Ngày 1-10-2021 đánh dấu cột mốc không thể nào quên đối với mỗi người dân TP HCM. Thành phố bước sang trang mới khi từng bước nới lỏng giãn cách xã hội sau hơn 4 tháng gồng mình phòng, chống dịch bệnh.
Đủ cung bậc của sự đau thương mỗi khi nhắc nhớ về đợt dịch thứ 4, nhưng ngay lúc khó khăn nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM đã xác định đây là "cuộc chiến" để đương đầu, từng bước vượt qua dịch bệnh.
Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, TP HCM bị tăng trưởng âm 6,78%. Song, trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của đại dịch, điều vô cùng ý nghĩa là thành phố vẫn gìn giữ được những giá trị nền tảng, những điểm sáng quý báu.
Một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2021 ước đạt 381.531 tỉ đồng, đạt 104,56% dự toán năm.
TP HCM cũng có thêm nguồn lực từ sự chia sẻ của Trung ương khi thông qua tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP năm 2022 là 21% (tăng 3% so với tỉ lệ của 5 năm trước đó).
Khi dịch được kiểm soát, kinh tế TP phục hồi nhanh và ấn tượng ngay từ những tháng đầu năm 2022. GRDP quý I/2022 đã tăng 1,88% so cùng kỳ năm 2021.
Như lời nhận xét của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 hồi tháng 3-2022: "TP HCM trở lại nhanh hơn mong muốn, hơn kỳ vọng. Điều này rất đáng mừng, mừng đến phát khóc".
Xuyên suốt 8 tháng qua, các lĩnh vực kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 311.921 tỉ đồng (đạt 80,69% dự toán năm).
Chính tầm nhìn, đề ra những giải pháp quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo TP cũng như sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp đã giúp kinh tế TP phục hồi ấn tượng như trên.
Có thể thấy, từ đầu quý IV/2021, TP HCM đã chủ động và quyết tâm chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh loạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ để dần mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội sau 4 tháng tạm dừng.
Ngay sau đó, TP HCM xây dựng ngay Chương trình Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022-2025, với quan điểm rõ ràng và mục tiêu cụ thể cho 2 giai đoạn. Bên cạnh việc chủ động xây dựng chương trình phục hồi để bắt tay khôi phục lại nền kinh tế, TP luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương; sự đồng thuận và thống nhất cao của hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP.
Năm 2022, TP xây dựng chủ đề năm 2022 là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Với chủ đề này, TP xác định kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục phát huy kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 thông qua việc nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp nhằm khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển TP.
TP đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) đạt 6%-6,5%.
Có thể nói việc đưa tốc độ tăng trưởng từ âm 6,78% lên 6-6,5% sau một năm là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cho thấy quyết tâm chính trị đưa TP trở lại vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Trước đà phục hồi của kinh tế TP trong 8 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định TP có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng (GRDP) đã đề ra cho năm nay là 6-6,5%.
Song song với sự phục hồi, phát triển kinh tế, TP HCM đã tập trung chăm lo an sinh cho người dân với quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Không thể kể hết những chương trình, hoạt động của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các nhà hảo tâm ở TP để chăm lo cho người yếu thế.
App An sinh của TP HCM ra đời, đóng vai trò như cầu nối trực tiếp của người dân tới Trung tâm An sinh TP. Người dân có thể thông qua app An sinh để trực tiếp gửi các yêu cầu cấp bách của mình để nhận được hỗ trợ.
Các loại yêu cầu cấp bách có thể gửi trực tiếp thông qua ứng dụng như: Yêu cầu cứu trợ nhu yếu phẩm, yêu cầu hỗ trợ y tế khi cần xe cấp cứu, bình ôxy, thuốc men, các thiết bị y tế phục vụ chống dịch Covid-19, yêu cầu cấp cứu đối với các tình huống khẩn cấp.
Trung đoàn Gia Định - Bộ Tư lệnh TP HCM trao quà đến những gia đình khó khăn. Ảnh: Hoàng Triều
Trong 9 tháng đầu năm 2022, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, xây dựng lại chung cư cũ được TP động thổ, khởi công. Dịp lễ 30-4, TP HCM đã tổ chức lễ động thổ, khởi công nhiều dự án với quy mô hơn 3.000 căn.
