img

(NLĐO) - Trước tình hình số ca F0 có xu hướng tăng lại trong hơn 1 tuần nay, Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).


- Phóng viên: Số F0 đang tăng ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP HCM khiến nhiều người lo lắng, thậm chí có ý kiến rằng mở cửa, hòa nhập như hiện nay có thể hơi sớm. Bác sĩ nhận định sao về vấn đề này?

F0 tăng lại: Không quá lo nhưng vẫn chưa đến lúc “thoải mái” - Ảnh 2.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)

+ Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Nghe số ca tăng, mình phải hiểu là số ca tăng đó là điều đương nhiên, bởi tiêm vắc-xin 2 mũi rồi vẫn có khả năng bị bệnh, dù tỉ lệ thấp hơn. 

Ngưng giãn cách, khôi phục các hoạt động, giao tiếp với nhau nhiều hơn, đương nhiên số ca sẽ tăng. 

Quan trọng là tăng, nhưng tỉ lệ bệnh nặng thấp. Và nếu nghe đâu đó về số ca tử vong dù đã tiêm vắc-xin, phải hiểu là nhờ có vắc-xin, nên số ca tử vong mới là bấy nhiêu, nếu không có vắc-xin, còn nhiều nữa. Vẫn là 2 vấn đề cơ bản: phải tiêm vắc-xin và phải bảo vệ đối tượng nguy cơ.

Mở cửa để khôi phục kinh tế lúc này là hợp lý. Có thể hiểu về miễn dịch cộng đồng sau khi phủ đủ vắc-xin như sau: 100 người tiêm đủ 2 mũi không bao giờ có 100 người không mắc bệnh, có thể có trên dưới 20 người có thể mắc bệnh (nhưng không nặng). Những người này mắc bệnh và chữa hết thì họ sẽ có miễn dịch rất tốt. 

Thời gian càng xa dần sau mũi 2 thì người được tiêm chủng có thể dần dễ mắc bệnh hơn giai đoạn lúc vừa hoàn thành mũi 2 đủ 14 ngày. Do đó sau khi phủ vắc-xin 2 mũi cho một cộng đồng, nên hòa nhập càng sớm càng tốt, song song với việc mỗi người cố gắng giữ 5K.

img
img
img

Tiêm chủng cho người dân tại quận Gò Vấp TP HCM

- Như ông nói, hòa nhập nhưng vẫn phải cố giữ 5K. Đúng là hiện nay đã có tư tưởng rằng đã tiêm vắc-xin rồi thì cứ "thoải mái", "thả cửa". Vì sao phải hòa nhập, nhưng lại chưa thể chủ quan "tự do" mọi thứ?

+ Chưa thể thoải mái cho muốn lây sao thì lây được đâu. Vẫn phải 5K càng nhiều càng tốt, K nào không ảnh hưởng đến việc khôi phục kinh tế thì cố giữ càng nhiều càng tốt, nhất là các K "khẩu trang", "khử khuẩn". 

Với bản thân mỗi người, ví dụ ra quán ăn thì lúc ăn không thể mang khẩu trang, nhưng khi đi vệ sinh thì hãy mang. Có khi mình không lây từ bạn bè ngồi ăn cùng, mà lại lây khi vào cái nhà vệ sinh kém thông thoáng và mới trước đó có F0 vừa đi ra, không gian còn đầy virus.

img
img

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương

Việc hòa nhập mà vẫn thận trọng giữ 5K nhằm giúp số ca F0 dù có tăng nhưng vẫn nằm trong khả năng của hệ thống y tế, không quá tải. Như vậy F0 sẽ được chăm sóc tốt, nhất là những ca bệnh nặng, giảm thấp số tử vong. Hơn nữa nên giữ cho đến khi đối tượng nguy cơ được phủ mũi 3 đã, vì đối tượng nguy cơ - như người cao tuổi, bệnh nền - chính là những người có khả năng 2 mũi bệnh vẫn nặng đó.

Đừng nghĩ bản thân mình trẻ, khỏe thì cứ kệ, bởi hầu như ai cũng có một vài đối tượng nguy cơ trong số các mối quan hệ của mình, hoặc bạn có thể gặp đối tượng nguy cơ ở bất cứ đâu trong các hoạt động thường ngày.

Vì vậy, về phía các nhà quản lý, việc bảo đảm an ninh vắc-xin là rất quan trọng.

- Nhắc tới an ninh vắc-xin, ông từng nói về chủ đề này khi trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động và liên kết an ninh vắc-xin với việc sản xuất vắc-xin nội địa. Ông có thể giải thích rõ hơn?

F0 tăng lại: Không quá lo nhưng vẫn chưa đến lúc “thoải mái” - Ảnh 5.

+ Nhiều nước quanh chúng ta, bao gồm các nước châu Á đã chủ động sản xuất vắc-xin nội địa để tiêm cho người dân, có thể là công nghệ tự phát triển, hoặc nhờ chuyển giao công nghệ. Covid-19 vẫn là một bệnh mới. Hiện nay, chúng ta thấy rằng cần mũi 3 cho đối tượng nguy cơ. Và cũng chưa chắc trong tương lai xa, những năm tới, có cần tiêm nhắc lại hay không. Thực tế có những căn bệnh chích ngừa hàng năm như vắc-xin cúm.

