Lớp học thật đặc biệt với những học sinh đầu trọc lóc, mang cả cây truyền dịch, có em chỉ ngồi dựa vào tường nhìn bạn bè học...
ang chat vui vẻ với cô giáo, bỗng nhiên cậu bé than mệt rồi ngừng hẳn. Cô gọi: "Hào ơi, Hào ơi…". Màn hình điện thoại tối đen. Cô biết học trò mình đã ra đi. Vài phút sau, chị của Hào gọi cô nức nở: "Cô ơi, em con mất rồi"…
Đó là việc mà cô Đinh Thị Kim Phấn, giáo viên lớp học dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, lo lắng và đối mặt mỗi ngày. Nhưng trước mặt các em, cô lúc nào cũng vui vẻ, truyền năng lượng tích cực nhất. Bởi lẽ cô biết thời gian của các em đôi khi chỉ đếm được bằng ngày.
ốt nghiệp sư phạm năm 1978, cô Đinh Thị Kim Phấn tình nguyện lên Tây Nguyên dạy học ở một trường. Lúc này, Tây Nguyên không điện, không nước, không tivi và cô là giáo viên nữ duy nhất của trường.
Khi trận sốt rét rừng cướp đi cậu con trai đầu lòng, lo lắng cho con trai nhỏ, năm 1989, cô Phấn xin về TP HCM và giảng dạy ở Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1). Dù sống và làm việc tại TP HCM nhưng dòng máu tình nguyện vẫn nóng hổi trong cô.
Năm 2009, khi biết chương trình "Ước mơ của Thúy" do Báo Tuổi Trẻ khởi xướng cần một giáo viên dạy chữ cho bệnh nhi tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, cô Phấn tình nguyện nhận đứng lớp.
Cô Phấn giảng dạy và hát múa cùng các em.
"Những năm ấy thật sự vất vả khi vừa dạy ở trường vừa dạy cho các em ở lớp học bệnh viện, tôi hầu như không có thời gian rảnh. Nhưng nhìn ánh mắt trong trẻo của các em, nghe các em bảo chờ đến giờ học của cô Phấn để được viết chữ, làm toán thì bao nhiêu mệt mỏi trong tôi đều tan biến hết" - cô Phấn bộc bạch.
Ban đầu, lớp chỉ học viết chữ, làm toán nhưng dần dần cô Phấn dạy thêm vẽ, thủ công, kể chuyện, múa, hát, diễn kịch, biểu diễn thời trang… Thời gian đầu, nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt khi cô và các y - bác sĩ đến vận động bệnh nhi đến lớp. "Con tôi còn sống mấy ngày nữa đâu mà học hành chi cho mệt" - một phụ huynh nói thẳng.
Cô Phấn vẫn kiên trì thuyết phục phụ huynh đưa con em sang lớp để xem các bạn học, nếu thích thì tham gia, không thì thôi. Nhìn bọn trẻ vui thích tập viết từng nét chữ, vui vẻ kể lại những câu chuyện hay có những bước đi sành điệu như siêu mẫu, nhiều phụ huynh đã không kìm được nước mắt. "Tôi chỉ muốn các em viết được tên mình hay ít nhất đọc được số giường mình đang nằm chứ không mơ ước xa xôi hơn" - cô tâm sự.
Năm 2011, cô Phấn chính thức nghỉ hưu và toàn tâm toàn ý với lớp học ở bệnh viện. Cứ chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần, khu vực lầu 2 của Khoa Nội 3 Bệnh viện Ung Bướu TP HCM lại rộn rã vì sự có mặt của 20 bệnh nhi và 10 tình nguyện viên. Đa số học sinh của lớp đều trọc đầu, làn da xanh xao nhưng đôi mắt nào cũng lấp lánh niềm vui.
Hết ra lại vào, mỗi năm, lớp của cô Phấn có khoảng 300 em theo học. "Có em nói với bác sĩ: "Bác không được truyền thuốc cho con tay phải nhé, vì để tay phải ngày mai con viết chữ". Với tinh thần hiếu học của các em như thế thì làm sao tôi nghĩ đến việc rời xa lớp" - cô bày tỏ.
ô Phấn đưa tôi xem bài văn dang dở của em Hồ Khương Đằng. Đằng viết: "Quê em ở xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Người dân quê em đa số sống bằng nghề làm ruộng, quanh năm bận rộn trên cánh đồng. Ba mẹ em cũng vậy, những người nông dân cần cù, siêng năng, chịu khó. Ngày ngày, ba em dậy rất sớm, cơm nước xong ra đồng. Gia đình em chỉ có mình em…".
