heo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), tính đến ngày 5-10, toàn dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành 76,73% khối lượng công việc. Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường đạt gần 99%, tỉ lệ bàn giao mặt bằng đã đạt đến hơn 72%.
Theo kế hoạch, hôm nay, 8-10, đoàn tàu gồm 3 toa của tuyến metro số 1 về đến cảng Khánh Hội (quận 4, TP HCM). Đây là đoàn tàu đầu tiên trong tổng số 17 đoàn tàu của metro số 1 hoạt động giai đoạn đầu (mỗi đoàn tàu có 3 toa).
Các toa tàu khi về cảng Khánh Hội được vận chuyển quãng đường dài 26 km, theo các tuyến: Nguyễn Tất Thành - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Cơ Thạch - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1 - đường số 400 - Hoàng Hữu Nam - đường số 11 đến depot Long Bình (nơi sửa, bảo trì tàu) vào ngày 10-10.
Theo ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gemadept - nhà thầu phụ tuyến metro số 1 phụ trách vận chuyển tàu khi về TP HCM, tàu metro mỗi toa dài hơn 21 m, rộng 3 m, cao hơn 4 m và nặng gần 37 tấn.
Để vận chuyển các toa theo hành trình nói trên cần một tổ hợp gồm ôtô đầu kéo và cụm rơmoóc thủy lực chuyên dụng 12 trục nối với nhau, có hệ thống đèn tín hiệu, dây hơi phanh kết nối giữa các trục rơ-moóc.
"Đây là kết cấu tổ hợp phương tiện đáp ứng chở những toa tàu này an toàn qua các đoạn đường đô thị thuộc TP HCM và Quốc lộ 1 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý" - lãnh đạo Công ty Cổ phần Gemadept nói và cho biết tổ hợp này chỉ chạy một chiều, không chở toa tàu ngược lại về cảng Khánh Hội.
Cận cảnh Depot và ga trên cao tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sắp hoàn thiện
Theo đó, để bảo đảm tiến độ dự án và an toàn cầu đường trên hành trình vận chuyển, Gemadept đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho áp dụng mô hình tổ hợp phương tiện gồm các rơ-moóc kiểu module, có tính năng ghép nối để chở các toa tàu.
Đơn vị này cũng đề nghị hướng dẫn khảo sát, lập phương án vận chuyển, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp giấy phép lưu hành cho phương tiện vận chuyển các toa tàu siêu trường, siêu trọng thuộc dự án metro số 1.
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, cho rằng sự kiện này là cột mốc thứ hai vô cùng quan trọng trong lịch trình vận chuyển đoàn tàu về Việt Nam sau cột mốc thứ nhất là các chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh an toàn. "Tin vui này đã tiếp thêm năng lượng cho tập thể những công nhân, kỹ sư, nhân viên và lãnh đạo MAUR vì những nỗ lực không ngừng nghỉ" - ông Huỳnh Hồng Thanh chia sẻ.
Ông cho hay tính đến ngày 5-10, toàn dự án metro số 1 đã hoàn thành khối lượng công việc đạt 76,73% và dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành được 85% kế hoạch.
"Chúng tôi xác định dự án tuyến metro số 1 là công trình trọng điểm, mang ý nghĩa rất lớn đối với TP. Do đó, trong quá trình thực hiện, những vướng mắc phát sinh được ưu tiên giải quyết cấp bách, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án để cuối năm 2021 vận hành" - ông Thanh nhấn mạnh.
Nếu metro số 1 lập cột mốc mới thì metro số 2 có tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) nhanh chóng. Tuyến metro này đi qua địa bàn của 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, tổng diện tích đất thu hồi 251.136 m2 với 603 trường hợp, bị ảnh hưởng.
Tính đến nay, các quận cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường đạt 98,51% (594/603 trường hợp) trong đó các quận 1, Tân Bình, Tân Phú đạt 100%. Tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 72,26% (353/603 trường hợp). Mặt bằng các nhà ga S5, S9, S10, S11 đã được bàn giao.
Để có được kết quả trên, liên tục 3 tháng qua, hàng trăm hộ dân trên trục đường Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám tất bật tháo dỡ công trình, nhà cửa. Là người tiên phong bàn giao mặt bằng với diện tích khá lớn, ông Nguyễn Văn Khênh (ngụ phường 15, quận Tân Bình) vui vẻ kể: Cuối tháng 6, ông nhận tiền bồi thường thì chỉ 4 ngày sau ông đã tháo dỡ xong 171 m2 , lùi vào 20 m.