Nếu cần tiêm nhắc lại thì với dân số hơn 7 tỉ người của thế giới, chỉ có vài nhà sản xuất thì không cách nào đáp ứng nổi. Vì vậy chỉ có tự sản xuất được vắc-xin trong nước thì mới bảo đảm được an ninh vắc-xin. Nếu cần tiêm nhắc, có vắc-xin để người dân tiếp cận dễ dàng.

- Nói đến việc tiêm mũi 3 cho nhóm nguy cơ, hiện nay do nguồn cung vắc-xin hạn chế có thể sẽ phải tiêm một loại vắc-xin khác công nghệ với loại đã tiêm ban đầu. Ngay cả vắc-xin Việt Nam gần vạch đích nhất là NanoCovax, công nghệ được sử dụng là tái tổ hợp, cũng khác với các loại vắc-xin dùng phổ biến ở Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng hiện tại. Vì vậy có ý kiến lo ngại tiêm xong mũi 3 vẫn chưa đủ an toàn để mở cửa, ông nghĩ thế nào về điều này?

+ Không có chuyện tiêm mũi 3 bằng vắc-xin công nghệ khác thì sẽ giảm tác dụng, ai nói vậy là chưa hiểu về vắc-xin! Có thể tiêm trộn linh hoạt, vì vắc-xin nào thì cũng nhắm đến việc tạo kháng thể để chống lại protein gai của con virus, chứ không nhắm tới công nghệ của loại vắc-xin khác tiêm trước đó. Vì vậy chiến lược phủ mũi 3 cho đối tượng nguy cơ là an toàn dù tiêm khác loại.

- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay nhà quản lý nên nhắm tới những mục tiêu then chốt nào?

+Đầu tiên chắc chắn là bảo vệ đối tượng nguy cơ, bảo đảm họ luôn dễ dàng tiếp cận với các loại vắc-xin Covid-19 tốt nhất.

F0 tăng lại: Không quá lo nhưng vẫn chưa đến lúc “thoải mái” - Ảnh 6.

Thứ hai là tăng cường các biện pháp điều trị. Nên nỗ lực để người dân dễ dàng tiếp cận với thuốc kháng virus hơn. F0 dùng thuốc kháng virus - mà cụ thể hiện nay là Molnupiravir - sẽ có tải lượng virus thấp hơn, giảm thấp nguy cơ lây cho người cùng nhà khi tự cách ly tại nhà, giảm nguy cơ nhập viện (từ đó giảm gánh nặng điều trị), mau hồi phục để tái hòa nhập hơn. 

Các lời đồn thuốc kháng virus đem lại nhiều tác dụng phụ lâu dài là sai, bởi lẽ F0 chỉ dùng có 5 ngày chứ không phải dùng suốt như ARV (dành cho bệnh nhân HIV), thời gian bán hủy rất nhanh.

Tại khu điều trị: Số ca tăng nhưng tình trạng bệnh thay đổi ngoạn mục

Ghi nhận mới đây của Báo Người Lao Động tại khu điều trị Covid-19 Bệnh viện Từ Dũ, nơi tiếp nhận một trong những đối tượng có nguy cơ chuyển nặng hàng đầu khi mắc Covid-19 là thai phụ - sản phụ, mô hình bệnh nhân đã thay đổi hoàn toàn so với trước đây.

Tran Ngoc Hai

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cách đây hơn nửa tháng số ca bệnh trong khu điều trị giảm thấp, nhưng vài ngày nay thì có tăng lại khoảng 20%. Tuy nhiên điều này không làm các bác sĩ lo lắng bởi tuy tăng, nhưng toàn bệnh nhân nhẹ, suốt nửa tháng chỉ có 1 ca nặng duy nhất nhưng cũng đã được can thiệp thành công, bệnh nhân chuyển biến tốt sau khi mổ bắt con. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình hình trong những tháng cao điểm, khu điều trị từng rất nhiều bệnh nhân nặng bởi tình trạng mang thai có thể làm nguy cơ chuyển nặng tăng lên gấp nhiều lần.

"Tăng chủ yếu là do làm xét nghiệm, phát hiện ra chứ không phải do bệnh nhân nặng mà được chuyển tới như trước. Hầu hết bệnh nhân chỉ ở mức độ 1, triệu chứng nhẹ như cảm cúm, đến ngày sanh hay thai cần theo dõi nên mới nhập viện. Đó cũng là bối cảnh chung của toàn thành phố. Số ca F0 có vẻ gia tăng, nhưng tỉ lệ bệnh nặng rất thấp và trong các cơ sở y tế điều trị chuyên sâu không bị quá tải như lúc trước, công suất điều trị vẫn còn có thể tăng thêm. Sự thay đổi này là nhờ thời điểm này hầu hết thai phụ đã được tiêm vắc-xin" - bác sĩ Trần Ngọc Hải phân tích.

Theo bác sĩ Hải, một phần trong các ca nặng còn là các bệnh nhân từ các tỉnh mới quay về thành phố sau ngày mở cửa, chưa kịp tiêm đủ vắc-xin. Vì vậy người dân ở các tỉnh về lưu ý nên sớm tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ.

ANH THƯ
ANH THƯ - QUỐC THẮNG
NGUYÊN LÂM
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên