- Phóng viên: Ý kiến dùng test nhanh "dẫn đường" tại khu vực nguy cơ, phối hợp linh hoạt với RT-PCR ông đưa ra hiện đã được TP HCM triển khai. Ông có thể giải thích cụ thể hơn về các điều này có thể tạo nên đột phá?
+ Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM: Test nhanh "dẫn đường" giúp chúng ta phát hiện ngay tại chỗ ai là F0 tại khu vực đó và phân loại được họ chỉ trong 1 giờ, nhanh hơn RT-PCR rất nhiều vì PCR tuy là mất 6 giờ để chạy mẫu, nhưng còn thời gian chuyển mẫu đến nơi xét nghiệm, rồi nếu máy đang chạy thì phải chờ chạy xong mới chạy tiếp mẻ mới được, thời gian trả kết quả có thể là 12-24 tiếng. Bấy nhiêu giờ chờ đợi có khi đủ để F0 đó lây cho người khác.
Độ chính xác của các loại test nhanh rất cao, chưa kể sau đó chúng ta xác định lại bằng PCR: ai dương tính test nhanh thì PCR đơn để khẳng định, ai âm tính thì PCR gộp để chắc chắn lần nữa. Với khu vực không nguy cơ, chọn xét nghiệm gộp mẫu PCR trước thì mẫu nào dương cũng phải test nhanh để phân loại ngay ai dương, ai âm trong mẫu đó.
Để hiệu quả hơn nữa, cần tiến tới để người dân chung tay với nhà nước – đó là tìm nguồn cung test nhanh đảm bảo, dồi dào để người dân có thể tự mua vào làm, vì tự thực hiện test nhanh rất dễ. Họ tự phát hiện và báo với địa phương là giúp cho nhà nước rất nhiều.
Dùng test nhanh thường xuyên cũng góp phần chặn được lây lan trong khu cách ly, khu phong tỏa nhờ phát hiện F1 chuyển thành F0 sớm mà không tạo áp lực cho các đơn vị xét nghiệm vì không cần đến máy PCR. Nên nhìn nhận lây trong khu cách ly, khu phong tỏa cũng là ca nhiễm mới và cũng thêm gánh nặng cho hệ thống điều trị. Song song đó truy vết F1, F2 cần kỹ càng nhưng phải khoa học để không lãng phí nguồn lực. Ví dụ trong khu nhà của F0 thì có thể thận trọng vì sợ sót F1; nhưng F1 gặp F0 ở đâu đó, không ở chung, F2 cũng không biết F0 và không ở cùng khu vực thì chỉ cần F1 âm tính 1 lần là giải phóng F2 ngay.
Chỉ thị 16 chính là điều kiện cần thiết để tất cả những điều nói trên phát huy hiệu quả tối đa, vì tất cả phải đứng yên thì mới vét hết F0: F0 không ra khỏi nhà thì sẽ không tạo thêm F0 mới ngoài cộng đồng.
- Nếu có trong tay vắc-xin sớm, ông dự đoán tình hình TP HCM sẽ biến chuyển như thế nào?
+ Lý tưởng nhất là nguồn vắc-xin dồi dào và bắt đầu tiêm chủng ngay thì chỉ trong 4 tuần dịch bệnh có thể chững lại, gồm 2 tuần Chỉ thị 16 và xét nghiệm toàn dân giúp khống chế ca bệnh, 2 tuần sau thì tác dụng của vắc-xin bắt đầu phát huy trong cộng đồng và tạo thế cân bằng nếu dịch bắt đầu nhen nhóm lại sau giãn cách. Chắc chắn phải có vắc-xin vì phải nghĩ đến chuyện chúng ta vét còn sót vài F0, hoặc vét hết rồi mà dịch bệnh lại xâm nhập từ bên ngoài sau khi kết thúc chỉ thị 16, mở cửa trở lại.
Trong bối cảnh hiện tại thì 2 điều quan trọng là đừng chần chừ bất cứ nguồn vắc-xin nào, huy động được nguồn lực tư nhân để có nguồn vắc-xin chích dịch vụ. Nhiều người chủ động tiêm dịch vụ rồi thì nguồn lực của nhà nước có thể tập trung cho người nghèo, đặc biệt là người nghèo thuộc đối tượng nguy cơ.
- Ông từng đề cập đến vấn đề an ninh vắc-xin cho TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
+ Để bảo đảm an ninh vắc-xin thì chúng ta phải có vắc-xin trong nước. Số vắc-xin các nước bạn hứa cung cấp, nên hiểu rằng bất cứ lúc nào, tình hình dịch bệnh cũng có thể thay đổi, có thể bùng phát quá nặng ở nước họ hay một quốc gia khác, đòi hỏi tập trung nguồn lực..., không giao đúng hẹn được, ảnh hưởng kế hoạch tiêm chủng của chúng ta. Do đó có những cơ chế rõ ràng để khuyến khích nhà sản xuất trong nước sẽ bảo đảm an ninh vắc-xin.
Hiện nay Việt Nam có một loại vắc-xin sắp "cán đích" là NanoCovax. Lợi thế của nó nằm ở công nghệ tiểu đơn vị, là công nghệ mới nhất trong các công nghệ kinh điển, đã được sử dụng cho vắc xin cúm. Công nghệ kinh điển là công nghệ an toàn, hơn nữa trong nghiên cứu vắc-xin, người ta phải tính đến độ an toàn trước rồi tiếp theo mới là hiệu quả.
- Việc tiêm vắc-xin trong 2 tuần thực hiện chỉ thị 16 nên tiếp cận những đối tượng nào đầu tiên? Có nhiều ý kiến cho rằng nên nhanh chóng phủ vắc-xin cho thân nhân của đội ngũ chống dịch, ông nghĩ sao về điều này?
+ Với số vắc-xin đầu tiên phải coi xem ai là người cần tiêm 1 mũi càng nhanh càng tốt, ai cần tiêm đủ 2 mũi sớm. Người cần tiêm đủ 2 mũi chính là lực lượng tham gia chống dịch. Đối tượng khác cần tiêm sớm mũi 1, mũi 2 thì cách nhau từ 4-12 tuần (lý tưởng nhất là 8-12), thời điểm đó tôi tin rằng nguồn vắc-xin đã dồi dào hơn.
Thân nhân của nhân viên y tế và các lực lượng tham gia phòng dịch khác đúng là nên được tiêm chủng sớm, bởi hiện nay rất nhiều người sau 3 tuần chống dịch được về nhà 2 tuần, dù đã được xét nghiệm và có thời gian đệm nhưng vẫn rất lo lắng cho thân nhân của mình, nhất là khi gia đình có người lớn tuổi, bệnh nền. Nhân viên tham gia chống dịch vốn đã chấp nhận sự xáo trộn lớn về sinh hoạt, gia đình, nếu có thể giúp họ giải quyết bớt mối lo này thì sẽ rất tốt cho tâm lý trong giai đoạn tập trung làm nhiệm vụ.
Điều hy vọng nhất là thời gian tới có thể có nhiều nguồn vắc-xin đổ về, bao gồm các nguồn từ phía tư nhân, thì khi đó chúng ta sẽ chỉ cần cố gắng bao phủ cho cộng đồng càng nhiều càng tốt, không phải bàn đến chuyện công bằng vắc-xin nữa. Chúng ta cũng đang ở giai đoạn tốt để xúc tiến điều này vì tâm lý người dân đang có sự đồng thuận, nhiều người mong muốn được tiêm chủng và chấp hành các biện pháp giãn cách.
Còn tiếp...
Bình luận (0)