"Tôi bàn giao sớm vì hiểu được giá trị của dự án. Dù giá bồi thường chỉ bằng 70% giá thị trường nhưng cơ bản hợp lý, các phương án được địa phương niêm yết công khai nên người dân rất hài lòng" - ông Nguyễn Văn Khênh chia sẻ.
Tương tự, dù phải nhường hơn 300 m2 nhà xưởng cho dự án nhưng anh Xuân Duy (ngụ quận 12) nói nhẹ nhàng: "Lợi ích của dự án mang lại rất lớn nên việc bàn giao mặt bằng sớm chừng nào sẽ tốt chừng nấy. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bà con đang mong ngóng tuyến metro số 2. Tôi mong dự án hoàn thành đúng tiến độ, chỉ cần vậy là vui rồi".
Nói về tiến độ bàn giao mặt bằng, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Ban BTGPMB quận Tân Bình, đánh giá chưa có dự án nào trên địa bàn quận mà tiến độ giải tỏa bàn giao mặt bằng nhanh như vậy. "Quan trọng là nhờ sự quyết liệt, sát sao của chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Các khâu công bố phương án bồi thường, lấy ý kiến người dân cũng như niêm yết giá thực hiện công khai, minh bạch khiến người dân hài lòng" - ông Tấn Tài nói.
Bà Nguyễn Thị Thùy Ngân, Phó Ban BTGPMB quận 12, khẳng định cuối năm 2020 sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Theo bà Ngân, dự án đi qua địa bàn quận 12 với tổng diện tích 19.734 m2 , trong đó chỉ bồi thường 5.025 m2 , số còn lại thuộc dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã bồi thường trước đó.
"Đây là một trong những dự án thuận lợi nhất khi tiến hành BTGPMB. Trong quá trình triển khai, từ cấp quận đến phường luôn giải quyết kịp thời những trường hợp khiếu nại, không để người dân thiệt thòi nên tiến độ rất suôn sẻ" - bà Thùy Ngân thông tin.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (thuộc MAUR), cho biết từ nay đến cuối năm 2020, đơn vị sẽ nhận mặt bằng từ các địa phương bàn giao, song song đó triển khai một số gói thầu để tiến hành các phương án di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị cho công tác thi công trong năm 2021.
Để di dời hạ tầng kỹ thuật, MAUR đã hoàn thành việc tổ chức làm việc với các đơn vị chủ sở hữu, vận hành và các sở quản lý chuyên ngành về thống nhất phương án kế hoạch thực hiện đối với từng nhóm hạng mục công trình.
Ngoài ra, để bảo đảm công tác di dời - tái lập công trình thoát nước, biển báo, cây xanh, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông đạt hiệu quả cao, MAUR đã ký kết với các đơn vị (Tổng Công ty Điện lực TP HCM, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ.
Thông tin đoàn tàu đầu tiên của metro số 1 về đến TP HCM thực sự khiến không ít người hứng khởi và trông chờ sự chuyển mình của TP trong tương lai.
Diện mạo metro số 1 dần hình thành
Anh Nguyên Hùng (38 tuổi, ngụ quận 9) nói anh nghe và chờ metro đã chục năm qua. "Từ ngày nghe nói đến metro, tôi đã nghĩ đến viễn cảnh không còn ùn tắc giao thông, bởi người dân đã có thêm loại hình đi lại hiện đại với sức chuyên chở lớn. Nhìn metro số 1 dần thành hình, nay nghe truyền thông đưa tin đoàn tàu metro đầu tiên chuẩn bị cập cảng mà... sướng cả người" - anh Hùng chia sẻ.
Cũng như anh Hùng, chị Tuyết Mai (43 tuổi, ngụ quận 1) cho hay chị đang háo hức, mong để được trải nghiệm "giấc mơ" tàu điện ngầm. "Tôi đã mơ đến cảnh đi bộ từ nhà ra ga, rồi lên tàu ngồi chưa nóng chỗ là có thể thoải mái và đi đến nhà ngoại ở quận 9 từ hồi tuyến metro số 1 vừa khởi công. Nay thì thực tế đã dần hiện ra trước mắt" - chị Tuyết Mai nói.
Gấp rút đào tạo nhân sự
Ngoài 58 lái tàu đang được đào tạo, ông Lê Minh Triết - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 - cho biết để vận hành tuyến metro số 1, công ty vừa thông báo tuyển chọn và tổ chức đào tạo hơn 300 nhân viên gồm 9 trưởng ga, 19 nhân viên điều độ và 291 nhân viên nhà ga, sau đó sẽ tuyển dụng 165 nhân viên bảo trì, bảo dưỡng. Tổng số nhân viên vận hành của tuyến metro số 1 cần đào tạo và tuyển dụng là 542 người.
Bình luận (0)