img

Lại Đây Refill Station ra đời năm 2018, được xem là mô hình kinh doanh "làm đầy trở lại" đầu tiên tại Việt Nam và hiện trở thành "trạm dừng" yêu thích của những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm thiên nhiên, sống xanh bảo vệ môi trường

NHIỀU THÔNG ĐIỆP Ý NGHĨA

Ở Lại Đây Refill Station, đồ dùng sống xanh được bày trí đẹp như chính thông điệp nó mang lại cho môi trường.

Cửa hàng thứ 3 vừa mở cửa tại đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP HCM được xem là phiên bản nâng cấp của Lại Đây với không gian rộng mở hơn và nhấn mạnh yếu tố cộng đồng hơn.

Góc Refill (làm đầy trở lại) gồm hàng trăm bình thủy tinh xinh xắn chứa chất lỏng (dầu gội, gel tắm), chất rắn (bột giặt hữu cơ), đa dạng mùi hương, giảm hóa chất, lại tăng tính thiên nhiên hơn. Cửa hàng cho phép khách hàng mang theo chai lọ đến mua và quay trở lại làm đầy mỗi khi sử dụng hết.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 1.
Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 2.

Góc Reuse (tái sử dụng) xuất hiện những vật dụng sống xanh được làm từ những thứ tưởng chừng phải bỏ đi như: sơ mướp làm thành bông tắm; xoài chín cây mà thương lái không mua được tạo xà bông thơm ngát; bàn chải làm từ tre; hàng trăm chiếc ống hút bằng thủy tinh cỏ bàng; tampon bằng tơ tằm dễ phân hủy, cả băng vệ sinh có thể tái sử dụng nhiều lần cùng những chiếc giỏ xách do phụ nữ khuyết tật may bằng vải dư của khách sạn ở Hội An…


Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 3.

Không chỉ vậy, thông qua bản tin được bố trí ngay cửa ra vào, Lại Đây cung cấp thêm các địa chỉ sống xanh khác gần khu vực như cà phê tái chế, nơi bán quần áo cũ, địa chỉ sửa đồ, nơi có thể đến học về tái chế, ủ phân… tiếp nối thêm nhu cầu sống xanh bền vững của mọi người.

Khu vực mới và gây ấn tượng hơn cả là góc thư viện cộng đồng. Không chỉ tặng sách hướng dẫn tái chế thực phẩm và đồ dùng đã cũ, đây còn là nơi thu gom chai lọ, pin, ốp lưng điện thoại, hộp mực in, cọ mascara đã qua sử dụng để biến đổi công năng và nhận cả tóc để tặng cho bệnh nhân ung thư.

"Pin cũ, bút hết mực gửi đến trung tâm tái chế để biến thành bàn ghế, đồ nội thất. Ốp lưng điện thoại đổi lấy xà bông xoài. Riêng cọ mascara được gửi sang nước ngoài dùng mát xa, xoa dịu động vật hoang dã gặp nạn cháy rừng hoặc đang điều trị bệnh. Một hộp mực in cũ tương ứng với 5 cây xanh, khách hàng mang đến sẽ đổi được phiếu quà tặng còn Lại Đây sẽ phối hợp cùng đơn vị khác trồng cây gây rừng vào tháng 7" - chị Nguyễn Dạ Quyên, đồng sáng lập Lại Đây Refill Station, cho biết.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 4.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững

TRÁCH NHIỆM CỘNG ĐỒNG LÀ SỨ MỆNH


Cách đây 5 năm, khi biết về mục tiêu phát triển bền vững số 12 của Liên Hiệp Quốc là tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, chị Nguyễn Dạ Quyên nhận thấy mình cần phải giảm lượng bao bì nhựa trong phòng tắm, nhà bếp vì đã sử dụng quá nhiều. 

Chị hỏi các nhà sản xuất hóa mỹ phẩm và thực phẩm, liệu họ có cung cấp  sự lựa chọn theo cách tự mang theo đồ đựng, tận dụng bao bì cũ khi đi mua hàng. Chờ đợi 2 năm không có câu trả lời, chị nhận ra rằng không phải ai khác mà chính mình phải bắt đầu. Tháng 5-2018, Lại Đây Refill Station ra đời theo mô hình doanh nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, tức là cân đối giữa các yếu tố lợi nhuận, xã hội và môi trường.

Kinh doanh xanh bền vững là ủng hộ kinh tế địa phương, điều này còn làm giảm hành trình vận chuyển hàng hóa xa, tiết giảm nhiên liệu và khí thải môi trường. Vì thế, các sản phẩm refill ở Lại Đây đều từ các nhà sản xuất tại Việt Nam. 

