Sinh ra - lớn lên tại TP HCM, sau 10 năm học tập và kinh doanh ở nước ngoài, Hoàng Tuấn Anh (SN 1986; Giám đốc công ty PHG Lock) quyết trở về quê hương theo đuổi nghề sản xuất khóa cửa điện tử thông minh và mô hình nhà thông minh.
Tôi học tập và làm việc tại Úc từ khi 15 tuổi. Với niềm đam mê kinh doanh, ngay khi còn học đại học, tôi đã bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Vượt qua nhiều khó khăn, sau thời gian dài dành dụm, tiết kiệm, tôi tích lũy được số vốn nhỏ và đầu tư toàn bộ vào thực hiện dự án lắp đặt tấm cách nhiệt miễn phí cho các hộ dân, theo chủ trương của Chính phủ Úc.
Ban đầu, tôi dự tính tham gia khoảng 1,5 năm thay vì 2 năm theo chương trình, nhưng không ngờ....
Chỉ 1 năm, Chính phủ Úc cho dừng chương trình này.
Tôi còn nhớ như in thời điểm đó là năm 2007, chỉ trong 6 tháng, tôi đã kiếm được 1 triệu USD. Song phải chịu khoản lỗ khá lớn do đã nhập hàng trăm container hàng, mỗi container trị giá tầm 25.000 - 30.000 USD. Mỗi container đối với tôi "quý như vàng", nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ…Tôi mất trắng!
Thiệt hại lúc ấy quá nặng nề, bởi ngoài vốn liếng đã đổ vào nhập nguyên liệu, tôi còn phải chịu thêm chi phí tiêu hủy khoảng 2.000 USD/container. Trong 5 giờ đồng hồ, tôi chẳng còn gì trong tay… thế là hết!
Tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. Trong tôi bị đè nặng suy nghĩ: mình sẽ tự tử! Nhưng thật trùng hợp, trong giờ phút "lâm chung", như vị cứu tinh, mẹ tôi gọi điện sang và nói: Con có khó khăn gì thì nói mẹ sẽ giúp!
Tháng 3 này cũng là dịp giỗ tròn năm của mẹ. Tôi ước muốn sự truyền cảm hứng của mẹ cho tôi ngày nào, sẽ giúp tôi lan tỏa sang những mạnh thường quân khác, sẽ có những cánh tay khác chìa ra giúp đỡ cho nhiều người đang khó khăn hơn mình.
Sau Tết Nguyên đán 2020, trong nước và cả trên thế giới, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, từ lãnh đạo TP HCM, Hoàng Tuấn Anh không ngần ngại, "xuất kho" góp hơn 100 chiếc chuông cửa camera - là sản phẩm của công ty - cho bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, bệnh viện dã chiến huyện Cần Giờ và Viện Pasteur TP HCM ...
Bởi, theo Hoàng Tuấn Anh, việc tặng những thiết bị thông minh có thể giúp các y, bác sĩ - những người đang ở tuyến đầu - hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân có khả năng lây nhiễm.
Dịch Covid-19 ngày càng lan rộng. Doanh nghiệp của chính anh cũng phải gồng mình từng ngày để vượt khó. Nhưng với suy nghĩ: "một miếng khi đói bằng gói khi no"; trong thời buổi muôn trùng khó khăn bao vây cuộc sống cộng đồng, mỗi người phải làm việc gì đó - dù nhỏ - để giúp đời, giúp người.
Và, qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Hoàng Tuấn Anh quyết định "tận dụng những thứ mình đang có" để tạo nên cây ATM gạo "đình đám" đầu tiên trong cả nước.
Ngay khi cây "ATM gạo" ra đời, thu hút sự chú ý của báo chí, của dư luận xã hội thì có nhiều ý kiến cho rằng "ông này chắc giàu có lắm" hoặc "ông này làm màu, đánh bóng tên tuổi"...
Nói thật, doanh nghiệp của tôi hiện cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng khi chứng kiến Chính phủ nỗ lực hỗ trợ rất nhiều cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như được khám chữa bệnh miễn phí, được cách ly, ăn uống miễn phí, thậm chí còn có những chuyến bay miễn phí để đưa đồng bào mình trở về quê hương. Bản thân tôi cảm thấy được truyền cảm hứng từ chính những điều đó và chính bản thân mình cũng muốn truyền lại cảm hứng cho những cá nhân, doanh nghiệp khác để mọi người cùng chung tay giúp ích cho xã hội.
-Vì sao anh lại chọn câu "Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác" làm lời ngỏ cho máy phát gạo tự động?
Việc Chính phủ quyết tâm cùng nhân dân phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 đã tạo động lực cho tôi, tôi nghĩ mình phải góp một phần bé nhỏ vào công cuộc chung của toàn xã hội.
Tận mắt chứng kiến sự cơ cực của những người lao động, những người bán vé số đang phải đối mặt trong đợt dịch này, tôi quyết định hiện thực hóa những suy nghĩ của mình.
