ sở ở huyện Cheongdo thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc – Hàn Quốc hôm 11-3 (Ảnh: Reuters)
Vào năm 2010, WHO định nghĩa đại dịch là "sự lây lan trên toàn thế giới của một căn bệnh mới" có ảnh hưởng đến một số lượng lớn người. Với CDC, đại dịch là "một bệnh dịch lan rộng tại một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn người".
"Thông thường, một đợt bùng phát trở thành bệnh dịch khi nó lây lan rộng tại một quốc gia nào đó, đôi khi là ở một khu vực nào đó. Trong khi đó, một đại dịch được hiểu là sự lây lan rộng khắp về mặt địa lý của một căn bệnh tại nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều châu lục" - ông Lawrence O. Gostin, chuyên gia tại Trường ĐH Georgetown (Mỹ), giải thích.
Vào cuối tháng 2 qua, ông Tedros nhận định Covid-19 có tiềm năng trở thành đại dịch nhưng kịch bản này vẫn chưa xảy ra vì "chúng ta chưa chứng kiến sự lây lan không kiểm soát ở cấp độ toàn cầu" của dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình giờ đã khác khi hiện có hơn 120.000 ca nhiễm tại ít nhất 114 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Một phụ nữ mua giấy vệ sinh tại một siêu thị ở thủ đô Washington – Mỹ hôm 11-3 trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành
WHO hy vọng việc gọi Covid-19 là đại dịch sẽ giúp thay đổi cách các quốc gia đối phó cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị, việc khống chế sự lây lan của SARS-CoV-2 đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Đại dịch cúm gia cầm H1N1 (2009-2010) được cho là đã khiến hàng trăm ngàn người tử vong trên thế giới. Riêng ở Mỹ, có khoảng 60,8 triệu người mắc bệnh.
2 phụ nữ tranh nhau mua giấy vệ sinh tại một cửa hàng ở TP Sydney – Úc vào tuần rồi giữa lúc nỗi lo về Covid-19 gia tăng (Ảnh: 9News)
+ Đại dịch SARS (2002-2003)
Hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) là căn bệnh khởi phát từ tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc và trở thành đại dịch toàn cầu khi lây lan 26 quốc gia, lây nhiễm hơn 8000 người và làm 774 người tử vong.
+ Đại dịch HIV/AIDS (1981-hiện tại)
Những trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được biết đến là vào năm 1981 và hiện vẫn còn nhiều người tử vong vì đại dịch này. Cho đến giờ, đã có 75 triệu người có HIV và khoảng 32 triệu người tử vong vì căn bệnh này.
+ Đại dịch cúm Hồng Kông (H3N2, 1968 - 1970)
Đại dịch cướp đi sinh mạng của khoảng 1 triệu người, trong đó có 100.000 người ở Mỹ. Đại dịch này được biết đến với tốc độ lây lan nhanh chóng của nó với 500.000 người nhiễm ở Hồng Kông trong vòng 2 tuần sau khi ca đầu tiên được ghi nhận.
+ Đại dịch cúm Tây Ban Nha (H1N1, 1918-1919)
Đây được xem là đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Theo ước tính, đại dịch khiến 500 triệu người nhiễm virus H1N1, tương đương 1/3 dân số thế giới lúc đó. Số người tử vong vì đại dịch là hơn 50 triệu người.
Bình luận (0)