Mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp TP HCM giải quyết tốt nhất các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy vai trò, vị trí của TP đối với vùng và cả nước
ới quy mô dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước là trên 10 triệu dân cùng với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP HCM phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân và doanh nghiệp nhanh và chính xác, được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại.
Đồng thời, do hoạt động kinh tế ở TP HCM có tính chất liên thông, liên kết và thường xuyên thay đổi giữa các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, việc cung cấp các dịch vụ hạ tầng như điện, cấp - thoát nước, xử lý rác thải, giao thông công cộng, y tế, giáo dục đòi hỏi phải được quy hoạch và thực hiện thống nhất, đồng bộ toàn TP, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Nhiều chuyên gia cho rằng với thực tế các biến động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, dân cư tăng nhanh, TP HCM rất cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại, có khả năng lập kế hoạch, sử dụng các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ, hiệu quả cao, đáp ứng nhanh.
Ngoài ra, đại diện các bộ ngành trung ương nêu thêm lý do cần thiết thực hiện mô hình chính quyền đô thị ở TP HCM, đó là công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội phải được rút ngắn thời gian, quy trình xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện thống nhất trong các cấp chính quyền toàn TP HCM. Thực tế ở các nước phát triển, bộ máy chính quyền đô thị cũng khác vùng nông thôn.
Mặt khác, TP HCM đã có kinh nghiệm thí điểm thành công việc thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả quận, huyện, phường trên địa bàn TP.
TP HCM đang rất cần tổ chức mô hình chính quyền đô thị để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới; đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính quyền đô thị.
P HCM là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quy mô và mật độ dân cư cao nhất cả nước (thống kê năm 2020, TP có 9 triệu dân, thực tế có trên 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc), đóng góp gần 1/4 GDP cả nước.
Đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) góp ý cho dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM. Ảnh: Nguyễn Nam
Đánh giá gần 7 năm thực hiện thí điểm thành công việc không tổ chức HĐND ở tất cả quận, huyện, phường trên địa bàn TP (từ năm 2009-2016), đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền nhà nước, phát huy được quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở.
Do giảm tầng nấc, không phải thông qua nhiều cấp chính quyền nên thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, chính xác hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của một đô thị đông dân. Hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội…
Việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn được bảo đảm, một số mặt thực hiện dân chủ cơ sở được tăng cường, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh quốc phòng giữ vững, đời sống các mặt của người dân không ngừng tăng lên. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc vào việc tổ chức HĐND trải đều trên tất cả các cấp hành chính. Trong khi đó, khi tổ chức lại HĐND huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2016-2021, nhân sự HĐND tăng lên trên 8.300 người, ngân sách chi khoảng 47 tỉ đồng/năm.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu về Đề án xây dựng chính quyền đô thị tại TP HCM ở hội nghị thẩm định đề án do Bộ Nội vụ tổ chức
Về cơ sở chính trị, pháp lý, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và sau đó là Nghị quyết 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) đã xác định: "Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt".
Theo Hiến pháp năm 2013: "Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định". Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có quy định cụ thể hơn về cấp chính quyền địa phương.
Xuất phát từ cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý hiện hành, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM là cần thiết và phù hợp quy định. Đây được xem là thời điểm chín muồi.
ổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM theo đề án được trình nhằm tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền TP; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân trải nghiệm cách xem tài liệu trên phần mềm của mô hình phòng họp HĐND TP HCM không giấy đầu tiên. Ảnh: Tư liệu
Do TP đã kết thúc giai đoạn thí điểm, đã tổng kết và rút ra các bài học kinh nghiệm nên đây cũng là một trong các cơ sở để Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM mà không thực hiện thí điểm.
Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM đã được TP báo cáo với trung ương từ những năm trước khi thực hiện thí điểm. Quá trình xây dựng đề án và dự thảo Nghị quyết lần này, lãnh đạo TP và Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến các cơ quan trung ương có liên quan, được Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị quyết, được các cơ quan có thẩm quyền thông qua theo quy định, trình Quốc hội xem xét tại một kỳ họp theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp HĐND TP HCM đầu tiên áp dụng mô hình phòng họp không giấy. Ảnh: Tư liệu
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM được kỳ vọng có sự thay đổi không chỉ là việc thay "chiếc áo đã quá chật" mà sự chuyển động của mô hình mới sẽ gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền TP HCM, bảo đảm sự ổn định và phát triển TP.
Ủng hộ TP HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam của Bộ Nội vụ, nói thực tế cho thấy để bảo đảm vận hành, điều hành của chính quyền được nhanh chóng, hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt tầng trung gian, đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của người dân, cần có mô hình riêng cho đô thị, đó là mô hình chính quyền đô thị.
"Lâu nay chúng ta tổ chức quản lý đô thị không khác với địa bàn nông thôn và những bất cập cũng xuất phát từ đó. Có thể nói một cách hình ảnh "dùng chiếc áo mặc cho nông thôn để mặc cho đô thị là không phù hợp với tầm vóc to lớn của đô thị" - ông Diệp Văn Sơn phân tích.
Theo ông Diệp Văn Sơn, những bất cập trên chỉ có thể hóa giải khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị bởi mô hình này đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải có những đặc thù riêng, bảo đảm các nguyên tắc: tập trung thống nhất cao, tránh tình trạng cắt khúc; quản lý đô thị nhất thiết phải dựa theo quy hoạch; tổ chức quản lý đô thị theo nguyên tắc trực tiếp; phân cấp quản lý rành mạch giữa ngành và cấp ở đô thị; triệt để sử dụng công cụ pháp luật để quản lý đô thị; bộ máy quản lý đô thị phải tinh gọn, có kiến thức về quản lý đô thị; luật pháp phải đồng bộ, pháp chế nghiêm, phương tiện quản lý phải hiện đại.
Bình luận (0)