Lão nông Phạm Tấn Lực bị cho là "khùng" khi bỏ nhiều thời gian, tiền của đi thu thập các chứng cứ sai phạm trong thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Trưa 16-10, giữa muôn vàn thông tin "nóng" liên quan tới đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, chúng tôi gặp lão nông Phạm Tấn Lực (59 tuổi) cùng một số người dân thôn Phú Lễ, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - những người đã nhường nhà cửa, ruộng vườn… phục vụ cho công trình ngàn tỉ.
Vì tuyến đường được thi công sát vách nhà, ngày đêm chứng kiến quá trình thi công, bao nhiêu việc làm tốt xấu của các đơn vị thi công, chủ đầu tư đều được những người dân xung quanh giám sát chặt chẽ và lo ngại, bức xúc theo đó tăng lên.
"Công trình mang tầm vóc quốc gia, mỗi người dân phải đóng thuế, đổ công lao trong đó nhưng ngày nào chúng tôi cũng chứng kiến nhiều việc làm sai trái, làm sao chúng tôi im lặng được" - ông Phạm Tấn Thêm, người dân thôn Phú Lễ.
Người khởi xướng phong trào không thể im lặng là lão nông Phạm Tấn Lực. Để có bằng chứng thuyết phục, ông Lực tự trang bị cho mình một chiếc máy ảnh nhỏ bằng hộp diêm và hàng ngày âm thần chụp lại quá trình thi công, xây dựng tuyến cao tốc. Sau đó, ông dành dụm tiền bạc để rửa hàng ngàn bức ảnh bằng chứng tố cáo sai phạm gởi đến nhiều cơ quan chức năng.
"Lúc đầu nhiều người cho rằng việc làm của mình là "khùng" vì đây là công trình của quốc gia, có cơ quan nhà nước lo" – lão nông Phạm Tấn Lực.
Nhưng trước những việc làm quá nhiều sai trái và sự nhiệt tình của ông Lực, nhiều công nhân trên công trường cũng ngầm ủng hộ. Hễ thấy đơn vị nào làm sai, anh em công nhân lại gọi cho ông Lực đến thu thập bằng chứng.
"Nửa đêm dù có khuya mấy tôi cũng chạy tới. Còn nhiều bà con ở đây cũng ủng hộ, cùng đứng đơn tố cáo gửi đến nhiều cơ quan chuyên môn" - ông Lực kể.
Bà Trương Thị Cường, vợ ông Lực, cho biết mấy năm qua, khi xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, ông ở nhà ít hơn ngoài đường. Ngày cũng như đêm, hễ có ai phản ánh chỗ này chỗ kia làm cẩu thả, chồng bà lại dắt xe chạy tới xem xét. Hết tiền điện thoại, không có tiền rửa hình ảnh thì ông lại hỏi mượn.
"Nhiều lúc bọn xã hội đen đến tận nhà đe dọa, đòi "xử" cả nhà… Tôi và các con nói ổng sao lại làm chuyện bao đồng nhưng ổng nhất định không chịu. Ổng nói nếu mình làm dân không giám sát chất lượng công trình, vậy để tiền thuế, mồ hôi công sức của dân bị rút ruột hết sao" - bà Cường, vợ ông Lực.
Sau nhiều lần phát hiện nhiều bất cập tại gói thầu A3, đoạn qua xã Bình Trung, huyện Bình Sơn do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) làm ăn gian dối, ông Lực quyết định gửi đơn tố cáo nhiều cơ quan chức năng.
Lần theo những tố cáo này, một số cơ quan báo chí vào cuộc đều ghi nhận nhà thầu Trung Quốc làm ăn gian dối đã đưa vật liệu bẩn thi công nền đường. Sau đó, Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quyết định từ chối giám đốc thi công nhà thầu Giang Tô.
"Với cách thi công, làm ăn gian dối trong việc thi công, xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi như đã làm, bây giờ đoạn từ Tam Kỳ - Quảng Ngãi chưa xuất hiện hư hỏng nhưng chỉ cần qua mùa mưa tới sẽ bị sạt lở, hư hỏng khắp nơi"
- Phạm Tấn Lực dự báo.
Theo lão nông Phạm Tấn Lực, dù có đơn gửi rất nhiều cơ quan chuyên môn tố cáo những việc làm sai trái nhưng phần lớn các cơ quan không trả lời hoặc nói trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý đường cao tốc.
Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi cho biết đã nhận được đơn tố cáo của ông Phạm Tấn Lực cùng một số người dân xã Bình Trung. Tuy nhiên, do công trình không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương nên sở có đơn trả lời người dân, hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan cao hơn.
Ông Trịnh Phú Định, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, huyện Bình Sơn cho biết, mấy năm qua, địa phương nhận được kiến nghị, tố cáo về chất lượng đường cao tốc của người dân địa phương. Tuy nhiên, địa phương không đủ thẩm quyền giải quyết.
Bình luận (0)