Có thể kể đến dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân, người lao động làm việc tại Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp phường Linh Trung, TP Thủ Đức; chung cư nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở Nguyên Sơn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; chung cư nhà ở xã hội tại phường Long Trường, TP Thủ Đức; dự án nhà ở phục vụ tái định cư cho người dân tại các lô IV-VI cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh.
Lãnh đạo UBND TP HCM, nhiều sở, ngành và các đại biểu tại lễ khởi công ép cọc thử nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung II. Ảnh: Quốc Anh
Đến dịp 2-9, hàng loạt dự án an cư tiếp tục được khởi công như dự án nhà ở xã hội MR1, dự án nhà ở xã hội Dragon E-Home tại TP Thủ Đức… TP HCM cũng bàn giao dự án căn hộ thuộc sở hữu nhà nước phục vụ tái định cư cho người dân.
Là một trong số những người được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi bàn giao chìa khóa căn hộ tái định cư ở chung cư Cô Giang (quận 1), ông Nguyễn Anh Tuấn vui mừng cho biết thực hiện chủ trương của UBND TP về việc sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các chung cư cũ, xuống cấp, không bảo đảm an toàn trên địa bàn TP, vào năm 2016, ông và nhiều cư dân khác ở chung cư Cô Giang đã đăng ký tham gia thực hiện chủ trương này.
"Đến nay, nhiều cư dân nhận được căn nhà mong ước của mình sau thời gian dài ở trọ bên ngoài. Chúng tôi rất vui mừng khi trở về sinh sống ở tòa nhà mới, chất lượng, khang trang, hiện đại cùng với các tiện ích đồng bộ ngay trên mảnh đất gia đình đã gắn bó nhiều năm. Chúng tôi rất trân trọng sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo TP, các sở - ban - ngành và sự nỗ lực của đơn vị phát triển dự án. Xin cảm ơn lãnh đạo TP đã có mặt chia vui cùng chúng tôi trong sự kiện ý nghĩa này" - ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện là một trong những động lực để TP HCM bứt phá và phát triển bền vững. Vì lẽ đó, TP HCM đã và đang nỗ lực, quyết tâm trong việc thực hiện các dự án giao thông kết nối nội thành, kết nối vùng.
Tuyến metro đầu tiên của TP HCM ngày về đích càng cận kề khi mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho biết đơn vị vừa vận hành chạy thử đoàn tàu metro đầu tiên (thuộc tuyến Bến Thành - Suối Tiên) tại khu vực depot Long Bình, TP Thủ Đức.
Trong lần chạy thử đầu tiên này, đoàn tàu metro vận hành trên hệ thống ray trong depot Long Bình độ dài khoảng 300 m. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng của dự án, đánh dấu cột mốc mới trong quá trình triển khai hoàn thiện.
Hai năm qua, mặc dù dự án Metro số 1 gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã cố gắng phối hợp cùng các đơn vị liên quan để đưa 17 đoàn tàu về TP, đồng thời thi công hệ thống đường ray và tiếp điện trên cao. Thời gian tới, ban sẽ tiếp tục hoàn thành tất cả hệ thống tín hiệu, viễn thông… để tiến đến việc thử nghiệm tàu trên toàn tuyến.
Háo hức xem hình ảnh chạy thử tàu metro số 1, chị Trần Nguyệt Thanh (ngụ TP Thủ Ðức) nói khi những đoàn tàu metro đầu tiên cập cảng Khánh Hội, cũng là lúc chị đếm ngược thời gian để chờ tàu lăn bánh trên đường ray. "Sự mong chờ này không riêng gì cho sự tiện lợi của bản thân khi được đi làm bằng metro, mà đó là sự mong chờ chung cho người dân TP. Ai cũng hiểu rằng một đô thị hiện đại hướng đến đô thị thông minh như TP HCM thì loại hình vận tải hành khách bằng metro là không thể thiếu. Hệ thống metro sớm hoàn thiện ngày nào thì ngày đó sẽ thêm cơ hội bứt phá cho TP nói riêng, cả nước nói chung" - chị Thanh bày tỏ.
Trong khi đó, sau nhiều năm rào chắn để thi công dự án Metro số 1, một phần đoạn đường Lê Lợi đã được tái lập và hoàn trả mặt bằng. Người dân vui mừng và tin tưởng hoạt động kinh tế tại đây sẽ được khôi phục.
