ng Phùng Văn Sinh (trú thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) cho biết: "Mấy năm gần đây, địa phương đã hứng trọn 3 cơn lũ, so với đợt lũ lịch sử năm 2008 thì lũ năm nay còn cao hơn, nhiều gia đình bị ngập lút mái nhà".
Theo ông Sinh, năm nay nước lũ về sớm và nhiều hơn mọi năm nên người dân không kịp trở tay. Bình thường, những năm trước phải đến tháng 8 âm lịch lũ mới về nên mọi người vẫn chủ quan chưa thu hoạch, lúa mới cấy, gà lợn đang trong giai đoạn sinh đẻ… nên nhiều gia đình gần như mất trắng. Năm nay, tình trạng ngập như thế này sẽ còn kéo dài bởi sắp tới là vào mùa mưa. Mọi năm phải mất 2 đến 3 tháng sau lũ, người dân mới ổn định lại cuộc sống, năm nay không biết sẽ như thế nào.
Bà Nguyễn Thị Tứ (ngụ thôn Nhân Lý) chia sẻ: "Gia đình nuôi 2.000 con gà đang kỳ đẻ trứng để sắp tới cho ấp, dự tính sẽ có lãi hơn 200 triệu đồng. Giờ lũ về quá nhanh, gà chết khoảng 2/3 đàn, năm nay lại thất thu. Tính một đường, đi một nẻo. Không biết có gầy đàn lại nổi không?".
Theo ông Lê Văn Nhọng (thôn Nhân Lý), do nước ngập kéo dài, nhiều hộ phải dùng mì ăn liền vì không thể đun nấu. Người già và trẻ em phần lớn được gửi nhờ nhà người thân ở xa để tránh nguy hiểm, chỉ còn một số người trụ cột ở lại trông giữ nhà.
Bà Lê Thị Tám (thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ) bày tỏ nỗi lo: "Nhà tôi cách đê chỉ khoảng 100m, lại thuộc vùng trũng nên rất thấp thỏm. Mấy hôm nay mọi người trong nhà đều trằn trọc, không ngủ được, luôn nghe ngóng thông tin đê điều và chuẩn bị việc sơ tán ngay trong đêm. Nước mà tràn vào làng thì khổ lắm".
heo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, từ ngày 18 đến 22-7, trên địa bàn huyện có mưa to và rất to làm nước lũ tràn về rất nhanh. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt đo được vào ngày 30-7 là 7,5 m, trên báo động 3 khoảng 0,5 m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008. Nước dâng cao tràn qua nhiều đoạn của đê hữu Bùi, ngập đê Bùi 2, tràn qua hầu hết diện tích đất canh tác ở vùng hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng tả Bùi - hữu Đáy.
Trong cuộc khảo sát đê tả sông Bùi ngày 30-7, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chỉ đạo: "Phòng ngừa trường hợp xấu nhất là có mưa to và lũ lớn thì phải chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân nằm trong vùng phân lũ. Chúng ta phải tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tai nạn đáng tiếc".
Theo ông Chung, TP Hà Nội sẽ cung cấp thêm 10.000 bao cát để lực lượng chức năng của huyện Chương Mỹ khẩn trương đắp bờ đê cao thêm 50 cm ngay trong đêm. Kế hoạch này nhằm giữ cho mực nước sông Bùi không tràn vào bên tả.
Trong những ngày qua, nhiều đoàn cứu trợ, cung cấp lương thực đã tiếp cận được những vùng bị cô lập trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ở những khu vực bị ngập quá cao, người dân không ra được thì lực lượng công an, quân sự sử dụng ca-nô để vận chuyển lương thực tiếp tế tận nơi.
ào tối 30-7, tại tổ 25 và 26 phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 6 ngôi nhà kiên cố bị nứt gãy và trôi tuột xuống sông Đà, 23 ngôi nhà khác bị nứt lún và nghiêng dần xuống sông. Đây là những hộ dân sống ven Quốc lộ 6, tuyến đường huyết mạch nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại hiện trường trưa 1-8, hiện hàng chục hộ dân vẫn đang trở về nhà để di chuyển đồ đạc ra khỏi nhà. Nhiều nhà đã dựng lều bạt ở tạm ngay ven Quốc lộ 6, nhiều đồ đạc của người dân cũng được tập kết dọc tuyến đường này.
Báo cáo của chính quyền địa phương cho biết đến thời điểm hiện nay, đã có 9 ngôi nhà đổ xuống sông Đà, 10 nhà khác bị gãy đổ 1 nửa, 9 nhà khác bị rạn nứt to và có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. Tổng cộng, có tới 35 ngôi nhà nằm trong vùng nguy hiểm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng TP Hòa Bình đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để sơ tán dân, đồng thời hỗ trợ người dân di tản đồ đạc, tài sản ra ngoài, đến nơi an toàn. Theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến, vụ sạt lở khiến 35 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm và đã được cơ quan chức năng tạm thời đưa đến nơi an toàn (trú tại nhà người quen hoặc nhà văn hóa). "Năm 2017 đã có 22 hộ dân ở tổ 25 và 26 trong khu vực trên đã được vận động di dời. Tuy nhiên, 35 hộ còn lại một phần do họ kinh doanh nên vẫn chần chừ, chưa chịu chuyển đến nơi tái định cư"- ông Mạnh thông tin.
Bình luận (0)