Cuộc đời Hồ Văn Trung (34 tuổi; ấp Lợi Đông, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) chuyển sang ngã rẽ sau cơn sốt cao kéo dài "biến" anh thành người "khổng lồ" bất đắc dĩ.
hững ngày trung tuần tháng 10, dưới cái nắng oi bức sau cơn mưa, nhiều người vẫn thường xuyên lui tới nhà ông Hồ Đức Ngoan (cha ruột anh Hồ Văn Trung) để hỏi thăm bệnh tình của nam thanh niên "khổng lồ" này.
Ông Đinh Văn Đạt (62 tuổi, hàng xóm của anh Trung) rơm rướm nước mắt khi biết tin anh Trung phải điều trị lâu dài vì bị suy thận nặng. "Từ nhỏ, thằng Trung đã được mọi người ở đây yêu thương. Tính nó ngoan hiền và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Vậy mà giờ nó lại mang trong mình căn bệnh này. Nghĩ mà tội cho nó quá", ông Đạt nói bằng giọng buồn buồn.
Cũng như ông Đạt, bà con trong ấp Lợi Đông đang bàn tính chuyện chung tay góp ít tiền giúp anh Trung trị bệnh. Không ai bảo ai, nhưng tất cả người dân nơi đây đều thầm cầu nguyện cho anh Trung sớm khỏi bệnh, trở lại với cuộc sống bình thường như bao người khác.
Riêng gia đình ông Ngoan, từ ngày anh Trung nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị đến nay, mọi người đều đầu tắt mặt tối chạy tiền để lo thuốc thang cho anh.
Kể về đứa con bất hạnh của mình, ông Ngoan nói giọng trầm buồn: "Trung rất thương em út, hiếu thảo với cha mẹ nhưng không ngờ cuộc sống quá bất công đối với nó".
Theo ông Ngoan, anh Trung là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh em. Từ khi sinh ra và lớn lên, anh phát triển bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Trung phải nghỉ học khi chưa học xong chương trình tiểu học để lao vào cuộc sống mưu sinh, phụ giúp cha mẹ lo cho các em.
Hằng ngày, anh theo cô chú đi câu cua, móc lịch... bán kiếm tiền. "Nó làm được bao nhiêu tiền đều đưa cho vợ chồng tôi, không giữ lại đồng nào để tiêu xài cá nhân. Từ nhỏ tới giờ nó không bao giờ đua đòi quần áo mới, cha mẹ mua cho thứ gì thì dùng thứ ấy", ông Ngoan nhận xét về con trai mình.
Ông Ngoan kể năm hơn 10 tuổi, Trung cùng người em trai xuống trông coi mấy công đất nuôi tôm của gia đình ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển. Nhiều năm sau, người em lập gia đình và ra ở riêng nên một mình anh Trung sản xuất vuông tôm cho đến nay.
"Trước khi Trung phát bệnh, đã nhiều lần vợ chồng tôi bàn tính chuyện cưới vợ nhưng nó nhất quyết không đồng ý, nói để làm vuông tôm lo cho thằng em thứ tư và nhỏ em út học xong đại học thì mới lập gia đình", ông Ngoan cho biết.
ớc mơ đưa em vào cánh cửa đại học của Trung hiện đã thành hiện thực, nhưng bản thân anh thì phải chịu cảnh bệnh tật giày vò.
Theo ông Ngoan, trước khi phát bệnh, anh Trung cao chỉ hơn 1,6 m, cân nặng chưa đầy 60 kg. Nhưng năm 18 tuổi, anh Trung bị cơn sốt cao kéo dài hành hạ, gia đình đã đưa đến một phòng khám tư trên địa bàn huyện để điều trị. Sau khi khỏi bệnh, anh tiếp tục công việc hằng ngày là trông coi vuông tôm.
Khoảng một tháng sau, anh Trung có dấu hiệu mệt mỏi, tay chân không còn lực… Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn và không hiểu nhiều về y học nên mọi người trong gia đình anh Trung cứ nghĩ đây là một trong những triệu chứng thông thường sau khi bị sốt nên bỏ qua. Vậy là bi kịch của cuộc đời của anh Trung bắt đầu từ đây.
Theo đó, chiều cao và cân nặng anh Trung phát triển nhanh đến mức nhiều người xung quanh phải ngỡ ngàng.