Ông Vũ Phan Minh Trí, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 1 (trực thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM), cho biết: "Việc hoàn trả mặt đường Lê Lợi là dấu ấn chào mừng lễ kỷ niệm 30-4 và 1-5. Điều này cũng mang lại những hiệu ứng tích cực cho cư dân sống xung quanh và tiếp nối đà khôi phục kinh tế du lịch của TP HCM trong thời gian tới".
Còn chị Oanh (ngụ đường Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1) vui mừng: "Rào chắn mở ra rồi, đường phố sạch đẹp như hiện tại thì khách du lịch sẽ quay trở lại đây. Công việc kinh doanh, buôn bán của gia đình tôi sẽ dễ dàng và phát triển hơn. Người dân ở đây ai cũng vui mừng".
Dự án đường Vành đai 3 như một minh chứng cho quyết tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông để bứt phá và phát triển bền vững của TP HCM.
Khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, TP HCM và các địa phương đã rất quyết tâm, nỗ lực hoàn thiện sớm hồ sơ. TP đã cùng 3 tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó, tìm kiếm phương án cũng như giải pháp tốt nhất khi triển khai dự án, nhất là trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thị sát vị trí nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc TP HCM - Trung Lương vào ngày 19-5. Ảnh: Thu Hồng
Trong quy chế phối hợp với 4 tỉnh, TP HCM là địa phương đầu mối, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Quy chế phối hợp nhấn mạnh sự đồng bộ giải pháp kỹ thuật cho toàn dự án như khung tiêu chuẩn áp dụng, giải pháp kỹ thuật, các hạng mục công trình ảnh hưởng đến mỹ quan chung; đồng bộ về ứng dụng khoa học - công nghệ trong thiết kế thi công, vận hành...
Ngày 15-7 vừa qua, TP HCM tổ chức hội nghị triển khai dự án đường Vành đai 3 dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Đây là hội nghị quan trọng, quán triệt cả hệ thống chính trị từ cơ quan, ban ngành, TP, quận - huyện, phường - xã vào cuộc triển khai dự án đường Vành đai 3. Điều này càng cho thấy quyết tâm, sự kỳ vọng của TP HCM đối với dự án. Về phía các sở, ban, ngành TP HCM cũng tích cực đẩy nhanh các đầu việc như thực hiện công tác bàn giao hồ sơ cho các địa phương, chuẩn bị đo vẽ, kiểm kê, thống kê ranh dự án… để về đích đúng tiến độ.
Dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Đồ họa: Phương Anh
Nói như Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi: Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nhưng từ lâu việc kết nối giao thông chính là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển, giao thương kinh tế giữa TP HCM và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP HCM đã và đang nỗ lực thực hiện các dự án giao thông, trong đó dự án đường Vành đai 3 như một minh chứng cho quyết tâm trên. Con đường chỉ dài hơn 76 km nhưng nói như Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, đó là "mong mỏi của 20 triệu bà con trong vùng", giúp tháo gỡ điểm nghẽn và mở ra không gian, tạo động lực phát triển mới cho cả vùng phía Nam".
Sau 4 năm thi công, dự án nâng cấp, mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh (Tỉnh lộ 9), huyện Hóc Môn chính thức được thông xe ngày 26-4-2022. Dự án có chiều dài 5,3 km, mở rộng đường từ 7 m lên 30 m, tổng mức đầu tư khoảng 700 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư. Khi đưa vào khai thác sẽ góp phần tăng năng lực giao thông cho khu vực, giúp phát triển kinh tế - xã hội cũng như kết nối các tỉnh lân cận gồm Bình Dương, Long An và TP HCM.
Dự án trải qua nhiều khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng với số hộ bị ảnh hưởng hơn 1.300 hộ, ngoài ra phải thi công dự án giữa tâm dịch, áp dụng quy tắc "3 tại chỗ" trong quá trình thi công.
Từ khi khánh thành, nhà cửa 2 bên đường được khoác áo mới, nhà cao tầng, nhà cấp 4 được xây mới, sửa sang đẹp mắt hơn. Bảng hiệu cửa hàng, quán xá sáng trưng mỗi tối. Không còn cảnh kẹt xe, ngập nước mỗi khi mưa lớn hay vào giờ cao điểm.
