Khu điều trị Covid-19 trước mắt tôi không khác nhiều các khu nội trú bệnh viện thông thường, hoặc có lẽ đó là cảm giác mà các y - bác sĩ muốn đem đến cho bệnh nhân Covid-19.
Ngoài việc nhân viên y tế phải mặc trang phục bảo hộ, phía bên trong khu điều trị, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra như một ngày bình thường trong bệnh viện: ai khỏe khoắn hơn được khuyến khích đứng dậy, vận động, ra sân tập thể dục; cụ ông, cụ bà nào quá yếu thì được điều dưỡng đút ăn, vệ sinh cơ thể... thay cho người thân; những đứa trẻ nhỏ được ẵm bồng, chăm sóc bởi nhân viên y tế nếu như người thân đi cùng các bé đang mắc Covid-19 quá nặng...
Người đầu tiên đón chúng tôi tại Khoa D Dã chiến lại là một bệnh nhi tên H.H. mới tròn 4 tuổi, giơ tay vẫy chào khi có người đi ngang buồng bệnh. Những tấm ảnh tôi chụp cậu bé tuy mờ ảo vì tôi chỉ có công cụ tác nghiệp duy nhất là một chiếc điện thoại được bọc trong túi zip dày, nhưng đủ cho thấy sức sống mạnh mẽ từ bệnh nhi này.
"Bác sĩ ơi, đừng có lo!", H.H. nói theo khi chúng tôi dời gót, kèm một cái vẫy chào. Những đứa trẻ như H. là niềm động viên rất lớn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong cuộc chiến vất vả này, bởi trẻ em mắc Covid-19 đa phần rất nhẹ, rất mau khỏi. Nhiều đứa trẻ sơ sinh vẫn âm tính cho đến ngày cùng mẹ, là sản phụ mắc Covid-19, được xuất viện về nhà. Vì sao có điều kỳ diệu đó, khoa học vẫn chưa thể lý giải rõ ràng.
"Đêm trực đầu tiên trời mưa rất to, nóng hầm hập. Chẳng mấy chốc mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo bên trong áo bảo hộ, mồ hôi chảy trên má, lăn xuống miệng mằn mặn. Cả ê-kíp đi mở từng cái cửa, từng cái ngách, các vách kính được tháo xuống nên không khí dần thoáng hơn hẳn...".
Đó là dòng tâm sự của thạc sĩ – bác sĩ Phan Thanh Hằng, Trưởng Khoa Thận – thận nhân tạo, viết trên Facebook của khoa, vào ngày họ tất bật thay đổi cấu trúc khoa để tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên.
Đây chỉ là khởi đầu của chuỗi ngày chiến đấu cam go. Là một bệnh viện "tầng 4" thuộc tháp 5 tầng của Sở Y tế, có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, đặc biệt là bệnh nền nặng và nguy kịch, nên bên trong BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương không hiếm cảnh nhân viên y tế tất bật lo cho các bệnh nhân nặng.
Cuộc chiến nào cũng có mất mát, và tôi đã thấy không ít ánh mắt lo âu đằng sau kính bảo hộ ở Khoa Cấp cứu, nơi có nhiều bệnh nhân đang được hỗ trợ hô hấp dưới nhiều cấp độ, còn mê man.... Những câu chuyện kể về nghề cũng có những khoảng lặng, khi họ nói về một cụ ông, cụ bà nào đó đã ra đi... Nhưng đó cũng là động lực để họ cố gắng hơn, để được nhìn thấy điều ai cũng mong mỏi: một bệnh nhân nào đó về với gia đình.
Bệnh nhân đầu tiên chúng tôi gặp ở Khoa Cấp cứu là một cụ ông trông rất yếu, tuy là tỉnh táo. Ông không đi lại được, phải nhờ hỗ trợ nhiều thứ từ ăn uống, vệ sinh. Nhưng đối với điều dưỡng trưởng Phan Thị Thanh Trúc, ông H. lại đem đến cho chị nụ cười.
Sức khoẻ của ông đã cải thiện đáng kể khi họ kết nối được với 2 con gái của ông và nhờ gọi vào bệnh viện hằng ngày. "Bệnh này cần đến ý chí của bệnh nhân nữa. Mỗi lần nhắc đến việc về nhà gặp 2 con, ông lại ráng trở mình, ráng nằm nghiêng để phổi mau khỏe" – điều dưỡng Trúc khoe.
Tại Khoa Thận – thận nhân tạo, khi tôi và nữ điều dưỡng cùng đỡ một cụ ông ngoài 70 tuổi nằm xuống giường và nghe ông than đến giờ ăn chưa, ông đói, chúng tôi đã thấy ánh mắt cười của nhau đằng sau kính bảo hộ. Bệnh nhân muốn ăn uống, biết đòi hỏi các nhu cầu, là dấu hiệu của sự hồi phục.
Là phóng viên y tế, tôi đã từng khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ cấp 2 màu xanh mà chúng ta thường bắt gặp ở nhiều nơi. Nhưng đó là cảm giác thoải mái hơn rất nhiều so với bộ trang phục cấp 4 mà tôi mặc hôm nay để bước vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, vốn đem đến nguy cơ phơi nhiễm cao.
