Mấy hôm nay, cả xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xôn xao về câu chuyện của "ông điên" sau 26 năm đã biết nhớ và trùng phùng cùng người thân.
Một chiều cuối tháng 2-2019, khi hay tin "ông điên" đã nhớ lại quê quán của mình và người thân đang trên đường vào Bình Châu để nhận lại ông, rất đông người dân trong xã đã tập trung đến nhà bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng trạm Y tế xã Bình Châu, để chia vui cùng người đã gắn bó với họ 26 năm qua.
Đúng 17 giờ, một tốp người nói giọng Đà Nẵng đến nhà bác sĩ Thái. Khi nhóm người đẩy cửa bước vào, "ông điên" liền gọi tên từng người một khiến cả đoàn ôm nhau khóc nức nở. Họ nắm tay, sờ từng đường nét trên khuôn mặt của "ông điên". Nhiều người không dám tin vào người con, người cháu, người anh tưởng chừng đã chết sau bao nhiêu năm tìm kiếm vẫn còn sống đứng trước mặt mình. Tất cả câu chuyện tưởng chừng cổ tích ấy chính nhờ công lao to lớn của bác sĩ Phạm Hồng Thái.
Nghe tin ông Phạm Đông (áo sọc ca rô xanh) còn sống sau 26 năm, người thân vào Quảng Ngãi nhận lại ông trong niềm vỡ òa hạnh phúc.
Đó là vào tháng 6-1993, lúc ấy bác sĩ Phạm Hồng Thái mới 22 tuổi, vừa học xong trường trung cấp y và về nhận nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã Bình Châu. Trên đường đi làm, anh Thái thường thấy một người thanh niên có khuôn mặt điển trai, lớn hơn mình khoảng 4-5 tuổi suốt ngày đứng tần ngần giữa chợ Bờ Đắp, xã Bình Châu, đôi mắt vô hồn. Hỏi tên tuổi, quê quán, thanh niên này cứ lắc đầu, ú ớ. Với vốn kiến thức y khoa, anh Thái biết rằng thanh niên kia đã mắc bệnh tâm thần khá nặng. Anh quyết định đưa thành niên về nhà nuôi, chữa trị căn bệnh tâm thần và đặt tên là Phạm Đông.
Bác sĩ Thái kể lại, lúc mới về, anh Đông hầu như không biết làm gì, từ ăn uống đến tắm rửa đều do anh và cha mẹ chăm sóc. Suốt ngày, anh Đông cứ đứng vòng tay, ai hỏi gì cũng ú ớ, lắc đầu. Hơn 10 năm đầu, ngày nào anh Thái và cha mẹ cũng thay phiên nhau chăm sóc, cho anh Đông uống thuốc. Gần 15 năm tiếp theo, tình trạng bệnh của anh Đông đã bắt đầu có chuyển biến hơn, anh tự ăn uống, phụ giúp được một số việc trong gia đình. Nhưng khi hỏi quê quán, tên tuổi, anh đều lắc đầu.
Mãi cho đến đầu năm 2018, ông Đông bất chợt nhớ lại mình có nhà ở bên kia sông Hàn (Đà Nẵng), nhà phải đi qua phà. Lần theo trí nhớ, vợ chồng bác sĩ Thái đưa ông Đông ra Đà Nẵng tìm nhà nhưng ông không biết nơi đâu vì Đà Nẵng đã thay đổi quá nhiều.
Tiếp tục đến tháng 10-2018 vừa qua, vì làm đủ mọi cách như hòa thuốc trong canh, cơm nhưng ông Đông không chịu uống, bác sĩ Thái mới tìm đổi loại thuốc không có màu, mục đích để ông Đông không nhận ra. Chính từ sự thay đổi thuốc tình cờ đã phát huy tác dụng, làm ông Đông nhớ được mình có nhà ở sông Hàn; nhớ được trong sổ đi nhận hàng ở hợp tác xã hồi xưa, ông có người cha tên Võ Hữu Thứ (thực tế là cậu ruột)...
Từ những manh mối đó, bác sĩ Thái quyết định tìm lại người thân cho ông Đông. Bác sĩ Thái viết một đoạn thông báo ngắn cùng 2 ảnh chụp ông Đông gửi địa chỉ trang Yêu Đà Nẵng trên Facebook.
