hời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội luôn thể hiện rõ tinh thần đổi mới, cách làm sáng tạo, quyết liệt, trong đó tăng cường sự giám sát công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Giám sát là một trong 3 chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Quốc hội đã được hiến định. Đây là hoạt động mang tính chính trị, thể hiện ý chí của cử tri và là một trong những tiêu chí để đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quốc hội đổi mới hoạt động giám sát
Xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội luôn thể hiện rõ tinh thần đổi mới, cách làm sáng tạo, quyết liệt.
Quyền giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội được tăng cường thông qua các hoạt động xem xét báo cáo, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn. Hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH với phạm vi giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát; hầu hết các phiên họp có nội dung giám sát được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, bao gồm 63 Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ; được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi toàn quốc.
Trên cơ sở 580 báo cáo, văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng hệ thống phụ lục kèm theo khoảng 100.000 trang tài liệu, kết quả giám sát được phản ánh tại báo cáo đầy đủ (93 trang), 42 phụ lục, 30 báo cáo giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương với tổng số 1.685 trang.
Báo cáo giám sát nêu bật những kết quả quan trọng, khá toàn diện đã đạt được, chỉ rõ các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách làm của hoạt động giám sát, góp phần kiến tạo sự phát triển
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành. Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình và những thông tin, số liệu có liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, ban hành kế hoạch, giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục ngay các hạn chế theo kiến nghị của đoàn giám sát.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết "Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", trong đó yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí đã được phát hiện; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong báo cáo của đoàn giám sát.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường, thời gian qua Quốc hội đã quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, qua đó đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhiều nội dung liên quan việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu, trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời hoạt động giám sát chuyên đề thời gian qua tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, góp phần làm rõ nhiều vấn đề, đặc biệt là các hạn chế, yếu kém, vi phạm trong triển khai thi hành pháp luật về các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, nhiều chuyên đề có phạm vi rộng, bao trùm hoạt động kinh tế và đời sống xã hội đã được Quốc hội lựa chọn và tiến hành giám sát như việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ngừng thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định công tác giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới, hiệu quả, đưa Quốc hội ngày càng bám sát với thực tiễn đời sống, thực sự xứng tầm với vai trò, ý nghĩa của giám sát tối cao.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó có nhiều nội dung về công tác phòng chống tham nhũng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, qua thực tiễn 3 khóa tham gia Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV tiếp tục được nâng cao về chất lượng một cách toàn diện. Điều này thể hiện ngay từ việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát cũng như tính thời sự của vấn đề ở thời điểm giám sát và phương pháp giám sát cũng có nhiều đổi mới.
Đặc biệt, các nghị quyết và kết luận giám sát được chú trọng đầu tư nên có chất lượng, hiệu quả thực sự, sau giám sát có nhiều chuyển động rõ rệt. Và tổng thể những cải tiến, đổi mới trong hoạt động giám sát đã góp phần nâng cao chất lượng, tạo hiệu quả tốt cho công tác chung của Quốc hội.
Thẳng thắn nhìn vào những mặt chưa được đã chỉ ra trong hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh làm sao giám sát phải sát thực tiễn. Giám sát có rất nhiều hình thức, nhưng dân gian vẫn nói "Giám thì phải sát, mà sát thì phải giám". Song thực tế có lúc, có nơi, có việc này, việc kia, tính sâu sát trong hoạt động giám sát vẫn còn hạn chế và tính phản biện chưa cao. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nếu đi giám sát mà không có tính phản biện thì đi làm gì? Phản biện càng tốt thì càng kiến tạo phát triển, phục vụ cho trước mắt cũng như lâu dài. "Nếu mang tính xây dựng thì càng phản biện cao bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng
Tại hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần tăng cường giám sát của Quốc hội trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng triển khai các hoạt động giám sát như chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.
"Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH phải chú trọng nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh cần phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ban chỉ đạo cấp tỉnh, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát của Đảng và Nhà nước, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh giám sát chuyên đề, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, cử tri và nhân dân đều rất mong đợi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, một phương thức khác của hoạt động giám sát của Quốc hội. Việc Quốc hội không ngừng đổi mới hoạt động chất vấn đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Trao đổi với Phóng viên Báo Người Lao Động, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, đánh giá các phiên chất vấn diễn ra với không khí thẳng thắn. Ở một số vấn đề, các ĐBQH chưa hài lòng với phần trả lời, có thể dùng quyền tranh luận với người trả lời chất vấn để làm sáng tỏ vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Điều đó đã tạo ra không khí cởi mở, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn.
"Các đại biểu rất có trách nhiệm tại các kỳ họp, bởi những vấn đề đưa ra chất vấn đều được cử tri quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các bộ trưởng, trưởng ngành không né tránh, vòng vo trước những hạn chế, bất cập mà thẳng thắn nhìn nhận, nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp khắc phục" - bà Nga nhấn mạnh.
Bình luận (0)