Bà Phạm Thị Sòng sinh ra vốn bất hạnh, mẹ mất từ nhỏ. Những năm chiến tranh, bà Sòng cùng cha rời xóm Lẫm lưu lạc vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống. Sau giải phóng, hai cha con trở về quê hương khai hoang lập nghiệp.
Hạnh phúc đến với cô thôn nữ nghèo khi cô gặp được người đàn ông tốt bụng yêu thương. Thế nhưng, trước ngày tổ chức lễ cưới, người chồng đột ngột qua đời. Dù mới làm lễ ăn hỏi nhưng bà Sòng quyết định thủ tiết thờ chồng, dành thời gian chăm sóc cha già. Năm 1992, cha bà Sòng tiếp tục bỏ bà ra đi do bệnh nặng. Chịu hai cú sốc quá lớn, lại không người chăm sóc, không ai nương tựa, bà Sòng phát điên.
Thời điểm này, dù lúc tỉnh lúc mê nhưng bà Sòng vẫn đi làm thuê trong thôn để kiếm sống qua ngày.
Biết có chuyện chẳng lành, ông Ngô Quang Vinh – trưởng thôn - tìm đến nhà thì phát hiện bà Sòng bệnh nặng nằm liệt giường.
4 ngày không ăn uống, không ai chăm sóc, bà Sòng chỉ còn thoi thóp với những hơi thở cuối cùng. Ông Vinh tức tốc đi gọi y tá đến khám, bốc thuốc chạy chữa cho bà Sòng. Với trách nhiệm của một trưởng thôn, suốt gần 5 tháng, vợ chồng ông Vinh thay phiên nhau chăm sóc bà Sòng như người ruột thịt.
Cuối cùng, bà Sòng khỏe lại nhưng đôi chân bị teo rút, căn bệnh tâm thần cũng trở nên trầm trọng. Bà mê nhiều hơn tỉnh, cứ bò lết đập phá mọi thứ.
Gia đình không thuộc diện khấm khá, mẹ già đổ bệnh lại phải nuôi hai con ăn học, ông Vinh đành họp bàn với bà con xóm Lẫm chung sức giúp đỡ bà Sòng. Trong cuộc họp, bà con trong xóm đều thống nhất phương án sẽ luân phiên nhau chăm lo cơm nước cho bà Sòng. Còn việc tắm giặt, quét dọn hằng ngày thì chị em phụ nữ đảm nhiệm.
Bắt đầu từ đó, hơn 20 hộ dân ở xóm Lẫm đều đặn thay phiên nhau nấu cơm và chăm sóc cho bà Sòng mỗi ngày. Gia đình ăn gì, bà Sòng ăn nấy. Bà Sòng đã sống trong sự chăm sóc, bảo bọc của bà con xóm Lẫm cùng sự trợ cấp của chính quyền địa phương.
"Ban đầu thực hiện cũng có nhiều điều bỡ ngỡ, có khi đến lượt nhà này nấu cơm nhưng bị quên mất khiến bà Sòng bị bỏ đói. Sau đó rút kinh nghiệm, chúng tôi đề ra giải pháp xoay vòng. Hôm nay nhà này nấu xong thì phải thông báo cho nhà kế tiếp biết để chuẩn bị. Trường hợp nhà nào bận việc thì có thể đổi ngày cho nhà khác" – ông Vinh kể.
Những năm qua, không chỉ riêng chuyện cơm nước, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con xóm Lẫm cùng nhau góp tiền và công sức xây căn nhà nhỏ cho bà Sòng sinh sống. Ngoài ra, bà con xóm Lẫm còn góp tiền và công sức xây lại mộ phần cho cha mẹ của bà Sòng. Mới đây, bà Sòng được huyện Núi Thành trao tặng 50 triều đồng để sửa lại căn nhà sập xệ.
Ông Vinh cho rằng, nếu ví xóm Lẫm như một gia đình thì bà Sòng là một thành viên trong gia đình ấy. Nhiều năm nay, bà Sòng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Bà Sòng cũng là người kết nối cho những tình cảm nảy nở, kết nối cho các thế hệ già trẻ cùng nhau làm việc thiện.
"Chúng tôi chăm sóc bà Sòng vì cái tình người. Qua đây còn giáo dục các thế hệ con cháu về tấm lòng yêu thương người gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống" - ông Vinh bộc bạch.
Bình luận (0)