Cô Phấn nói một mạch như nói với chính mình, rằng Đằng có cách viết văn hiền hòa, bình dị của một người con đồng bằng Nam Bộ. Dù chưa viết xong bài nhưng trong em vẫn luôn có những ước mơ cháy bỏng về một mái ấm gia đình, ngày ngày được hạnh phúc làm lụng trên đồng lúa quê nhà.
"Đằng là một cậu bé có khuôn mặt sáng, đôi mắt tinh anh, nụ cười thiên thần. Nhiều người thương Đằng vì em có cốt cách hơn người. Em biết trò chuyện, biết lý lẽ và hay khoe nụ cười trong veo, đôi mắt biết nói. Nhìn vào đôi mắt rất sáng của em, ta thấy cả một bầu trời mơ ước. Nơi ấy vừa có khát vọng được sống, được học hành, được vui chơi và vừa có mong ước được làm điều tốt cho xã hội. Có lần, đi ngoài đường thấy công an đi bắt kẻ gian, em tâm sự: "Con cũng muốn lớn lên làm công an như các chú ấy"... Vậy mà..., em đã đi xa, rời bỏ mọi người vào ngày 28-9-2013 vì căn bệnh u sợi thần kinh sau khi lần lượt cắt bỏ 2 chân rồi tay trái. Vào những ngày cuối đời, dù chỉ còn một tay nhưng em vẫn hạnh phúc khi còn được cầm, được nắm, được bắt tay những người đến thăm" - cô Phấn nhớ lại.
Lớp của cô Phấn nhảy múa cùng các cô chú anh chị tình nguyện viên
Không ít lần cô Phấn phải chứng kiến những cảnh đau lòng, những thân thể gầy trơ xương của học trò thân yêu trước chuyến đi xa. Cô nhớ đến bé Lê Thủy Ngân - ở trọ tại huyện Bình Chánh,
TP HCM. Trong những ngày cuối đời, Ngân mệt đến nỗi không thể đến lớp, không ngồi dậy được và cô hứa sẽ đếm thăm em.
"Nhưng hôm đó, gia đình có việc, tôi không ghé thăm Ngân được. Em chốc chốc lại hỏi mẹ: "Khi nào cô Phấn sang?". Khi biết tôi không sang, em giận dỗi: "Con giận cô luôn rồi"… Tối ấy, tôi gọi điện cho mẹ Ngân và biết em đã ra đi. Ân hận vì không giữ lời hứa cùng học trò thân yêu, 4 giờ, khi trời còn tối đen như mực, tôi một mình đến Bình Chánh để gặp em lần cuối. Nhìn căn nhà trọ tồi tàn, không vật dụng gì quý giá, tôi biết ba mẹ em khánh kiệt vì căn bệnh ung thư của con… Nhìn theo chiếc xe tang tình thương do địa phương hỗ trợ, hai dòng nước mắt tôi tự nhiên chảy nhưng tôi động viên mình phải cố lên vì còn cả một lớp học đang chờ mình về" - cô Phấn trải lòng.
Cô Phấn chụp ảnh lưu niệm với lớp trong một chuyến dã ngoại.
Trong mỗi giờ học, cô Phấn chụp rất nhiều ảnh rồi lưu thành từng file theo tên riêng từng em. Khi học trò mất, cô mang tập vở, hình ảnh và giấy khen của từng em đến nhà. Cô từng về quê học trò ở Bình Định, Gia Lai, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre... để gửi những kỷ vật cuối cùng của các em. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, ở Bến Tre, kể: "Khi nhận được quyển vở cùng những hình ảnh vui vẻ của con, gia đình tôi vô cùng xúc động. Đây là những kỷ vật vô giá!".
Tuy đã 61 tuổi nhưng cô Phấn vẫn rất nhanh nhẹn. Hôm chúng tôi đến, cô đang nhảy múa bài "Con cào cào" cùng các em: "Muốn khỏe mạnh thì phải tập thể thao. Ai muốn khỏe mạnh thì phải tập thể thao...". Bé nào cũng tươi cười, hớn hở...
hị Duyên nhớ lại: "Khi biết về cô Phấn, tôi cứ ngạc nhiên: Sao cô ấy có thể gắn bó lâu dài với lớp như vậy? Cô lấy gì để trang trải khi rửa ảnh, di chuyển xuống tận quê các em?... Sau khi tiếp xúc với cô và gặp gỡ với các em, tôi mới vỡ lẽ: Chính tình yêu vô bờ bến đã tiếp cho cô sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, hằng ngày gieo từng con chữ cho các em. Những giờ học đã giúp các em quên đi sự đau đớn của bệnh tật, tác hại của những lần hóa trị, xạ trị. Cô Phấn chính là người truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi".
Một số hình ảnh sinh hoạt của lớp cô Phấn.
Bình luận (0)