Làng Sơn Đông, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa một thời được mệnh danh là "thủ phủ" trung chuyển, mua bán chó lớn nhất miền Bắc. Giờ đây, ngôi làng đã không còn "lên voi" mà đang "xuống chó" khi chỉ còn lèo tèo vài người buôn "cầy tơ".
-------------
heo Quốc lộ 1 từ trung tâm TP Thanh Hóa ngược ra Bắc, qua nhà máy Vinaxuki bỏ hoang rẽ phải là vào tới làng Sơn Đông. Ngôi làng ven quốc lộ này giờ giàu sụ với những ngôi nhà cao tầng nguy nga chạy dài tới tận UBND xã Thành Lộc. Sự giàu có này đa phần do nghề buôn bán chó mang lại.
Ngôi làng bắt đầu "lên hương" và được người trong Nam ngoài Bắc biết đến từ những năm 2000, khi một số người manh nha mang cái nghề "chẳng giống ai" này du nhập về làng. Từ đó, người làng Sơn Đông đổ xô đi khắp nơi, sang tận Thái Lan, Lào… để tìm nguồn hàng về cung cấp cho thị trường nội địa và Trung Quốc.
Thời đó giá nhập chó rẻ, vì thế nghề buôn chó ở Sơn Đông "kiếm ăn" rất tốt, có người chỉ sau vài năm buôn bán đã thành "ông trùm" và trở nên giàu có. Để thuận tiện cho việc buôn bán chó, chính quyền địa phương đã quy hoạch cả một "cụm công nghiệp", nơi những người kinh doanh thịt chó đã xây dựng hẳn nhà xưởng, tập kết nguyên liệu…
Thế nhưng, khi đang phát triển rầm rộ, nghề buôn bán này dừng lại và rồi dần lụi tàn theo thời gian. Khi ấy, nguồn cung ở các nước láng giềng bị cấm, nguồn trong nước khan hiếm và thực khách cũng dần ít chuộng món ăn này.
Về lại làng buôn chó xuyên quốc gia vào một ngày giữa tháng 9-2018, trái với cảnh tấp nập xe cộ ra vào vận chuyển chó như những năm trước, phóng viên chứng kiến cảnh tượng đìu hiu, vắng lặng. Những chiếc lồng sắt dùng để nhốt chó giờ xếp đống, vứt chỏng chơ khắp nơi. Làng buôn chó giờ chỉ còn khoảng 5-7 gia đình bám nghề, còn lại bỏ nhà hoặc kiếm nghề khác sinh sống.
Làng buôn chó Sơn Đông - Thanh Hóa
Theo một người buôn chó ở làng Sơn Đông, nghề này giờ khắc nghiệt lắm do người ăn ít đi, nguồn chó ở phía Nam ngày càng khan hiếm. “Chúng tôi theo nghề đơn giản vì chẳng còn nghề gì để làm. Giá cả vận chuyển một kg chó từ phía Nam ra đến ngoài này phải chịu đủ các loại luật lệ trên đường nên cũng chẳng có lời là bao” - người này cho hay.
Ông Phạm Duy Tấn, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc, cho biết nghề buôn chó đã mang lại nhiều đổi thay cho người dân địa phương, giúp nhiều gia đình nghèo trở nên khá giả. Tuy nhiên, cái nghề chẳng giống ai này cũng để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhất là ô nhiễm môi trường. Đáng lo hơn, vì dễ dàng làm ra tiền nên cả trăm người lao vào chơi ma túy và trở nên nghiện ngập.
Bình luận (0)