oàn thiện thể chế trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng. Song việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong chính công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật cũng quan trọng không kém.
Nâng cao năng lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc xây dựng pháp luật, loại bỏ "nhóm lợi ích" là vấn đề cần quan tâm giải quyết trong giai đoạn hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, trong đó đặc biệt lưu ý phòng chống tham nhũng trong việc xây dựng pháp luật
Bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách
Tại phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu con số để biểu dương Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện 640 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đã hoàn thành sửa đổi Luật Thanh tra, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoàn thành rà soát các quy định của pháp luật về phòng chống tiêu cực, quy định liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán. Qua đó phát hiện nhiều sơ hở, bất cập; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách, quy định để không thể tham nhũng, tiêu cực.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết xây dựng và hoàn thiện thể chế được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong mục tiêu phát triển đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định. Do đó, hệ thống pháp luật phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để lợi ích nhóm "cài cắm" điều khoản, quy định để lợi dụng kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh.
"Phòng chống tham nhũng phải bắt đầu ngay việc xây dựng pháp luật và đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Không chỉ trong các văn bản luật, mà những văn bản hướng dẫn thi hành các luật, hay nói cách khác là trong hệ thống pháp luật nói chung phải bảo đảm làm sao không để "cài cắm" lợi ích nhóm, không bị tác động chi phối của các nhóm lợi ích tới việc ban hành văn bản pháp luật" - ông Cường nhấn mạnh.
Xác định tầm quan trọng như vậy, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết ngày 10-2-2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Kế hoạch số 1392-KH/ĐĐQH15 về triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội được giao trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhấn mạnh về "nhóm lợi ích" trong xây dựng pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng "nhóm lợi ích" có thể tác động vào quá trình hoạch định, xây dựng chính sách. Theo đó, các lợi ích cục bộ được "cài cắm", lợi ích đó chỉ phục vụ một nhóm người, mâu thuẫn với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Các yếu tố lợi ích có thể được "cài cắm" vào các chính sách cụ thể về đầu tư, tài chính, thủ tục hành chính, bảo hiểm, đất đai…
"Bên cạnh việc cài cắm, còn có những trường hợp tạo ra khoảng trống pháp luật nhằm tạo kẽ hở cho tham nhũng nảy mầm. Hoặc chậm sửa đổi, bổ sung, trì hoãn việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn cũng có thể phục vụ mục tiêu cho một nhóm lợi ích" - ông Nguyễn Mạnh Cường phân tích.
Từ thực tế tham gia thẩm tra, góp ý nhiều dự thảo luật, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết trong nhiệm kỳ khóa XV, ông đã góp ý một nội dung quan trọng về "Chuyển quyền yêu cầu bồi thường" trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo ông Cường, thời điểm dự thảo luật được trình Quốc hội lấy ý kiến đã bỏ quy định: "Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà bảo hiểm đã chi trả cho người được bảo hiểm, trừ trường hợp những người này cố ý gây ra tổn thất".
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - một trong những dự án luật rất được quan tâm, với kỳ vọng bịt các kẽ hở tham nhũng từ đất đai
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng việc bỏ quy định này sẽ có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm và gây bất lợi cho người được bảo hiểm, không bảo vệ được quyền lợi của người bảo hiểm. Tuy nhiên, trong toàn bộ hồ sơ dự án luật không có bất kỳ một lý giải nào. Sau quá trình thảo luận, góp ý, ông Cường cho biết cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giữ nguyên quy định trên và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh trong xây dựng chính sách, phải trả lời được câu hỏi chính sách đó làm lợi cho ai, có vì lợi ích chung của nhân dân, quốc gia, dân tộc không, hay là vì lợi ích của một nhóm người? Từ đó ông Cường nêu quan điểm: Khi xây dựng chính sách, pháp luật, phải thể hiện được ý chí, nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Vì vậy, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch trong các bước thực hiện quy trình xây dựng pháp luật là yêu cầu tiên quyết, đồng thời có cơ chế rõ ràng để các tổ chức chính trị - xã hội, người dân tham gia giám sát được hoạt động này.
Tại phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật vào tháng 3-2023, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải bám sát tinh thần chỉ đạo, "đặt hàng" của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Từ đó, xác định phạm vi của quy định, nội hàm của kiểm soát quyền lực, cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, nhận diện các hành vi lạm quyền trong xây dựng pháp luật.
Lưu ý công tác xây dựng pháp luật có rất nhiều khâu, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có cả cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của chính sách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ có câu chuyện Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau để bảo đảm phòng chống được tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ về quy trình, thủ tục, qua đó cơ bản kiểm soát trong xây dựng pháp luật; cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan có thẩm quyền trong xây dựng pháp luật.
"Chúng ta đã có cơ chế để kiểm soát quyền lực của 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm bảo đảm công tác xây dựng thể chế bảo đảm công khai, minh bạch, vì lợi ích chung" - ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong quy trình xây dựng pháp luật, các cơ quan nhà nước cũng kiểm soát lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Có cơ quan soạn thảo, còn cơ quan khác thì thẩm định nội dung soạn thảo; trong quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến các cơ quan khác, lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách. Sau đó mới đến các bước thẩm tra, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) góp ý việc xây dựng bảng giá đất cần bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, trong quá trình đó, mỗi cơ quan đều có quyền bảo lưu quan điểm của mình, nên việc cơ quan này áp đặt quan điểm lên cơ quan khác là không thể thực hiện, vì quy trình rất chặt chẽ. Ngoài ra, nhân dân, báo chí cũng thể hiện vai trò kiểm soát, phản biện trong hoạt động xây dựng pháp luật, chính sách.
Đánh giá cao vai trò của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế phòng chống tham nhũng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng việc chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật luôn cần được Quốc hội đề cao. Quốc hội cần thể hiện được vai trò ngăn chặn, loại bỏ những yếu tố "cài cắm" lợi ích nhóm trong công tác làm chính sách.
Để làm được điều này, ông Lê Quang Thưởng kiến nghị cần chú trọng đến vai trò giám sát, phản biện của các tầng lớp nhân dân. Cần huy động sự tham gia và lấy ý kiến rộng rãi về dự án luật như vậy sẽ bảo đảm các chính sách được xây dựng trong dự án luật khách quan, toàn diện, có chất lượng, không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
"Như vừa qua, việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được dư luận đánh giá rất cao. Đây là dự án luật đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến mọi mặt xã hội, mọi người dân nên việc lấy ý kiến là rất cần thiết. Việc tiếp thu các ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật cũng là một cách làm công khai, minh bạch nhằm ngăn ngừa tham nhũng chính sách" - ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.
Bình luận (0)