Mát ruột, vui sướng là câu nói bà Trần Thị Beng (74 tuổi), ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, lặp đi lặp lại khi kể cho chúng tôi nghe về con đường mới khang trang hiện nay. Gia đình bà Beng cũng nhường hơn 100 m2 nhà và đất cho con đường đi qua.
"Mừng lắm con ơi, đường sá rộng rãi, thông thoáng, sạch hơn trước gấp mấy lần. Trời mưa lớn cỡ nào cũng không lo ngập, tối thì đèn sáng trưng như ban ngày. Nhà nước đền bù nhà, đất cho mình dù giá không như giá thị trường nhưng hợp lý để mình sửa nhà, có mặt tiền buôn bán, quan trọng là con đường khang trang, hy vọng mọi người làm ăn khấm khá. Đời con, đời cháu sẽ được hưởng thụ" - bà Beng vui vẻ nói.
Được khởi công từ ngày 21-5-2021, dự án xây dựng đường song hành Võ Văn Kiệt (phía bên phải, kết nối từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Pasteur, quận 1) chính thức thông xe sáng 26-4-2022.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 71 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, mở rộng đoạn đường dài 645 m, rộng 7 m, bắt đầu từ nút giao Võ Văn Kiệt – Nguyễn Thái Học và kết thúc gần nút giao với đường Pasteur, kết hợp gia cố bờ kè kênh Bến Nghé, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật…
Công trình tuy có mức đầu tư nhỏ nhưng đã mang lại hiệu quả lớn khi góp phần nâng cao năng lực thông hành của tuyến giao thông huyết mạch Đông – Tây đặc biệt là khu vực cửa hầm Thủ Thiêm, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực hầm Thủ Thiêm và trung tâm quận 1.
Đường kênh Nước Đen (quận Bình Tân) từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường chính thức khoác áo mới sau 2 năm cải tạo, đưa vào sử dụng dịp lễ 30-4-2022.
Tháng 4-2020, với mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng, dự án cải tạo, nâng cấp kênh Nước Đen, đoạn từ cống hộp hiện hữu (đường Số 13) đến kênh Tham Lương (quận Bình Tân) được khởi công. Dự án có tổng chiều dài 1,4 km, rộng 40 m (mức đầu tư hơn 600 tỉ đồng), trong đó các phần được cải tạo mới gồm mở rộng lòng đường 2 bờ kênh, lát đá vỉa hè và nạo vét lòng kênh. Sau khi hoàn thành cải tạo, 2 bên bờ kênh được lắp lan can cao hơn 1,5 m, vỉa hè rộng gần 1 m cho người đi bộ. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM làm chủ đầu tư.
Kênh Nước Đen đoạn qua khu vực phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM) từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh.
Sau 2 năm được đầu tư cải tạo, dòng kênh đã hồi sinh, không còn mùi hôi thối, tình trạng xả rác xuống kênh cũng giảm hẳn, góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân quanh khu vực.
Không chỉ cảnh quan, môi trường sống tốt hơn, bà con nơi đây còn vui mừng vì việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi hơn trước.
Nhìn lại 9 tháng đầu năm, từng góc phố, con đường, nhà hàng, quán ăn, trung tâm thương mại, trường học đã náo nhiệt, sôi động như xưa. Hàng loạt công trình dân sinh chuyển động. Đó là những tín hiệu của một TP đã thật sự hồi sinh.
Tiếng trống khai giảng năm học mới của lãnh đạo TP HCM đầu tháng 9 sau gần 2 năm học trực tuyến rộn ràng, tưng bừng như khí thế, quyết tâm xây dựng TP ngày càng giàu đẹp hơn trong mỗi người dân TP mang tên Bác.
Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) háo hức đón chờ năm học mới. Ảnh: Hoàng Triều
Dẫu biết TP còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; nhiều "điểm nghẽn", nhiều đầu việc tồn đọng cần giải quyết, dịch bệnh vẫn còn hiện diện nhưng với truyền thống kiên cường, bản lĩnh vững vàng, sự năng động, sáng tạo, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, chúng ta vẫn trọn niềm tin vào "mục tiêu kép" đã đề ra, TP sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn với vị thế mới.
Bình luận (0)