Một người đàn ông ở vùng quê Hậu Giang được người dân địa phương gọi là "dị nhân" bởi cách đánh bắt cá có một không hai, không phải bằng chài, lưới, cắm câu hay đặt lờ…
ng là Nguyễn Văn Dị (82 tuổi, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang). Người dân địa phương còn gọi ông với cái tên khác là "ông Năm Dị". Cách bắt cá của ông nói ra nhiều người không tin, nhưng khi mục sở thị thì ai cũng khâm phục biệt tài của lão nông này.
Dụng cụ ông Năm Dị sử dụng rất đơn giản, chỉ với cái vợt cá tự chế, còn mồi là những nhánh bông lúa, vậy là hành trình bắt cá của ông bắt đầu.
Nói về cách bắt cá "kỳ lạ" của mình, ông Năm Dị kể rằng, nhiều năm trước khi đang bắt cá theo phương pháp bình thường, ông vô tình nhìn thấy cá dưới kênh, rạch ăn bông lúa rất nhiều, ông nghĩ đó là món ăn ưa thích của chúng. Thế là ông lấy bông lúa làm mồi nhử cá. Sau nhiều lần thử món mồi "khác thường" này, ông tìm ra cách bắt cá độc đáo cho riêng mình.
Chuẩn bị mồi xong, ông Năm Dị chỉ ngồi chờ cá đớp mồi rồi vớt ngay. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ, ông Năm Dị chỉ tay vào chùm lúa nhúc nhích và nói "cá ăn lúa kìa", rồi tiện tay vớt lên là cá nằm trong vợt.
Theo lão nông 82 tuổi, với cách bắt cá này, mỗi ngày ông có thể vớt được ít nhất 10 kg cá các loại, có khi trúng luồng ông kiếm được khoảng 20 kg cá. "Những con cá được bắt theo cách sử dụng bông lúa như thế này, thường tôi vớt đến đâu là có người hỏi mua liền vì nó rất tươi ngon", ông Năm Dị tâm sự.
"Mình buộc lúa thành từng chùm rồi cột vào lục bình cho trôi tự nhiên, vậy thì cá mới không nhát mồi, rất dễ vớt. Trên 40 năm rồi, với cách này tôi có thể vớt đủ thứ cá hết như: cá trôi, cá chép, he vàng, mè vinh,… nói chung cá nào ăn lúa thì vớt được hết. Mà cá ăn lúa cũng đa dạng lắm, nên cách này không sợ về tay không", ông Dị chia sẻ.
"Những con cá được bắt theo cách sử dụng bông lúa như thế này, thường tôi vớt đến đâu là có người hỏi mua liền vì nó rất tươi ngon"
Ông Nguyễn Văn Dị
Với cách bắt cá mè vinh bằng bông lúa, ai ai trong vùng cũng phải nể phục trước biệt tài của lão nông này. Cũng là nông dân và ở cùng địa phương, nhưng khi nói về cách bắt cá độc lạ của ông Năm Dị, ông Phan Thanh Lũy không giấu được sự khâm phục: "Xứ này hình như có mình ổng là dùng bông lúa bắt cá thôi chứ không có ai hết. Cá mè vinh khó bắt lắm, giăng lưới phao dưới sông có khi còn khó bắt được, vậy mà chỉ bằng bông lúa mà ổng vớt có khi mấy ký".
Còn theo nhiều người khác thì cái nghề này tuy đơn giản, không mất nhiều chi phí đầu tư, hơn nữa nó cũng không tận diệt nguồn thủy sản mà vẫn mang lại thu nhập khá. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được, phải "mát tay", hay sát cá như ông Năm Dị thì mới được. "Chỉ cần một bó lúa cột vô một đám lục bình, rồi đợi cá lại ăn là vớt, vậy nên cá khi vớt lên còn rất tươi, rất khỏe. Cá đồng mà tươi rói như của ông Năm Dị thì an toàn rồi, vì nó ăn lúa chứ có sử dụng thuốc men gì đâu", anh Cao Văn Công, một người dân ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp nhận xét.
Với người dân sống nghề hạ bạc thì đôi khi sử dụng ngư cụ hẳn hoi chưa chắc đã bắt cá được nhiều. Và ngày nay, nhiều người còn sử dụng cả những phương pháp mang tính hủy diệt cao như: xiệt điện, thuốc cá,… thì cách mà ông Năm Dị sử dụng rất đáng trân quý vì nó không hủy hoại môi trường và tận diệt thủy sản.
Suốt hơn 40 năm với cách bắt cá "dị" như cái tên của mình đã giúp lão nông ở tuổi bát tuần này có cuộc sống an nhàn, dù không khá giả hơn bao người. Cách bắt cá bằng bông lúa chín của ông Năm Dị không đơn thuần là nghề mưu sinh mà đó còn là nét chấm phá góp phần làm đẹp thêm cho miền sông nước Cửu Long.
Bình luận (0)