Tôi và vài anh em trong công ty cũng từng trải qua những khó khăn, nhưng không thấm tháp gì với những mảnh đời đang phải vật lộn, kiếm từng miếng ăn trong thời buổi dịch bệnh. Dù Nhà nước đã nỗ lực hỗ trợ, nhưng làm sao kham hết.
Với tôi, chữ THIỆN nhiều ý nghĩa lắm!
THIỆN là giúp đỡ được cho những người quanh mình khi họ gặp khó khăn.
- Anh suy nghĩ thế nào khi nhiều người cảm rằng: giữa lúc khốn khó bao vây nhiều mảnh đời trong dịch bệnh, lại xuất hiện THIỆN TRI THỨC – tức là cách anh làm từ thiện rất khác người?
Tôi chỉ là một hạt cát góp phần làm nên bãi cát đẹp trước biển. Để chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng, đã có nhiều mạnh thường quân đứng ra tặng tiền bạc, nhu yếu phẩm... hỗ trợ người khó khăn. Tuy nhiên, cách tặng quà "truyền thống" bộc lộ nhiều bật cập: tay trao tay, tụ tập đông người, đôi khi còn xảy ra giành giật để lấy những phần quà... từ đó nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
Suy nghĩ đến điều đó, bản thân lại là dân công nghệ nên tôi quyết định tận dụng những sản phẩm của công ty mình là những chiếc khóa thông minh và những sản phẩm của nhà thông minh để chế tạo ra chiếc máy phát gạo tự động mà mọi người gọi là cây "ATM gạo".
Cấu tạo của máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo được điều khiển thông minh qua phần mềm, nhờ vậy mà có thể quản lý được người nhận có đúng người nghèo hay không và người đó có đến lấy nhiều lần trong một ngày không.
Những người có hoàn cảnh khó khăn khi đến nhận gạo phải xếp hàng cách nhau 2 m và không tập trung quá 10 người để có thể rút gạo tự động. Người nhận khi đến chỉ cần bấm nút, gạo trong máy tự động chảy ra. Mỗi lần lấy được khoảng 1,5 - 2 kg.
- Sau khi "thưởng thức" cây "ATM gạo", có bạn đọc viết trên trang cá nhân rằng: Bái phục một, trân trọng mười người đã làm ra cây "ATM gạo" bằng trí tuệ trên nền tảng THIỆN LƯƠNG. Anh suy nghĩ gì về điều này? Và cây "ATM gạo" của anh bao giờ sẽ rỗng ruột?
Phật giáo dạy rằng, lương thiện cũng là một loại trí tuệ, hơn nữa còn là trí tuệ đỉnh cao bởi để thiện thì cần có sự hiểu biết, phân biệt tốt xấu đúng sai và kiềm chế được bản thân, không bị hoàn cảnh xung quanh làm ảnh hưởng. Vì thế, làm người khó nhất không phải là giàu có, thành công, nổi danh mà khó nhất là lương thiện.
Ban đầu tôi dự kiến trong khả năng của mình mỗi ngày nạp vào máy 500 kg gạo. Thế nhưng, từ khi khai trương đến nay lượng người đến càng ngày càng đông. May mắn là trong những ngày gần đây nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay với tôi, họ chở gạo đến để cùng chia sẻ cho những người khó khăn.
Tôi có tham vọng sẽ nhân rộng mô hình này. Nhưng khi nhân rộng, lượng gạo cần sẽ rất lớn, ngoài ra còn khó khăn về nhân lực, địa điểm. Hiện tôi đang lên kế hoạch mở "ATM gạo" tại quận 12 và quận 3. Hy vọng lúc đó sẽ nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương về nhân lực và địa điểm.
- Nói một câu sau cùng, anh sẽ nói gì?
Máy phát gạo tự động đang đặt tại số 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM, hoạt động 24/24 giờ. Những ai khó khăn hãy đến lấy một phần, nếu bạn vẫn ổn xin nhường cho người khác!
Cùng chung tay
Câu chuyện về chiếc máy phát gạo tự động được ví như cây "ATM gạo" được nhiều người biết đến. Trong sáng 8-4, nhiều người khắp TP HCM chở gạo đến tiếp sức cùng anh trong việc hỗ trợ người khó khăn. Dự định giúp đỡ người dân khó khăn trong 2 tháng của anh sẽ nhẹ gánh hơn khi có sự sẻ chia của nhiều người.
Cô Trần Thị Liên (ngụ quận 6, TP HCM) cho biết: "Thấy việc làm này ý nghĩa quá nên cô đặt ở cửa hàng 2 bao gạo ngon, rồi nhờ cửa hàng chở thẳng qua đây để trao tận tay cho Tuấn Anh và các bạn để phân phát đến những người nghèo"
Sau khi đọc được thông tin đăng trên báo, anh Duy Thuận (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cũng đi mua 100 ký gạo rồi chở đến tặng.
Không chỉ anh Thuận mà còn nhiều người khác với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, mỗi người góp một ít để có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng vượt qua giai đoạn này.
Bình luận (0)