Thú thật, tôi đã gặp vài lúng túng khi tác nghiệp với chiếc điện thoại bọc trong túi zip dày, đeo nhiều lớp găng tay y tế, phải nhìn qua 2 lớp kính bảo hộ và cảm giác ngột ngạt vì chưa quen. Thế nhưng, trước mắt tôi là những bác sĩ, điều dưỡng bước đi thoăn thoắt.
"Ở mỗi khoa, chúng tôi có những chiến thuật khác nhau tùy vào đối tượng bệnh nhân, bám sát theo phác đồ của Bộ Y tế và bệnh viện để hạn chế được bệnh nhân "chuyển độ", vì có người đang khỏe chợt chuyển nặng đột ngột. Vì vậy, chăm sóc và theo dõi rất quan trọng, không được bỏ sót bất kỳ dấu hiệu nào nào, của cả bệnh nền lẫn bệnh Covid-19, ngay cả những vấn đề như nước - điện giải..." – bác sĩ chuyên khoa II Từ Quốc Thanh, Trưởng Khoa D Dã chiến, phân tích.
Khi được hỏi về nỗi nhớ con hay sự vất vả trong môi trường làm việc đặc biệt, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Ngọc của Khoa D Dã chiến đều gật đầu. Nhưng chị lại là một trong những người chọn không sử dụng tuần lễ về nhà nghỉ ngơi: tức thay vì làm 3 tuần, nghỉ 1 tuần đệm, 1 tuần về nhà rồi lại vào làm tiếp, chị Ngọc đã làm liên tục từ khi bệnh viện chuyển đổi công năng (ngày 18-6) đến nay, với lý do đơn giản: Bệnh viện cần nhân lực, thì mình cố gắng.
Tại buồng tắm "dã chiến" dựng giữa sân bệnh viện, chúng tôi phải thay trang phục bảo hộ, trang phục phòng mổ ra, tắm gội kỹ 2 lần bằng dung dịch sát khuẩn rồi xà phòng, sau đó thay bộ pyjama sạch, khẩu trang mới rồi mới được ra khu vực ngoài. Nhìn da tay ướt đẫm, nhăn nheo sau khi tháo các lớp găng tay, rồi tối đó chải lại mái tóc dài xơ rối, cảm nhận làn da thô ráp hơn dù mới một lần tắm gội dung dịch sát khuẩn, tôi hiểu lý do vì sao các nữ nhân viên y tế chọn cắt tóc thật ngắn trước khi lên đường...
Khoảng sân của khu điều trị Covid-19 trở nên đông đúc vào mỗi chiều, khi nhiều bệnh nhân bước ra đi dạo hay tập thể dục, vì đó là một khu vực biệt lập với thế giới bên ngoài nên họ có thể tận hưởng một chút thoải mái mà không sợ ảnh hưởng đến ai.
"Bệnh nhân được khuyến khích vận động, tập luyện nhẹ nhàng, vừa sức khi bắt đầu cảm thấy sức khỏe ổn định, cũng là để mau phục hồi, sớm về với gia đình. Hình ảnh những bệnh nhi mỗi chiều ra chạy chơi trong sân là niềm an ủi lớn đối với nhân viên y tế chúng tôi" – tiến sĩ - bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương, chia sẻ.
Còn với bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thiên Bình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, khoảnh khắc đặc biệt nhất ông trải qua trong suốt những ngày vất vả điều trị bệnh nhân Covid-19 nguy kịch đó là khi 2 cụ ông, cụ bà cùng 67 tuổi, cùng phải dùng đến phương án thở máy xâm lấn, một ngày cùng tỉnh dậy và nhận ra nhau, cho biết họ là vợ chồng.
Một nữ bác sĩ khác thì chia sẻ câu chuyện nhỏ khiến chị và đồng nghiệp rất vui: Nhân viên bệnh viện loay hoay gắn thêm quạt cho buồng bệnh, được một F0 "giành" làm , vì "tôi là thợ điện"...
Các bác sĩ khử khuẩn đồ đạc và tạm biệt các bệnh nhân trong ngày xuất viện
Trong cuộc điện thoại tình cờ lúc đang tác nghiệp cảnh bệnh nhân xuất viện, tôi đã xúc động khi nghe giọng nói tươi vui hơn hẳn của người bác sĩ bên kia đầu dây, cho biết anh cũng dõi theo từ một khung cửa sổ....
Đến mốc 1 tháng 2 ngày kể từ khi chính thức nhận bệnh nhân Covid-19, bệnh viện quy mô 800 giường này đã có đến 372 người xuất viện, trong đó có 85 trẻ em, 72 người ổn định chuyển sang đơn vị thu dung. Từ đó đến nay, mỗi chiều lại có thêm vài chục người bước qua cánh cổng ấy, về với gia đình. Nhiều bé sơ sinh đã ra đời khỏe mạnh tại bệnh viện này, trong đó có những bé đã được về nhà mà không hề bị bệnh dù được sinh ra bởi người mẹ mắc Covid-19.
Bình luận (0)