Liên quan chuyên án 920G, Bộ Công an và Công an tỉnh Đồng Nai vừa phối hợp bắt khẩn cấp hàng chục đối tượng trong đường dây sản xuất trên 200 triệu lít xăng giả ở các tỉnh, thành phía Nam.
Hiện tại, xác định 3 trong số kẻ cầm đầu là Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ cùng Lê Thanh Trung.
Tạm kết thúc một giai đoạn thực hiện chuyên án, lực lượng công an đã có những thông tin về quá trình "nếm mật nằm gai" để hốt trọn ổ tội phạm có tổ chức quy mô và tinh vi này. Theo đó, trong vụ án này, các đối tượng tham gia đường dây làm xăng giả rất thông thuộc địa bàn, có nhiều "quỷ kế" qua mặt cơ quan chức năng. Các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã được điều động từ nhiều nơi về nằm vùng, đeo bám các đối tượng để nắm rõ quy luật hoạt động, sơ đồ địa hình sào huyệt của chúng.
Tại một trong những "sào huyệt" buôn lậu, pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng giả của chúng là một ụ nổi trên sông Hậu (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) mạng lưới tội phạm được canh chừng cẩn mật, lối đi phức tạp, càng đi sâu càng vắng, bất kể ai không phải người của chúng cũng rất khó để thâm nhập. Một số mắt xích của chúng dựng lên dưới vỏ bọc là cây xăng, quán nước, nhà nuôi chim yến.
Tại khu vực này, những "cứ điểm" được dựng lên để các tàu trọng tải trên 1.500 tấn chở đầy xăng giả lấy từ phao số 0 chạy vào cập bến. Các tàu trọng tải lớn khác neo đậu, pha chế dung môi làm xăng giả, hệ thống bơm chuyển xăng giả được thực hiện trong đêm. Cũng từ đây, các sà lan vận chuyển xăng giả đi tiêu thụ khắp nơi.
Trinh sát C02 cho biết các đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp, phân công công đoạn rõ ràng từ nhập hàng đến pha chế, hợp thức hóa chứng từ tiêu thụ. Với quy mô hoạt động lớn, mỗi ngày các đối tượng cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường. Mỗi khi có dấu hiệu bị động, chúng tìm cách "hóa giải" với những kế hoạch lên sẵn.
Lực lượng chức năng kiểm tra các điểm lưu trữ và sản xuất xăng giả
Do đó, để thực hiện chuyên án, nắm được quy luật hoạt động của đường dây cũng như sơ đồ địa hình sào huyệt của chúng, các trinh sát phải tiếp cận cả đường bộ lẫn đường thuỷ, từ nhiều hướng, rất công phu để nắm rõ từng mắt xích của chúng. Quá trình đó, nhiều tinh sát đã đóng giả tài xế xe ôm, dân chài, người câu cá, dân thăm vườn, cả … dân nhậu xỉn để thầm nhập, tiếp cận.
"Đêm khuya lạnh và vắng, cực kỳ nguy hiểm vì chúng tôi xác định băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp này rất manh động, sẵn sàng triệt hạ…"- một trinh sát kể.
Theo các cán bộ cảnh sát chỉ đạo chuyên án, thời điểm triệt phá đường dây làm xăng giả tại miền Tây là khi Tết Nguyên đán sắp đến. Các tổ trinh sát xác định tinh thần không có Tết nếu đánh án chưa xong. Thời cơ cất lưới chín muồi, đêm 6-2 (25 Tết), Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai triển khai trên 500 cảnh sát, 14 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng trong đường dây làm xăng giả quy mô lớn hơn 200 triệu lít xăng tại nhiều tỉnh, thành ở phía Nam gồm: Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP HCM. Trên 20 xe máy, 5 chiếc ca nô, người nhái áp sát mục tiêu ở ụ nổi tại xã Mỹ Hòa phối hợp với các trinh sát ngày đêm nằm vùng trước đó, cất lưới.
Khi công an ập vào, các đối tượng đang hút xăng giả trên tàu. Con tàu 1.500 tấn chở đầy xăng chuẩn bị nhổ neo bỏ trốn khi phát hiện lực lượng chức năng nhưng Đại tá Mai Hoàng cùng một tổ trinh sát tiếp cận đầu tiên đã kịp thời ngăn chặn. Các đối tượng chống trả quyết liệt, liều lĩnh dùng tàu lớn lao thẳng vào tàu của lực lượng công an.
Tuy nhiên, mẻ lưới đã hốt gọn ổ tội phạm. Lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội của đường dây này.
