Hàng loạt tàu vỏ thép trị giá 15-20 tỉ đồng/chiếc ở Bình Định được đóng mới theo Nghị định 67/CP vừa hạ thủy vài tháng đã hư hỏng, không hoạt động được.
Sở NN-PTNT Bình Định thành lập đoàn kiểm tra sơ bộ 7 tàu vỏ thép hư hỏng, qua đó phát hiện vỏ thép bị gỉ sét, sơn chưa đúng quy trình; máy tàu hư hỏng...
Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức đối thoại giữa 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định) cùng chủ tàu và các sở, ngành liên quan.
UBND tỉnh Bình Định thành lập tổ thẩm định đánh giá chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị đã được thi công, cung cấp so với hợp đồng của 18 tàu bị hư hỏng.
Sở NN-PTNT Bình Định công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 tàu vỏ thép hư hỏng. Trong đó, 13 tàu do Công ty Nam Triệu đóng, 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng.
Tại cuộc họp do Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức, đại diện 2 công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương cam kết chậm nhất đến cuối tháng 8 sẽ khắc phục, sửa chữa xong tàu cho ngư dân sớm ra khơi.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định có văn bản gửi 2 doanh nghiệp đóng tàu về việc bồi thường và hỗ trợ thiệt hại đối với 19 tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân địa phương (thêm 1 chiếc). Theo đó, tổng số tiền ngư dân yêu cầu bồi thường là 45,6 tỉ đồng.
Sở NN-PTNT Bình Định xác nhận Đại Nguyên Dương từ chối bồi thường đối với 5 tàu vỏ thép do công ty này đóng bị hư hỏng; trong khi Công ty Nam Triệu vẫn tiếp tục im lặng về việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân có 14 tàu hư hỏng…
Ngư dân Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004 TS, cho biết tháng 10-2016, ông được Công ty Đại Nguyên Dương bàn giao tàu mới trị giá 16 tỉ đồng. Thế nhưng, sau vài chuyến đánh bắt, tàu thường xuyên bị trục trặc lưới cuốn chân vịt. Từ đầu năm nay, tàu hỏng, phải nằm một chỗ, không hoạt động được. Sau gần 1 năm nằm bờ chờ sửa chữa, tàu vỏ thép hỏng đã gây thiệt hại cho gia đình ông gần 1,6 tỉ đồng. Trong đó, nợ gốc và lãi quá hạn là 810 triệu đồng; chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị, ngư lưới cụ hư hỏng là 502 triệu đồng...
"Tàu hỏng nằm cả năm nay khiến gia đình tôi kiệt quệ. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, gia đình tôi còn bị tổn thất nặng về tinh thần. Vậy mà giờ Công ty Đại Nguyên Dương phủi trách nhiệm, không chịu bồi thường. Chúng tôi quyết đưa vụ việc này ra tòa án xử lý" - ông Lý bức xúc.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đây là tranh chấp kinh tế nên chính quyền cũng như sở không có quyền bắt buộc các đơn vị đóng tàu bồi thường và hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại. "Nếu giữa đơn vị đóng tàu và chủ tàu vỏ thép bị thiệt hại không thống nhất được mức bồi thường thì chỉ còn cách đưa sự việc ra tòa án" - ông Hổ nhìn nhận.
Ông Đặng Thành Thái, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Định, cho biết: "Nếu các doanh nghiệp đóng tàu không bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho ngư dân, Hội Luật gia tỉnh Bình Định sẵn sàng hỗ trợ các chủ tàu đưa vụ việc này ra tòa án giải quyết".
Sau khi xảy ra sự cố tàu cá vỏ thép bị hư hỏng tại Bình Định, ngày 30-6, Tổng cục Thủy sản đã đình chỉ 2 tổ trưởng tổ đăng kiểm để xem xét, xử lý trách nhiệm. Hàng loạt cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cũng bị kỷ luật, cảnh cáo.
Bình luận (0)