"Nó nhiều lần nói với tôi rằng dường như cơ thể dài ra, tay chân đôi khi không còn cảm giác, nhưng vợ chồng tôi cứ nghĩ tinh thần con chưa tỉnh táo sau bệnh nên cứ lo đi làm ăn. Và thế là sau những lần buôn bán xa nhà về thì vợ chồng tôi phát hiện thằng Trung cao lên khác thường", bà Nguyễn Thị Hồng – mẹ ruột anh Trung – kể.
Nhiều năm liên tiếp sau bệnh, anh Trung phát triển chiều cao lên hơn 2,5 m và cân nặng tăng lên đến 120 kg. Biết con mang trong người căn bệnh lạ khiến cơ thể thay đổi bất thường nhưng gia đình ông Ngoan không có tiền để đưa con đến các bệnh viện lớn ở TP HCM điều trị.
Về phần mình, sau khi phát hiện mắc bệnh lạ, anh Trung ít tiếp xúc với mọi người và chỉ quanh quẩn trong căn chòi giữ vuông tôm ở vùng nông thôn hẻo lánh. Mỗi khi phát bệnh, anh nhờ người hàng xóm làm vuông tôm giáp ranh đất mua thuốc tây về uống, chứ không đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Ông Ngoan nghẹn ngào nói: "Có lần, thằng Trung bị ngã chấn thương khớp gối và lật bàn chân trái nhưng nó không chịu đi bệnh viện, dù gia đình khuyên hết mực. Thấy con chịu đau đớn mà lòng tôi như ai đó xát muối vào".
Với giọng nói thều thào, khó nghe, anh Trung cho biết lúc còn ở vuông tôm, anh tự lo cuộc sống hằng ngày của mình. "Do đi lại khó khăn nên khi tới nước đặt tôm, tôi thường nhờ những người hàng xóm giúp đỡ", anh Trung nói.
Vì chiều cao "khủng" nên anh Trung không thể đi lại bằng xe, những lúc muốn về thăm nhà phải nhờ người thân chở bằng vỏ máy hoặc rủ những người hàng xóm chở lên nhà chơi để có thể về nhà thăm cha mẹ và các em.
"Làm vuông được bao nhiêu tiền nó đều gửi về để tôi lo cho 2 đứa em đang học ở thành phố. Nó nói không cần may quần áo nhiều vì tốn kém tiền mua vải lắm", bà Hồng bỏ lửng câu nói khi nhìn đứa con trai tội nghiệp của mình.
Hơn 2 tuần trước, trong một lần về thăm nhà, anh Trung cảm thấy đau nhức dữ dội khắp cả người, không thể đi lại được nên người nhà đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cái Nước để điều trị. Nhập viện 4 ngày thì anh Trung được chuyển lên Bệnh Viện Đa khoa Cà Mau. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận giai đoạn cuối và thiếu máu, phải điều trị cả đời.
Bác sĩ Trương Hớn Dân, Trưởng Khoa Lọc máu của Bệnh Viện Đa khoa Cà Mau, nhận định nguyên nhân khiến anh Trung có chiều cao "khủng" là do dư hoóc môn tăng trưởng. Bênh viện đang truyền máu và tiến hành chạy thận cho anh Trung.
Ông Lê Minh Thuộc, Phó Bí thư ấp Lợi Đông, xã Hòa Mỹ, cho biết hoàn cảnh gia đình anh Trung thuộc diện khó khăn ở địa phương. Cuộc sống gia đình chủ yếu nhờ vào nguồn thu nhập từ việc nuôi tôm của anh Trung và buôn bán dừa tươi dạo của vợ chồng ông Ngoan.
Gần 6 năm trước, vợ chồng ông Ngoan vay hỏi thêm tiền của người thân để cất căn nhà cấp 4, nhưng hiện cũng đã xuống cấp. Từ ngày anh Trung phải nhập viện điều trị bệnh, vợ chồng ông Ngoan nhờ hàng xóm trông coi căn nhà để đến bệnh viện lo cho con.
"Chính quyền địa phương và người dân trong xóm cũng có hỗ trợ nhưng không được nhiều. Chúng tôi hy vọng Trung được các nhà hảo tâm và mạnh thường quân hỗ trợ để em ấy có tiền điều trị bệnh", ông Thuộc nói.
Bình luận (0)