NGÀY 30-11: 9 giờ. Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại sau 3 tháng ngưng hoạt động. Thời điểm thu phí, hàng trăm công an được huy động để giữ gìn an ninh trật tự.
11 giờ. Hàng loạt tài xế đã mang tiền mệnh giá thấp để trả phí qua trạm. Trong đó, tài xế Huỳnh Long, ngụ tỉnh Vĩnh Long, đã đưa nhiều tờ tiền mệnh giá thấp, tổng cộng 25.100 đồng. Sau khi nhân viên thối lại 200 đồng, tài xế này yêu cầu phải trả đúng tiền dư là 100 đồng.
12 giờ 30 phút. Số lượng tài xế phản đối lên đến 50 người.
12 giờ 45 phút. BOT Cai Lậy xả trạm lần 1.
15 giờ. Trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại.
15 giờ 45 phút. Tài xế ùn ùn kéo đến phản đối bằng cách đưa tiền lẻ 25.100 đồng, yêu cầu thối 100 đồng. Một số tài xế không chịu qua trạm và nhất quyết đòi gặp trực tiếp ông Nguyễn Phú Hiệp, lãnh đạo BOT Cai Lậy, để đối thoại.
16 giờ 30 phút. BOT Cai Lậy xả trạm và đến 19 giờ hoạt động trở lại.
NGÀY 1-12: Từ 23 giờ 30 phút ngày 30-11 đến 2 giờ ngày 1-12. Tài xế lại kéo đến trạm đưa tiền lẻ. BOT Cai Lậy ngưng hoạt động tạm thời lúc 2 giờ 30 phút.
NGÀY 2-12: Từ 23 giờ 20 phút ngày 1-12 đến sáng 2-12. Trạm thu phí hoạt động trở lại. Vài trường hợp tắt máy xe, đưa tiền lẻ qua trạm...
Flycam BOT Cai Lậy
Sau khi BOT Cai Lậy chính thức thu phí trở lại sau 3 tháng ngưng hoạt động, hàng loạt tài xế đã mang tiền mệnh giá thấp để trả phí qua trạm.
Các tài xế dùng nhiều "chiêu" để phản đối trạm thu phí. Có người dùng tiền mệnh giá 500.000 đồng; có xe khi đang qua trạm bỗng dưng tắt máy, buộc bảo vệ phải đẩy xe đi. Lúc 3 giờ 45 phút ngày 30-11, hơn 20 xe cùng lúc đưa các loại tiền mệnh giá thấp, tiền xu...
Ông Nguyễn Phú Hiệp, lãnh đạo BOT Cai Lậy, có mặt ở khu vực thu phí nhưng tỏ ra lúng túng trước yêu cầu gặp trực tiếp đối thoại với giới tài xế. Trước tình hình có vẻ căng thẳng, rất nhiều CSCĐ đã đến để giải tán đám đông.
Dự án BOT Cai Lậy có tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỉ đồng. Trong đó, làm đường tránh hơn 1.000 tỉ đồng, nâng cấp Quốc lộ 1 là 300 tỉ đồng.
Ngày 1-8, Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí. Sau đó, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ trả phí. Họ cho rằng trạm đặt sai vị trí, thu phí quá cao.
Bộ GTVT đã họp khẩn, quyết định giảm giá vé nhưng tài xế không ngừng phản đối.
Ngày 15-8, trạm BOT Cai Lậy tạm thời dừng hoạt động.
Trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động ngày 1-12, ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư BOT Cai Lậy, cho biết chưa bao giờ nghĩ tới việc dời trạm thu phí này.
Phỏng vấn ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang
Theo ông Hào, nhiều tài xế không hiểu lợi ích từ dự án BOT Cai Lậy. Ông cho rằng vị trí đặt trạm ở Quốc lộ 1 là do Bộ GTVT quyết định.
Video tài xế
Đó là hai tài xế Nguyễn Minh Trung (31 tuổi) và Trịnh Hồng Phương (50 tuổi). Cả hai bị đưa về trụ sở Công an huyện Cai Lậy vào chiều 30-11.
Công an lập biên bản xử phạt hành chính ông Phương về lỗi điều khiển ô tô dừng trái quy định, gây ách tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông tại Trạm BOT Cai Lậy.
Tuy nhiên, tài xế Phương không đồng ý ký vào biên bản và nêu ý kiến: "Tôi không vi phạm hai lỗi này. Tôi chỉ dừng xe qua trạm vì nhân viên không thối tiền lại".
Còn với tài xế Trung, công an cho rằng anh này tới trạm rồi nhưng không chịu đi, có lời lẽ xúc phạm ngành công an và đứng ôm kính chắn gió của xe đặc chủng.
Ngày 1-12, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý báo cáo tổng hợp về trạm thu phí BOT Cai Lậy. "Không để kéo dài tình trạng này”, thủ tướng đề nghị.
Trước đó, chiều 15-8, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận: "Quốc lộ 1 chỉ tráng một lớp trên mặt đường và cuối cùng thu phí giá cao, hơn cả cao tốc Trung Lương, vì thế dân bức xúc là đúng".
Bình luận (0)