Chiều 20-2, tin thông báo tìm người thân được trang Yêu Đà Nẵng đăng lên và nhận được hàng trăm lượt chia sẻ của người dùng. Đến khoảng 21 giờ ngày 20-2 và rạng sáng 21-2, điện thoại của bác sĩ Thái liên tục reo lên, đầu dây bên kia có rất nhiều người nói giọng Đà Nẵng hỏi han về ông Đông, họ nói hôm sau gia đình sẽ vào Quảng Ngãi đón ông Đông về. Nhiều người mừng quá còn òa khóc nức nở trong điện thoại. Đến chiều 21-2, đúng như lời hẹn, một tốp người từ Đà Nẵng vào nhà bác sĩ Thái và gặp ông Đông trong sự vỡ òa vui sướng.
Nhiều người dân đến chia vui cùng gia đình ông Nguyễn Văn Đông
Trong niềm vui vỡ òa ngày gặp lại người cháu sao bao năm tìm kiếm, bà Nguyễn Thị Lê (ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cho biết ông Phạm Đông tên thật là Nguyễn Văn Đông (50 tuổi, ngụ thôn Trung Đông, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Từ năm 12 tuổi, ông đã bị tâm thần và được gia đình đưa ra ở với người cậu ruột tên Võ Hữu Thứ (chồng bà Lê) tại Đà Nẵng. Tháng 6-1993, trong một lần từ nhà cậu theo xe khách về Quảng Nam để thăm nhà, Đông mất tích.
Suốt nhiều năm trời, gia đình đi tìm kiếm Đông khắp nơi nhưng không có tin tức. Gia đình còn đi coi rất nhiều thầy bói và họ nói Đông đã bị chết đuối nên lập bàn thờ, thờ cúng ông tại quê nhà hàng chục năm qua.
"Bây giờ gặp lại đứa cháu sau bao năm thất lạc, thật sự không gì vui sướng bằng. Không những cháu tôi còn sống mà còn được chữa bệnh lành lặn trở lại... Tất cả nhờ công lao to lớn của gia đình bác sĩ Phạm Hồng Thái" - bà Lê nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Văn Bình (anh ruột ông Nguyễn Văn Đông) vì cứ nghĩ em mình đã chết nên gia đình lập bàn thờ cách đây nhiều năm. Sau đó, ông đã hạ bàn thờ sau khi em trai trở về.
Tin vui tìm được ông Nguyễn Văn Đông sau 26 năm tưởng chừng đã chết cũng lan nhanh về vùng quê nghèo thôn Trung Nam, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngay trong sáng 24-2, rất nhiều người dân, hàng xóm đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Bình (anh ruột ông Đông) để chia vui cùng gia đình... Với nhiều người thân, hàng xóm nơi quê nhà ông Đông, chuyện ông trở về giống như câu chuyện cổ tích, còn bác sĩ Phạm Hồng Thái như một vị "Phật sống" giữa đời thường.
Bác sĩ Phạm Hồng Thái (phải) cùng ông Nguyễn Văn Đông
Nói về hành trình nuôi một người điên mấy chục năm, bác sĩ Phạm Hồng Thái chia sẻ rằng ông không nghĩ được vì sao mình có thể kiên nhẫn chăm sóc ông Đông đằng đẵng như thế. "Hằng ngày, tôi phải nghĩ cách cho anh ấy uống thuốc. Còn chuyện trong suốt mấy chục năm nuôi anh, tất cả mọi người trong gia đình tôi đều bị anh đuổi đánh. Cha tôi đã có lần bị anh ấy đánh gãy tay, phải bó bột cả tháng trời mới bớt. Tôi thì nhờ trẻ nên bị anh đuổi, mình chạy nhanh hơn nên thoát. Thậm chí, nhiều lúc anh ấy còn thách thức mẹ tôi, bà nội tôi "có ngon thì ra sân đánh tay đôi" hoặc chửi bới, đuổi cha mẹ tôi ra khỏi nhà vì cho rằng "nhà của tôi chứ nhà gì của ông mà ông ở... " - bác sĩ Thái kể lại.
Theo bác sĩ Thái, thấy ông Đông hung hăng quá, rất nhiều lần bà con xung quanh khuyên giải phải đưa ông "bỏ nơi khác", vì nếu không sẽ gây hại cho gia đình.
Bình luận (0)