(NLĐO)- Trên nhiều tuyến phố Hà Nội vào đêm không gian trở nên vắng lặng trong những ngày Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Video đêm Hà Nội vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội
Đêm 31-7, ngày thứ 8 người dân Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch Covid-19, lúc 20 giờ, đường phố hướng về trung tâm gần như không còn tiếng còi xe, không còn ồn ào của quán xá, không gian phố thị đã trở nên vắng lặng.
Các ngã tư trong những ngày này đã vắng hẳn ồn ào của tiếng còi xe
Trong đêm vắng lặng ấy, chỉ còn thấy những chiến sĩ công an, các cán bộ lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ, trực tại nhiều chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu phố cổ, và nhiều tuyến đường trung tâm TP Hà Nội vắng ngắt. Có những thời điểm gần như không có người dân đi qua lại khu vực này
Trong đêm, lực lượng chức năng vẫn túc trực tại các điểm chốt để bảo đảm an ninh, hạn chế người dân ra đường, kiểm soát những những dân thiếu ý thức trong công tác phòng chống dịch Covid-19...
Lực lượng chức năng túc trực tại một số điểm chốt ở trung tâm TP Hà Nội để kiểm soát người dân ra ngoài không có lý do chính đáng
Chỉ thị 16 có nêu rõ người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Các công nhân môi trường miệt mài thực hiện công việc của mình. Chị Ngô Hoàng Lan (công nhân vệ sinh môi trường), cho biết: "Ca làm việc của tôi bắt đầu từ lúc 20 giờ đêm và kết thúc lúc đến 5 giờ sáng hôm sau. Người dân không ra ngoài nên rác đợt này cũng ít, chúng tôi đỡ mệt hơn"
Và dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng, vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe "ôm").
Nhiều người lao động vẫn đang gấp rút hoàn thành công việc của mình để trở về nhà
Trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia. Công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải (vận tải hàng hóa thiết yếu được ưu tiên "luồng xanh" vào thành phố).
Ghi nhận tại sân vận động Mỹ Đình lúc 20 giờ tối 31-7, chỉ còn lác đác vài phương tiện tham gia giao thông trên đường
Nhiều người dân Hà Nội đã thực hiện nghiêm các chỉ thị được ban hành: Phải thật sự cần thiết mới ra đường, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Trên tuyến đường Đại Lộ Thăng Long đi qua hầm chui Trần Duy Hưng, nơi cửa ngõ đi vào nội đô, có nhiều thời điểm gần như không có phương tiện tham gia giao thông trên đường
"Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch", ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh
TP Hà Nội yêu cầu mỗi người dân phải thật bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa.
Đồng thời các hộ gia đình, Ban quản lý các tòa nhà chung cư, các nhà máy, cơ sở sản xuất tăng cường công tác kiểm tra các thiết bị điện, các thiết bị PCCC đảm bảo không để xảy ra các sự cố chập điện, cháy nổ.
Bên cạnh đó, đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn.
Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội cũng được phép hoạt động.
Những trường hợp người dân khi di chuyển vào TP Hà Nội vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của Thành phố.
Ngô Nhung
Bình luận (0)