Cục Cảnh sát hình sự cho biết chuyên án triệt phá trên 200 triệu lít xăng giả ở phía Nam đã được thực hiện với sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị Công an tỉnh Đồng Nai, Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai, đường dây tội phạm trên hoạt động theo phương thức các đối tượng dùng tàu lớn ra hải phận quốc tế mua xăng dầu bất hợp pháp của nước ngoài, sau đó vận chuyển về Việt Nam dùng hóa chất pha chế thành xăng A95 kém chất lượng rồi đưa ra thị trường tiêu thụ và mua hóa đơn hợp thức hóa nguồn xăng lậu, kém chất lượng này. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 32 đối tượng có liên quan để điều tra về tội "Buôn lậu".
Mở rộng điều tra, ngày 5-3, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), về tội "Nhận hối lộ".
Ngày 9-3, Đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - Trưởng ban chỉ đạo chuyên án 920G, chỉ đạo gần 400 cảnh sát đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của Lê Thanh Tú cùng vợ là Trần Thị Thanh Vân (trú TP Thủ Đức, TP HCM).
[Video] Hành trình triệt phá đường dây làm xăng giả cực "khủng"
Vợ chồng Tú - Vân là giám đốc và quản lý điều hành của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc, có các trụ sở và chi nhánh tại tỉnh Bình Dương và TP HCM. Ngoài trụ sở chính, vợ chồng Tú - Vân đã thành lập thêm 11 chi nhánh của Công ty Vân Trúc tại TP HCM, Bình Dương và xây dựng một bến thủy nội địa có thể tiếp nhận tàu thủy chở xăng với tải trọng 1.000 tấn… Đây là công ty kinh doanh và phân phối xăng dầu có tiếng ở phía Nam.
Tiếp tục mở rộng chuyên án 920G sản xuất xăng giả, ngày 25-3, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và Công an TP HCM, Công an tỉnh Bình Phước đồng loạt khám xét 16 điểm kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty Thanh Bình, Công ty Tài Lộc và Công ty Quốc Khánh trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bình Phước.
Tiếp đó, ngày 28-3, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP HCM và Công an tỉnh Long An đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 6 địa điểm là trạm xăng, trụ sở Công ty TNHH Thương mại Huỳnh Khang ở huyện Bình Chánh (TP HCM) và Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bình Long tại huyện Bến Lức (Long An).
Ngay sau đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt tạm giam Lê Hùng Phong và Đỗ Văn Ba (cùng ngụ TP HCM) để điều tra về hành vi buôn lậu. Phong và Ba được xác định là hai nghi can giữ vai trò điều hành hai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên.
Tối 31-3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an, trả lời câu hỏi về "đại án" buôn lậu xăng, dầu ở Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết đầu tháng 2-2021, dư luận rất quan tâm đến vụ án xảy ra ở Đồng Nai. Ngày 18-3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quyết định đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi và chỉ đạo.
Chánh văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô thông tin về vụ 2,7 triệu lít xăng dầu giá vừa bị triệt phá ở Đồng Nai
Về diễn biến vụ án, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết ngày 8-2, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu; sản xuất, buôn lậu hàng giả; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ… Quá trình điều tra ban đầu phát hiện có dấu hiệu buông lỏng quản lý và có hiện tượng bảo kê cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả.
Đến nay, cơ quan Công an đã khởi tố 52 đối tượng về tội buôn lậu, một bị can về tội hối lộ. Vật chứng thu giữ gồm 14 tàu thủy, 10 xe bồn, 13 ôtô, hàng triệu lít xăng và hóa chất pha chế xăng giả, trên 123 tỉ đồng tiền mặt, 15 sổ tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan Công an đã niêm phong nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa xăng, phong tỏa kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng của các đối tượng.
"Vụ án này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, trên quy mô rộng, thủ đoạn tinh vi, có bảo kê nên khó khăn trong phá án" - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết.
Cũng theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, các đối tượng đã có thủ đoạn chống lại cơ quan điều tra và đưa hối lộ rất tinh vi. Ví dụ, hối lộ không gặp trực tiếp mà quy định với nhau về một "hộp thư chết", giao tiền bí mật. Theo đó, hàng tháng, một người đưa một lượng tiền vào đó còn một người khác đến nhận hoặc đưa những tài khoản thông nhau để một người gửi, một người rút tiền; trong đó có một cán bộ liên quan. Cụ thể, ngày 17-2, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) về tội "Nhận hối lộ".
Bình luận (0)