Trong khi đó, các sản phẩm reuse là những sản phẩm đặc trưng và đòi hỏi tính kỹ thuật cao hơn nên có khoảng 20% sản phẩm nhập khẩu. Tuy vậy, có nhiều sản phẩm nhà sản xuất trong nước đã bắt đầu làm được như viên nén đánh răng, thay vì trước đây phải nhập từ Đức. Điều này cho thấy trong thời gian tới, càng có nhiều sản phẩm sống xanh được làm tại Việt Nam.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 6.

Lại Đây Refill Station mở được 3 trạm, là mô hình thí điểm ở 3 địa điểm khác nhau của TP HCM. Từ khi đặt dự án này, những người sáng lập Lại Đây nghĩ rằng sẽ có khoảng 1% dân số TP hưởng ứng phong trào sống xanh nhưng thực tế lại có một sự khác biệt rất lớn giữa tiếp nhận thông tin và hành động. 

Kết quả đạt được về kinh doanh của Lại Đây rất nhỏ nhoi so với các loại hình kinh doanh khác. Tuy nhiên, thành công lớn nhất của họ chính là việc tiên phong lan tỏa phương án mới cho việc mua sắm: Refill.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 7.


Sống xanh không đơn giản, sống xanh bền vững càng khó, đòi hỏi nhận thức, sự kiên trì và dám buông bỏ. Đó cũng chính là trở ngại lớn nhất khi duy trì hoạt động của Lại Đây Refill Station. Khi nền kinh tế hiện nay hướng theo sự tiện lợi, làm sao để thể thuyết phục được mọi người mua một cục xà bông làm bằng tay nhưng giá thành lại đắt gấp 4 lần cục so với xà bông họ đang có và bỏ ra 10.000 đồng để mua một chiếc ống hút tre mang theo lỉnh kỉnh mỗi ngày là điều không hề đơn giản. Hơn nữa, ảnh hưởng của Covid-19, doanh thu của Lại Đây giảm một nửa, mất đi lượng lớn khách quốc tế. Sự tác động lớn của dịch bệnh còn thể hiện trong chính thói quen tiêu dùng của khách hàng. Nếu trước đây, họ đến refill đầy một bình thì nay chỉ có thể mua nửa bình để tiết giảm chi phí.

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và quyết tâm hoàn thành sứ mệnh của mình, 3 năm qua, số lượng người theo lối sống xanh mà Lại Đây chào đón không tăng nhưng chất lượng đã nâng lên đáng kể. Trước đây, hầu hết khách hàng từ 27 tuổi trở lên là những người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình thì nay Lại Đây đón chào những khách hàng trẻ, kể cả các bé chỉ học cấp 1.

Từng thực hiện lối sống xanh nhiều năm khi sống ở Đài Loan (Trung Quốc), chị Hoàng Thị Bích Hồng (ngụ quận 7, TP HCM) cho biết việc duy trì lối sống này rất khó khi chị về Việt Nam. Ở đây việc sử dụng ống hút và túi ni lông rất thoải mái trong khi nước ngoài thực sự cần mới được cung cấp. Nhờ biết đến Lại Đây, chị như tìm thấy người đồng hành trong hành trình sống xanh của mình.

"Đến đây mua dầu gội, mình không cần mua chai lớn mà chỉ cần mang theo chai đựng đúng số lượng mình cần dùng, điều này cho phép mình có thể thử nhiều sản phẩm khác mà không gây lãng phí, lại giảm rác thải nhựa tại nhà" – chị Bích Hồng nói.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 8.

Chị Hoàng Thị Bích Hồng , khách hàng ngụ quận 7, TP HCM

Trên cả mô hình kinh doanh, Lại Đây Refill Station được xem là nơi minh chứng rằng người Việt Nam không hề bàng quan trước vấn đề ô nhiễm môi trường và dần nhận được sự đánh giá cao của các quốc gia khác.

Trực tiếp trải nghiệm sản phẩm xanh, Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM Vincent Floreani cho biết các giải pháp sống xanh mà Lại Đây Refill Station cung cấp chính là điều Chính phủ Pháp mong muốn về sự phát triển bền vững. Nơi đây không chỉ giúp tái chế sản phẩm, chống ô nhiễm mà còn hỗ trợ các hoạt động từ thiện.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 9.

Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM Vincent Floreani

Ngoài mua sắm sản phẩm xanh, người dân có thể đến Lại Đây lấy hạt giống miễn phí cũng như tham gia các trò chơi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tham gia workshop tái chế lại giấy cũ, biến vớ cũ thành đế lót nồi hay trải nghiệm mua một quyển sách chỉ thông qua các từ khóa mà bỏ qua quan niệm mua sách phải xem bìa đẹp.

Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 10.
Lại Đây Refill Station lan tỏa lối sống xanh bền vững - Ảnh 11.
Mỹ Uyên
Mỹ Uyên - Thanh Long
Quốc Thắng


Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên