Một ngày giữa tháng 8, tôi đã kinh ngạc khi vào bên trong Bệnh viện Dã chiến Điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình ngày khánh thành và thấy 10 chiếc máy lọc máu, hàng chục máy thở, vô số máy oxy dòng cao và hàng loạt thiết bị hỗ trợ hô hấp khác được lắp đặt dày đặc ở cánh trái của tòa nhà vừa mới được ngăn buồng bằng bạt trắng, cải tạo thành bệnh viện. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là họ đang làm một điều ngoài sức tưởng tượng, bởi tôi đã từng bước vào nhiều đơn vị hồi sức tích cực (ICU), thấu hiểu những đòi hỏi gắt gao của bộ phận chuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng nhất này.
3 tuần lễ sau, khi biết khu vực đó đã gần đầy bệnh nhân, tôi nhắn tin cho lãnh đạo bệnh viện, nói lên mong muốn trở lại và chứng kiến tận mắt cách các đồng nghiệp của ông đang chiến đấu.
Hồi tưởng lại những ngày đầu đi "xây" bệnh viện dã chiến, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Hữu Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, cho biết quyết định phải lập một khu bệnh nặng và hồi sức trong bệnh viện dã chiến xuất phát từ những ngày Bệnh viện Thống Nhất bắt đầu có các bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng nặng.
Các thiết bị hiện đại được đưa về để lập ICU dã chiến
Những ngày tháng 7 đó, y tế thành phố bắt đầu quá tải, con đường chuyển viện khó khăn hơn. Phải cứu bệnh nhân Covid-19 mà vẫn bảo vệ được "vùng lõi" – khu điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân không Covid-19. Vậy là họ quyết định xây đơn vị Covid-19 nặng tại đây, cách bệnh viện chính chỉ vài trăm mét.
Công việc ở "tầng 3" dã chiến này nhiều đến nỗi 2 nữ điều dưỡng đưa tôi đi ghi hình đều tranh thủ phụ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân trong lúc tôi tác nghiệp.
"Bệnh nhân Covid-19 nặng, họ tội lắm", là lý do đơn giản để điều dưỡng Mai Văn Phong nỗ lực làm việc trong điều kiện mới: công việc gấp đôi vì bệnh nhân không còn người nhà theo chăm sóc, phải mặc trang phục bảo hộ cấp 4 nóng nực trong 8 giờ, số bác sĩ, điều dưỡng trên số bệnh nhân ít hơn bởi cả Bệnh viện Thống Nhất đang phải "chia quân" ra rất nhiều mặt trận.
Khu bệnh nặng mà anh Phong đang làm việc là nơi mà các bệnh nhân đều cần hỗ trợ hô hấp ở nhiều cấp độ, "nhẹ" nhất là oxy cannula (oxy râu, oxy gọng mũi), nặng là oxy mask, hơn nữa là oxy dòng cao (HFNC). Bảo đảm cho hơn 100 con người có thể thở đều đặn cùng một lúc là thử thách của họ.
Bên kia bức vách dựng bằng bạt trắng là một "bản giao hưởng" sinh tử đủ làm căng thẳng bất cứ ai chưa quen: 45/50 giường ICU đã có bệnh nhân, đang được níu giữ sự sống dưới nhiều cấp độ: lọc máu thở máy xâm lấn hoặc không xâm lấn... Hình ảnh bệnh nhân cố sức thở có thể gây xúc động mãnh liệt cho đa số mọi người, nhưng với tôi, người đã đến "tận cùng" nhiều đơn vị điều trị Covid-19, chính "bản nhạc" nhiều cung bậc của hàng trăm loại máy móc hỗ trợ sự sống nối vào thân thể hàng chục bệnh nhân – hầu hết đã mê man – mới thực sự gây nhói lòng.
Họ nằm đó, giao phó sinh mệnh cho những bác sĩ, điều dưỡng đang bất chấp những hiểm nguy cao nhất đến từ những thủ thuật bắt buộc trong ICU để cho họ còn có cơ hội gặp được người thân. Tôi xin được che mặt họ trong toàn bộ những thước phim, tấm ảnh, bởi không ai trong số họ có thể trả lời nếu tôi xin phép.
"Điều mong muốn nhất của tôi là có thêm người để chăm sóc chu đáo hơn, làm được nhiều điều hơn cho bệnh nhân. Tình nguyện viên cũng được, họ có thể cho các cụ, các bác ăn, trong khi chúng tôi cố gắng với máy lọc máu, máy thở" – điều dưỡng Phạm Văn Triển bộc bạch.
Còn với bác sĩ Nguyễn Hoàng Lân từ đơn vị sàng lọc cấp cứu, một thử thách nữa của nhân viên y tế điều trị Covid-19 là ai, chuyên khoa gì cũng phải điều trị Covid-19, cũng phải làm được hồi sức cấp cứu khi tình hình yêu cầu. Cho dù bác sĩ nào cũng học đa khoa trước rồi mới học chuyên khoa, nhưng việc cố gắng để học hỏi, từ những điều được tập huấn cho đến tự trau dồi, là rất quan trọng với một bác sĩ ngoại khoa như anh.
Đưa tôi xem lướt chiếc điện thoại, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết mỗi ngày chị đều cố gắng chụp mỗi bệnh nhân phải nằm hồi sức ở đây một tấm hình và gửi cho người nhà họ. "Bởi đó có thể là hình ảnh cuối cùng người thân được nhìn thấy họ" - chị nói.
Là một điều dưỡng ICU chính hiệu, những ngày qua, chị Thu Hiền đã gánh vác trọng trách như một điều dưỡng trưởng ở một bệnh viện mới, hướng dẫn các đồng đội khoa khác cách theo dõi, chăm sóc những bệnh nhân nguy kịch. Áp lực công việc là khổng lồ. Khi tôi gặng hỏi lý do chị vẫn cố dành thời gian để kiên trì với những bức hình, chị bật khóc cho biết mình cũng vừa mất đi bà ngoại ở một bệnh viện điều trị Covid-19 khác, không kịp nhìn thấy nhau lần cuối... Nhưng là một nhân viên y tế, chị không được phép ngừng chiến đấu
Các ICU thường được ví như thế giới "giữa đôi bờ sinh tử", người được đưa vào đều đã nguy kịch và ai cũng phải nhìn nhận rằng không thể cứu sống được tất cả. Nỗi đau là một áp lực khổng lồ khác đòi hỏi họ phải mạnh mẽ: "Mỗi lần có một người không thể cứu được, chắc chắn là rất đau lòng. Nhưng còn những bệnh nhân khác nữa, vẫn còn hy vọng, vẫn đợi chúng tôi. Vì vậy, chỉ có thể nói là lại cố gắng hết sức, tự động viên mình và động viên nhau" – bác sĩ Lê Thị Hương Thảo tâm sự.
Cách Bệnh viện Dã chiến Điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình chỉ vài trăm mét là Bệnh viện Thống Nhất, nơi đồng đội của những người tôi vừa kể đang trong một cuộc chiến đấu khác.
Chung tay vào bệnh viện dã chiến hay mở thêm khoa mới, đó là thử thách lớn với họ, với một đội ngũ "chia năm xẻ bảy": nhiều chiến binh áo trắng từ nơi đây đã lên đường từ lâu và đang chiến đấu cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM, Bệnh viện Dã chiến số 8, số 6... Mới đây, những "người ở lại" nảy thêm ý tưởng: công khai số điện thoại cá nhân của 66 bác sĩ lên mạng xã hội để những bệnh nhân có bệnh lý nền vì dịch bệnh mà ngại đến bệnh viện có người trợ giúp... Như vậy, ngoài những ca làm thêm vất vả vì "gánh" cả phần đồng đội đã lên tuyến đầu, khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi của họ sẽ ngắn lại. Nhưng nhiều người trong số họ cho biết làm vậy, họ thấy lòng bình an hơn...
Bình luận (0)