Bên trong các bệnh viện điều trị Covid-19 khắp TP HCM, rất nhiều y - bác sĩ không làm việc trong bệnh viện quen thuộc của mình, bởi hầu như các bệnh viện Điều trị Covid-19 lớn đều nhận được sự chi viện từ nhiều tỉnh bạn, còn các bệnh viện dã chiến thì được thành lập từ "quân" của vài bệnh viện, vài đoàn chi viện khác nhau.
Có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hồi sức, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Hiệp từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, trưởng đoàn nhân viên y tế từ Nghệ An vào chi viện cho TP HCM từ ngày 12-7 đã về khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, một khoa có nhiều bệnh nhân nặng bởi tim mạch là nhóm bệnh nền có thể ảnh hưởng xấu đến bệnh Covid-19.
"Tôi và nhiều bạn khác trong đoàn còn trẻ, đầy lòng nhiệt huyết nên khi nghe lời kêu gọi, tôi đã đi ngay. Tôi là điều dưỡng làm việc tại đơn vị gây mê hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Thành Phố Vinh. Khi được phân công vào Khoa Nội tiết, tôi còn khá bỡ ngỡ nhưng đã nhanh chóng quen dần. Bệnh nhân của khoa cũng rất nhiều người bệnh nặng, nhiều cụ ông, cụ bà cao tuổi. Tôi cố gắng vì mong muốn đơn giản: họ khỏi bệnh, được về với gia đình" – nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tâm kể.
Lễ xuất quân của đoàn cán bộ y tế tỉnh Nghệ An chi viện cho TP HCM và hình ảnh các bác sĩ trong Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương
Đoàn công tác từ Nghệ An của họ có 60 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên đến từ nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên khắp tỉnh.
Theo bác sĩ Hiệp, tất cả đều xung phong lên tuyến đầu, sẵn sàng bước lên máy bay chỉ sau 1 ngày nhận được thông báo. Đến nơi, đoàn công tác nhanh chóng chia ra vào nhiều khoa, phòng của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương.
Khi tôi đi vào khu điều trị và trò chuyện cùng các y - bác sĩ 1 tuần sau đó, các ê-kíp Trưng Vương – Nghệ An trong mỗi khoa đã nói về nhau như "người một nhà".
Bác sĩ của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương (bìa phải) đến thăm các thành viên của đoàn chi viện từ Nghệ An tại nơi lưu trú
Khi chúng tôi đến thăm đoàn Nghệ An tại khách sạn lưu trú, các y - bác sĩ vui vẻ khoe những gói mì, hộp bánh mà những người dân TP HCM lần đầu quen biết đã gửi tặng. Nhiều thành viên trong đoàn vui vẻ nhổm dậy chào khách rồi tiếp tục ngủ vùi sau ca làm trắng đêm qua... Các nam bác sĩ thì bàn nhau nhờ người tìm giúp một chiếc tông-đơ để có thể tự "ủi" tóc cho nhau, chuẩn bị cho thời gian chiến đấu lâu dài, bởi quyết định lên đường của họ chỉ có ngày đi.
"Chiến đấu thì phải chiến thắng. Ngày về trong tâm của chúng tôi là ngày đánh lùi được Covid-19 khỏi TP HCMn" – bác sĩ Nguyễn Đình Hiệp nói.
Buổi lễ tiễn 2 đoàn công tác của Bệnh viện Thống Nhất lên đường, trong đó có một đoàn là đội quân tinh nhuệ tiếp ứng cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP HCM.
PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, đã phát biểu ngắn gọn tại buổi lễ tiễn 2 đoàn công tác lên đường chi viện cho các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid-19.
Bài phát biểu có chỗ ngắt quãng, đầy xúc cảm và mong mỏi của PGS-TS-BS Lê Đình Thanh cũng là cảm xúc chung của nhiều bác sĩ trong những ngày giữa tháng 7-2021, khi số bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM tăng cao và có những bệnh nhân nặng đã không được chuyển đi đủ nhanh chóng như mong muốn bởi các bệnh viện tầng 4 và tầng 5 chuyển đổi công năng đã bắt đầu đầy bệnh nhân.
