Sáng 21-4, tại sân bay Tân Sơn Nhất, 24 chiến sĩ "mũ nồi xanh" thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (đợt 2) tại Cộng hòa Nam Sudan.
24 quân nhân đã được tham gia các khóa huấn luyện về cấp cứu chấn thương, bổ túc lái xe rơ moóc, xe bọc thép BRT 152, kỹ năng sinh tồn, tiêm ngừa vaccine COVID-19.
Mặc dù quá trình huấn luyện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song các chiến sĩ "mũ nồi xanh" lên đường đợt 2 quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, an toàn trở về.
Kết hôn đã 3 năm, nhưng họ tạm gác việc sinh con để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Đó là câu chuyện của Vân Anh, Thanh Tùng - cặp đôi duy nhất của lực lượng chiến sĩ thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3
Giờ đây, họ còn là bạn đồng hành của nhau trên hành trình thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan
Từ lúc còn theo học tại trường Đại học Y Hà Nội, Tống Vân Anh (sinh năm 1992) đã biết đến lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan. Sau khi ra trường, mặc dù quê ở Nam Định, nhưng Vân Anh quyết định chọn công tác tại Bệnh viện Quân y 175 - nơi cô có thể tham gia vào đội hình của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 để lên đường sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Hay tin Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 dự kiến sẽ lên đường sang Nam Sudan vào tháng 4-2018, bác sĩ, Trung úy Đỗ Thanh Tùng và bác sĩ, Thượng úy Tống Vân Anh đã tổ chức lễ cưới thật đơn giản, gấp rút trong tháng 3-2018 để Vân Anh kịp lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, đến ngày cận kề thì Vân Anh nhận được tin mình không nằm trong danh sách lên đường sang Nam Sudan vì thời điểm đó cô chưa đủ 2 năm công tác trong ngành y - một điều kiện bắt buộc của Liên Hiệp Quốc.
Bao nhiêu dự định, kế hoạch bỗng chốc biến thành "mây khói", tưởng chừng điều này sẽ khiến nữ bác sĩ nản lòng. Nhưng không, cô vẫn luôn giữ mình trong tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào.
Vân Anh sau đó đã đăng ký tham gia vào đội hình của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3. Lần này, cô còn rủ thêm người bạn đời của mình là bác sĩ, Trung úy Đỗ Thanh Tùng.
Vợ rủ, chồng gật đầu, thế là cả hai cùng lên đường!
Hai vợ chồng chụp hình chung tại Quân y viện 175, nơi tập trung các bác sĩ Quân y tình nguyện đến Nam Sudan
"Khi hai vợ chồng quyết định tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, bố mẹ hai bên tuy ủng hộ nhưng cũng lo lắng rất nhiều. Nhưng hai vợ chồng đã động viên, thuyết phục nên bố mẹ yên tâm hơn" - Bác sĩ, Trung úy Đỗ Thanh Tùng kể.
Lúc đăng ký tham gia, điều khiến cả hai vợ chồng băn khoăn chính là việc học sau đại học của cả hai sẽ bị gián đoạn.
Thượng úy Tống Vân Anh tâm sự: "Việc học chương trình sau đại học rất quan trọng đối với sự nghiệp của một bác sĩ. Khi tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, tôi phải mất 1 năm huấn luyện, và 1 năm sang Nam Sudan làm nhiệm vụ. Thời gian 2 năm ấy tôi không thể học nâng cao được, trong khi đó bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa đã học hết rồi. Điều này vô tình cũng là áp lực đối với hai vợ chồng".
Kết hôn được 3 năm, nhưng suốt thời gian ấy, Vân Anh và Thanh Tùng chưa có kế hoạch sinh con. Cả hai quyết định gác lại chuyện con cái để có thể sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường bất cứ lúc nào.
"Vì đã nằm trong danh sách của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 trước đó nên khả năng tôi sẽ tham gia ở những đợt sau là rất cao. Trong thời gian chờ đợi, hai vợ chồng quyết định không sinh con, vì nếu có con thì thời điểm bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường, cả khoa bác sĩ nữ nào cũng có con nhỏ, sẽ không ai thực hiện được nhiệm vụ, điều này sẽ gây khó khăn cho khoa và bệnh viện".
Tháng 9-2019, cả hai vợ chồng nhận được quyết định chính thức tham gia vào Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 và sẽ lên đường sang Nam Sudan vào đầu năm 2021. Ngay sau đó, vợ chồng bác sĩ, Trung úy Đỗ Thanh Tùng và Thượng úy Tống Vân Anh cùng các đồng đội bước vào quá trình huấn luyện, chuẩn bị hành trang để lên đường làm nhiệm vụ.
Trong suốt một năm, các chiến sĩ mũ nồi xanh được tham gia các khóa huấn luyện về chuyên môn quân y và nghiệp vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, như: Cấp cứu chấn thương nâng cao, huấn luyện Đội Cứu trợ đường không, huấn luyện tiền triển khai, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ một số trang bị hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng liên quan, diễn tập sa bàn và diễn tập tổng hợp thực địa...
