ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh), cho rằng phải cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức để khuyến khích họ an tâm làm việc, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả
* Phóng viên: Tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội ở kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, ông phát biểu: Thu nhập chính từ lương hàng tháng thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương: Sở dĩ tôi phát biểu như vậy là vì thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ có thu nhập thấp, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng.
Hiện nay, đã hình thành một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước nhưng có cơ sở kinh tế bên ngoài, hoặc làm ăn bên ngoài, còn gọi là "chân trong chân ngoài". Như vậy, công việc của một công chức là nghề chính nhưng lại trở thành nghề phụ, còn làm ăn kinh tế bên ngoài mới là nghề chính. Điều này dẫn đến hiệu quả công việc chắc chắn có phần ảnh hưởng.
Một bộ phận thứ 2 là cán bộ, công chức có thu nhập thấp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng không có cơ sở kinh tế bên ngoài để cải thiện thu nhập. Những cán bộ, công chức này rất dễ bị sa ngã, khi gia đình gặp khó khăn, họ có thể dễ dàng bỏ qua các quy định của pháp luật để làm ngơ, tiếp tay cho tiêu cực, nhằm mục đích có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống. Nói như vậy không phải để cổ suý cho việc do lương thấp mà cán bộ công chức được quyền tham nhũng, tiêu cực.
Trong khi đó, mức lương ở khu vực công hiện nay tương đối thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Đặc biệt trong những năm gần đây, lương chưa tăng nhưng giá cả hàng hoá tăng rất mạnh, cán bộ, công chức đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, thắt chặt chi tiêu với đồng lương khá khiêm tốn.
* Những bất cập về tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức chúng ta đã nhận diện được, nhưng vẫn chưa thể cải thiện được tình trạng này, thưa ông?
- Đúng như vậy. Những bất cập trong bảng lương hiện nay không kích thích sự năng động, sáng tạo và làm việc hết mình của cán bộ, công chức. Việc trả lương đang thực hiện theo cách cào bằng dẫn đến chất lượng công việc không cao, chất lượng cán bộ, công chức cũng không được nâng lên.
Ở nhiều trường hợp, lương chính còn thấp hơn cả phụ cấp hay bồi dưỡng, vô tình không phản ánh được giá trị đích thực của lương chính. Ngoài ra, bộ máy của chúng ta còn quá cồng kềnh, lượng người hưởng lương, hưởng phụ cấp từ ngân sách là khá nhiều. Điều này đã ảnh hưởng đến ngân sách, ảnh hưởng đến nguồn cho cải cách tiền lương. Tôi cho rằng đó là những bất cập rất lớn.
* Vậy theo ông, cần có cơ chế, chính sách, cải cách tiền lương như thế nào để cán bộ "không cần tham nhũng"?
- Trước hết, chúng ta phải quyết liệt thực hiện cải cách tiền lương. Cử tri là cán bộ, công chức trong 2 năm qua do dịch Covid-19 đã rất đồng cảm với những khó khăn của đất nước, nhưng họ cũng rất buồn vì không được tăng lương. Bởi trong đại dịch, họ cũng là những người bị ảnh hưởng.
Về cải cách tiền lương, chúng ta phải trả lương ở mức để cán bộ, công chức bảo đảm sống được từ lương. Cần nghiên cứu thực hiện nguyên tắc trả lương theo năng suất lao động, vị trí việc làm, không cào bằng như hiện nay. Có như vậy, cán bộ, công chức mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, chất lượng nguồn nhân lực cũng sẽ tăng lên.
Cần xác định việc cải cách tiền lương, tăng lương cho cán bộ, công chức là sự đầu tư cho phát triển, đầu tư để nâng cao nguồn lực con người, bởi đây là nguồn lực nội sinh rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đi đôi với đó, phải tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế, giảm tầng nấc trung gian trong bộ máy, giảm người hưởng lương từ ngân sách. Chúng ta phải làm quyết liệt, nếu không cũng sẽ rất khó khăn.
Một yếu tố khác cũng rất quan trọng là chúng ta cần tính toán phát triển kinh tế để tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
* Nhiều ý kiến cho rằng sẽ chẳng thể nào bảo đảm được liêm khiết nếu con người vẫn có lòng tham, dù có tăng lương hay cải thiện thu nhập cao hơn nữa. Nhân tố con người mới là yếu tố đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ông nhìn nhận gì về quan điểm này?
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Tôi cho rằng, cán bộ, công chức nên suy nghĩ về điều đó, để biết tiết chế mình, biết như thế nào là đủ để có điểm dừng.
Rõ ràng con người chúng ta có lòng tham rất lớn, nhưng nếu có sự giáo dục tốt, thì đội ngũ cán bộ, công chức sẽ biết như thế nào là đủ, đến lúc nào thì biết dừng lại để giữ cái danh dự, tự trọng cho mình.
Mà việc giáo dục này không phải tới lúc làm cán bộ mới làm, mà cần thực hiện khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chúng ta phải giáo dục để nâng cao nhận thức, nhấn mạnh tham nhũng là một vấn nạn xã hội, là hành vi xấu, cần được lên án, để trong mỗi cán bộ, công chức không nghĩ đến chuyện tham nhũng.
* Ngoài cải thiện tiền lương, thu nhập cho cán bộ, công chức, chứng ta cần những biện pháp nào để phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn nữa, thưa ông?
- Bên cạnh việc phải bảo đảm thu nhập thì hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, nghiêm minh. Cần có chế tài mạnh mẽ để cán bộ không thể, không cần, không muốn tham nhũng. Cùng với đãi ngộ hậu hĩnh, phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ, chế tài xử lý nghiêm minh vi phạm.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cán bộ công quyền, từ đó giảm nguy cơ tiêu cực, tham nhũng. Ngoài ra, cần thực hiện tốt quy định công khai tài sản hàng năm. Việc này chúng ta đã làm nhưng kiểm soát chưa tốt.
Làm thế nào để mỗi sự giàu lên, tài sản tăng lên đều phải có giải trình về nguồn gốc. Nếu không giải trình được rõ ràng, hợp lý với thu nhập thì chúng ta coi đó là tài sản đó chưa minh bạch, có thể tịch thu hoặc đưa ra biện pháp xử lý nào đó phù hợp.
* Một số quốc gia, trong đó có Singapore đã lập Quỹ dự phòng trung ương. Theo đó, công chức phải trích lương gửi vào quỹ với tỉ lệ trích tăng dần theo tỉ lệ tăng lương, chức vụ càng cao thì tỉ lệ trích lương càng lớn. Khi nghỉ hưu, họ được lĩnh số tiền đó nhưng nếu vi phạm thì sẽ bị trưng thu. Theo ông, có nên xem đây là một gợi mở cho Việt Nam hay không?
- Singapore một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật, công cụ để phòng chống tham nhũng rất tốt trong khu vực công. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm này của Singapore.
Về quỹ dự phòng nêu trên, chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu. Việc trước tiên là cần cải thiện tiền lương để việc trích vào quỹ là phù hợp. Với mức lương thấp như hiện nay, chúng ta khó có thể trích một phần vào quỹ như Singapore đang triển khai.
Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, việc tăng lương hay tạo quỹ dự phòng, chỉ là một trong những giải pháp phòng, chống tham nhũng, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với điều kiện, thể chế chính trị của Việt Nam thì mới phát huy hiệu quả.
Bình luận (0)