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19
Đến với bệnh nhân Covid-19 là đến với nguy hiểm, vất vả, với những ca làm kéo dài 8 giờ liền trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, nóng bức, nhưng những nhân viên y tế của Bệnh viện Thống Nhất đều rất vui vẻ, bình thản. Nhận nhiệm vụ "giữ thành trì" để phục vụ bệnh nhân thường nhưng nơi đây đã quyết định cử đi gần 400 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, chia làm 4 đoàn đến với 2 địa điểm là Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8.
Ngay đợt ra quân đầu tiên, bệnh viện này đã xuất "chiến tướng" – một phó giám đốc – dẫn đầu đoàn đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8. Nhờ một đồng nghiệp ở phòng quản trị ở bệnh viện cắt thật ngắn mái tóc, vị trưởng đoàn đặc biệt đó - PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế - nói: "Chúng tôi với trách nhiệm, kiến thức của mình sẽ cố gắng cùng các đồng nghiệp, cùng người dân TP HCM sớm đẩy lùi dịch bệnh".
Những ngày qua, ở 2 bên con đường Cống Quỳnh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), tòa bảo sanh đường từng chứng kiến sự ra đời của nhiều thế hệ người dân TP HCM, nay là Bệnh viện Từ Dũ, đã chia thành 2 thế giới riêng biệt: một bên vẫn là Bệnh viện Từ Dũ, một bên là Bệnh viện Điều trị Covid-19 Từ Dũ, thuộc tầng 4 trên "tháp 5 tầng" của Sở Y tế TP HCM.
TS-BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trong thời gian này, nhân sự của bệnh viện đang chia làm 4: ngoài 2 đội riêng biệt phục vụ cho Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Từ Dũ chia tách từ "tổng hành dinh", một đội đã lên đường đến Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 số 1 (do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phụ trách chính) từ rất lâu, còn một đội mới lên đường tuần rồi, chịu trách nhiệm chính cho Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8, do bác sĩ Phạm Thanh Hải, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng của Bệnh viện Từ Dũ, đảm nhận vị trí giám đốc.
"Để vừa làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, giữ an toàn cho những thai phụ, sản phụ, bệnh nhân bình thường vừa góp phần vào cuộc chiến đấu với dịch Covid-19, được sự phân công của Sở Y tế, các đồng nghiệp của tôi đã lên đường. Khu Bệnh viện Điều trị Covid-19 Từ Dũ thật ra chúng tôi đã chuẩn bị từ rất lâu. Các anh chị em cũng đã chuẩn bị tinh thần từ lâu cho lịch làm việc sắp tới: sẽ làm 5 tuần rồi nghỉ 2 tuần. Vất vả, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng và sẽ cùng các đồng nghiệp trên khắp TP HCM chiến thắng", TS-BS Lê Quang Thanh nói.
Đền đáp cho nỗ lực đó có lẽ là những đứa bé đầu tiên đã chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Điều trị Covid-19, dù được sinh ra từ những người mẹ mắc Covid-19. Nhiều thai phụ mắc Covid-19 không triệu chứng cũng được điều phối về Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 8, nơi có 80 bác sĩ, điều dưỡng đã quen với ngành sản phụ khoa túc trực.
"Nhận nhiệm vụ vận hành một bệnh viện mới với nhân lực từ khắp nơi, ngoài bệnh viện mình thì còn có Bệnh viện 175, Bệnh viện Bưu điện, đoàn công tác từ Hải Dương và Nam Định. Điều may mắn là tất cả mọi người đã nhanh chóng làm quen và ráp thành một đội, vì một ước vọng chung: được thấy bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Tôi cám ơn vì họ đã ở đây" – bác sĩ Phạm Thanh Hải bộc bạch.
Bình luận (0)