Những ngày đầu tháng 4-2021, vợ chồng Thượng úy Tống Vân Anh đã dành những ngày nghỉ phép quý báu để về thăm gia đình bố mẹ hai bên và gặp gỡ những người bạn thân thiết để chia tay trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ. Những ngày cuối ở Việt Nam, cả hai đều bận rộn để chuẩn bị cho một hành trình xa quê hương kéo dài hơn một năm.
Những ngày trước khi lên đường sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ, các chiến sĩ mũ nồi xanh phải tất bật chuẩn bị hành lý.
Hành trình dự kiến kéo dài hơn 1 năm, nhưng đồ đạc mỗi người mang theo chỉ được phép gói gọn trong 2 chiếc vali, thêm 1 chiếc balo nhỏ.
Bên trong hành lý của mình, ngoài vật dụng cá nhân thiết yếu, Vân Anh mang theo nhiều loại thực phẩm khô, đóng hộp, cùng một số đồ dùng như ấm siêu tốc, xoong nồi… đề phòng những lúc cần đến.
Khi được hỏi, đâu là hành trang lớn nhất, quan trọng nhất mang theo đến Nam Sudan, Vân Anh cười tươi: "Có lẽ đó chính là nửa kia".
"Nửa kia" của Vân Anh - bác sĩ Thanh Tùng - là người khá kỹ tính, lại có phần hơi gia trưởng, theo lời kể của vợ.
"Anh Tùng lúc nào cũng xem tôi như đứa trẻ, anh ấy hay nghĩ tôi sẽ chẳng làm được gì. Việc gì mà tôi làm anh không vừa ý thì anh sẽ "chỉnh" ngay lập tức" - Vân Anh tâm sự. Tuy nhiên, chính sự nghiêm túc ấy của chồng lại giúp Vân Anh ít mắc lỗi hơn trong công việc, cũng như trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, người quen.
Cũng chính "nửa kia" của Vân Anh khiến cô cảm thấy yên tâm hơn khi lên đường nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan.
"Ban đầu, khi dự tính một mình tôi tham gia lực lượng sang Nam Sudan, anh Tùng khá lo lắng. Anh ấy lo tôi sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ, sợ tôi sẽ không biết cách ứng xử với đồng nghiệp trong môi trường mới nếu không có anh ấy ở bên. Còn bây giờ cả hai vợ chồng cùng đi nên không phải lo nữa rồi" - Vân Anh cho biết thêm.
Tính cách của Vân Anh và Thanh Tùng như ở hai thái cực. Trong khi nữ Bí thư chi đoàn Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 là người hoạt bát, năng nổ, thích tham gia nhiều hoạt động tập thể, thì Thanh Tùng lại có đời sống hướng nội. Kể cả về sở thích, giữa hai người cũng không hề có điểm chung. Thế nhưng, càng đối lập, họ lại càng có sức hút với nhau.
Chuyến đi Nam Sudan này, Vân Anh hy vọng, cả cô và chồng sẽ bổ trợ cho nhau thật tốt trong công việc, luôn là chỗ dựa vững chắc để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
"Chúng tôi xem nhau như hai người bạn. Từ lúc mới yêu cho đến khi về chung một nhà, cả tôi và anh Tùng đều xem đối phương là người có thể chia sẻ tất cả mọi thứ". Vân Anh cho biết, việc cả hai vợ chồng cùng nhau đồng lòng chính là điều may mắn nhất mà cô có được ở thời điểm hiện tại, trong những ngày chuẩn bị lên đường.
Sau thành công của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 và cấp 2 số 2, dường như áp lực trở nên nặng nề hơn đối với những người chiến sĩ mũ nồi xanh của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3.
Là nữ bác sĩ sản khoa duy nhất của chuyến đi này, Vân Anh hình dung được những khó khăn sắp tới mà mình phải đối diện.
Tuy nhiên, thông qua những chia sẻ của các chiến sĩ đi trước, nữ bác sĩ dần lấy được tự tin và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.
"Tại Nam Sudan, tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên của Liên hợp quốc. Tôi cũng không muốn thời gian trôi qua một cách lãng phí. Vì vậy, ngoài công việc chính, tôi đã chuẩn bị một số vật dụng để làm đồ handmade trong lúc rảnh rỗi".
Nữ Thượng úy hào hứng kể về những món quà cô cùng chồng và các chiến sĩ tại Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 sẽ tự tay làm để tặng cho người dân tại Nam Sudan. Đó là những chiếc khẩu trang, bảng chữ cái, hay chiếc bẫy ruồi tự chế… Ai nấy đều hy vọng sẽ mang đến cho những người bạn tại Nam Sudan một niềm vui, giúp họ thêm yêu mến đất nước Việt Nam.
Chuyến đi này, Thượng úy Tống Vân Anh mong muốn sẽ được tham gia và gặp gỡ với nhiều người dân bản địa, được tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống của bạn bè Nam Sudan.
Bên cạnh đó, Nữ Thượng úy hy vọng mình cùng chồng và các đồng nghiệp có thể góp một phần nhỏ để ghi lại dấu ấn của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế: Một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và hiền hòa!
Bình luận (0)