Bé trai đã được các bác sĩ cứu khỏi tay tử thần nhưng rồi lại đối mặt nguy cơ tử vong khi chính bố mẹ quyết không để em được chữa trị
----------------
ào khoảng cuối tháng 12-2018, A Huyên không may bị phỏng xăng rất nặng. Gia đình sau khi đưa đi cấp cứu hết kinh phí nên đã đưa em về nhà nằm chờ chết. Khi đang cận kề với cái chết thì A Huyên được cô giáo chủ nhiệm phát hiện và chia sẻ cho một nhóm từ thiện đưa đi chữa trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) vào ngày 20-1-2019.
A Huyên bị phỏng lửa cấp độ II, III với trên 65% cơ thể và bị nhiễm trùng huyết
Tại đây, các bác sĩ điều trị chẩn đoán A Huyên bị phỏng lửa cấp độ II, III với trên 65% cơ thể và bị nhiễm trùng huyết. Các bác sĩ đã dùng nhiều phương pháp điều trị, đặc biệt qua 3 lần ghép da thì thương tích của A Huyên đã giảm đáng kể, sức khỏe ổn định. Khi các bác sĩ đang chuẩn bị tiến hành ghép da lần tư vào ngày 7-5 (chỉ cần xong lần ghép này, thương tích A Huyên sẽ lành lặn) thì ngày 6-5, bà I Húi cương quyết xin cho con mình ra viện. Các bác sĩ đã hết lời vận động, thậm chí nhờ cả công an can thiệp nhưng đều bị khước từ.
Từ khi được đưa về nhà thì thương tích của A Huyên trở nặng, những vết phỏng đã được ghép da thì bị hư hại trở lại. A Huyên có khả năng tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ngày 12-5, nhóm các bác sĩ tình nguyện từ TP HCM đến thăm khám, thuyết phục gia đình đưa A Huyên trở lại bệnh viện, mọi chi phí sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, bố mẹ em nhất quyết không chịu cho A Huyên tiếp tục đến các cơ sở y tế để chữa trị. Một đề nghị khác cũng đã được các bác sĩ đưa ra là sẽ tình nguyện đưa A Huyên đi chữa trị, sau đó đưa em về mỗi ngày nhưng gia đình vẫn tiếp tục từ chối.
Bà I Húi nói gọn lọn đầy vô cảm: "Sống hay chết cũng để nó ở nhà thôi", khiến tất cả mọi nỗ lực thuyết phục của mọi người rơi vào bế tắc.
Bác sĩ Nguyễn Bảo Lộc – chuyên khoa I, Bệnh viện Vạn Hạnh (TP HCM), cũng là người hỗ trợ A Huyên ngay từ đầu sau khi thăm khám – sau khi thay băng cho A Huyên đã cho biết do về nhà được chăm sóc không đúng cách khiến tình trạng của em trở nặng, nếu cứ để như hiện tại thì nguy cơ tử vong rất cao. "Nhiều trường hợp muốn cứu mà không cứu được, trường hợp này cứu được mà gia đình lại không cho cứu" – bác sĩ Lộc nói.
Trong nỗ lực giúp cháu bé, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. Sau khi nghe thông tin vụ việc, ông Hòa đã hứa có những chỉ đạo cụ thể để cứu mạng sống A Huyên.
Đến sáng 13-5, rất nhiều cơ quan, đoàn thể đã tới làng Đắk Kang Piêng, xã Diên Bình, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum để vận động cha, mẹ cho A Huyên đến cơ sở y tế chữa trị.
Khi thấy đoàn tới nhà vận động, ông A Nguy (bố A Huyên) vội rời khỏi nhà bỏ đi. Phải đến khi được gọi thì ông mới trở về nhà làm việc. Tại đây, các lực lượng chức năng đã cố gắng thuyết phục ông A Nguy và vợ cho A Huyên đến cơ sở Y tế chữa trị. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng nhất quyết không đồng ý. Thậm chí, bà I Húi còn dọa sẽ tự tử.
Sau đó, đoàn đã đưa ra nhiều biện pháp, nhiều cách thức để vận động, trong đó có việc chỉ đưa A Huyên lên Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô, cho gia đình dễ dàng chăm sóc. Cùng với đó, nhờ những người hàng xóm, người bạn của hai vợ chồng tác động thêm thì vợ chồng ông A Nguy mới bắt đầu thay đổi thái độ.
Ông Bùi Tiến Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Tô, nói sau khi vợ chồng A Nguy – I Húi đồng ý thì phải điều xe của Trung tâm Y tế huyện chở ra bệnh viện ngay vì sợ họ sẽ đổi ý.
Còn bác sĩ A Nhôm, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô - người trực tiếp thuyết phục, cho biết do ông cũng là người dân tộc BaNa với gia đình ông A Huy nên việc nói chuyện, thuyết phục được dễ dàng hơn. Ông đã nói với gia đình rằng đưa A Huyên lên chữa trị tại Trung âm Y tế huyện sẽ đảm bảo sức khỏe do được các bác sĩ hỗ trợ tốt nhất. "Khi gia đình đồng ý, chúng tôi vội vã đưa A Huyên đi ngay. Do các bác sĩ mới thay băng cho cháu nên chúng tôi chỉ làm công tác ổn định tâm lý, tạo điều kiện tốt nhất để gia đình yên tâm cho cháu chữa trị" - bác sĩ A Nhôm chia sẻ.
Bình luận (0)