ức tranh về bà Võ Kim Sa, qua lời kể của từng người đồng nghiệp, lại thêm một sắc màu mới: Một điều dưỡng nhiều thập kỷ trước, trẻ và giỏi, đã được chọn sang Anh để đào tạo chuyên nghiệp. Một điều dưỡng trưởng của BV Nhi Đồng 1 suốt những năm 1978-2005 và vẫn còn tiếp tục cống hiến khi đã về hưu. Một " Miss Sa " được bạn bè quốc tế trân trọng và có công lớn làm chiếc cầu nối trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.
Một "cô Sa" tuổi thất thập cổ lai hy vẫn theo lớp con cháu trong những chuyến khám bệnh từ thiện. Còn trong mắt nữ điều dưỡng Phạm Thị Bích Thủy, người đã làm việc ở BV từ năm 1992, đó là một người chị đã điềm đạm thuyết phục bà Thủy bình tĩnh vượt qua những lo âu khi lần đầu đối mặt với những bệnh nhân " không biết nói, chỉ biết khóc ".
Người thương thuyết tài tình
Thật khó tin, người phụ nữ có thân hình bé nhỏ, vẻ ngoài hiền lành ấy lại là người đồng hành cùng lãnh đạo BV giải quyết những chuyện xung đột khi thân nhân bệnh nhân có điều không hài lòng với nhân viên y tế, hoặc những khi các đồng nghiệp cần thông báo tin buồn với phụ huynh rằng con cái họ đã không thể qua khỏi.
" Chị biết cách làm người ta vơi nỗi đau " - PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
Còn với người đồng nghiệp trẻ Nguyễn Ngọc Tuyền thì: " Không phải ai cũng có đủ can đảm để đứng ra nhận nhiệm vụ khó khăn ấy. Thế nhưng cô đã hỗ trợ biết bao gia đình vượt qua cơn khủng hoảng, kéo họ từ vực sâu thăm thẳm đến nơi có ánh sáng mặt trời"
Khả năng thương thuyết tài tình, thu phục lòng người bằng sự chân thành, dịu dàng của bà không ít lần giúp BV thành công hơn trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Ai cũng hỏi "Miss Sa". Không chỉ giỏi ngoại ngữ, bà còn rất chu đáo, mà theo lời bà kể, đơn giản rằng bà đối đãi với bạn bè quốc tế như cách mà họ đã đối đãi với mình, khi bà còn là một cô gái đôi mươi sang Anh quốc học tập.
Tuổi trẻ sôi động
Bà vào làm tại BV Nhi Đồng 1 từ năm 1968. Đến năm 1971, có một phái đoàn Anh đến BV hợp tác. Bà được chọn vào cùng làm với những đồng nghiệp người Anh, để rồi tiếp tục được chọn là một trong hai nữ điều dưỡng được cấp học bổng toàn phần sang Anh tham dự khóa đào tạo ngắn hạn hơn 1 năm.
Nơi xứ bạn, cô gái trẻ Võ Kim Sa được trải nghiệm phong cách làm việc năng nổ, chuyên nghiệp, cách kết nối với bệnh nhân của các điều dưỡng Anh. Bà được đào tạo tại nhiều đơn vị y tế từ Bristol sang Liverpool, rồi sang đến Surrey.
Về Việt Nam, người nữ điều dưỡng trẻ nhanh chóng trở thành điều dưỡng trưởng khoa, rồi đi học thêm quản lý, trở thành giám thị điều dưỡng của BV, theo cách gọi ngày nay là điều dưỡng trưởng của BV. Nhiều lớp điều dưỡng trẻ đã được bà đào tạo. Đến khi về hưu, cũng vì "các bạn trẻ rủ" mà bà ở lại với phòng chỉ đạo tuyến.
Những phút " chẳng còn biết gì
xung quanh "
ói về mình, bà Võ Kim Sa tâm sự đơn giản rằng bà là một người thích trẻ con, theo bạn bè học nghề điều dưỡng và vì vui, vì hạnh phúc nên đến nay vẫn còn làm.
"Có lần tôi nghe người nhà kể đi khám bệnh, bị người ở một BV làm rầy rà… Vì vậy tôi đi học điều dưỡng, để xem thử rồi mình có làm gì rầy rà người ta không " - bà nói vui về lý do mình chọn cái nghề "làm mẹ" của… một rừng trẻ con.
Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm nghề nghiệp, bà hồi tưởng lại thời còn là một nữ điều dưỡng trẻ. Hồi đó BV không quá tải như bây giờ nhưng ngược lại, cũng không có hàng loạt máy móc để theo dõi sinh hiệu bệnh nhân. Họ chỉ có đôi mắt, đôi tay, kinh nghiệm và một "giác quan thứ sáu" bén nhạy.
" Tôi nhớ nhất những lần có bé ngưng tim, ngưng thở, bác sĩ khi đó đang bận cấp cứu cho bé khác. Tôi không nghĩ gì. Tôi không nhớ mình là điều dưỡng hay là gì. Tôi chỉ biết trước mắt có một đứa bé cần cứu. Tôi ấn tim, hô hấp nhân tạo. Tôi chẳng còn biết gì xung quanh… Có những bé đã nặng lắm rồi, gần như khó mà qua khỏi nhưng rồi sau đó, bé vượt qua được".
Cho dù đã trải qua nhiều chức vụ khác nhau, nơi mà bà nhớ nhất, yêu nhất là khu 2B, khoa Nội, nơi chứng kiến những năm tháng đầu tiên bà bước vào nghề điều dưỡng, nơi tập trung những đứa bé bị bỏ rơi.
Quả ngọt
Trong mắt đồng nghiệp, bà Võ Kim Sa có một gia đình viên mãn, hạnh phúc, hai con thành đạt, có người tiếp bước theo nghề y. Còn bà bảo rằng mình may mắn có một người chồng đặc biệt: ông cũng theo nghề y, cái nghề của sự bận rộn nhưng luôn cố gắng giúp cho vợ có thời gian tập trung cho công việc. Bao nhiêu năm, con cái một tay ông đưa đón. Bà đến tuổi hưu, muốn tiếp tục làm, ông cũng ủng hộ.
Người ngoài nhìn vào thắc mắc vì sao bà có thể gắn bó tròn 50 năm cái công việc luôn phải chăm sóc những đứa bé đang khóc, đang mệt vì bệnh. Bởi ai từng làm cha mẹ đều thấm thía chăm sóc một đứa con bệnh, cực đến chừng nào. Thế nhưng với bà, đó là hạnh phúc. "Không làm nữa thì buồn lắm!" - bà giải thích đơn giản.
Bình luận (0)