img

Ông là Nguyễn Hồng Dân (tên thường gọi là Ba Dân), năm nay 51 tuổi, ở trọ tại khu vực 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy.

Ông Ba Dân sinh ra và lớn lên ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Lúc mới lọt lòng mẹ, Ba Dân là cậu bé kháu khỉnh, đáng yêu như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, niềm vui trọn vẹn của gia đình chưa được bao lâu thì năm lên 2 tuổi, cậu bé Dân mắc phải cơn sốt bại liệt, dẫn đến cái chân trái bị teo dần, liệt hẳn.

Nhìn đứa con trai tội nghiệp, cha mẹ ông chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Nhờ tình thương của mẹ cha và nghị lực phi thường của bản thân, cậu bé Ba Dân rồi cũng lớn khôn và cưới vợ, sinh con.

img
img
img

Cách nay khoảng 4 năm, những người con của ông Ba Dân lên Bình Dương làm công nhân. Sợ con cái buồn nơi xứ lạ, vợ chồng ông cũng khăn gói lên theo.

Tại đây, ông Ba Dân hàng ngày rong ruổi khắp các nẻo đường để bán từng tờ vé số mưu sinh. Những lần như thế, ông Ba Dân chứng kiến tận mắt không ít công nhân bị vấp phải "ổ voi", "ổ gà" dẫn đến té ngã, bị thương.

[eMagazine] Người đàn ông tật nguyền quái gở - Ảnh 2.

Cầm lòng không đậu, ông liền xuống xe đạp và vội tìm đất đá, xà bần bên vệ đường để vá tạm. Cứ thế, cái nghiệp vá đường đã "vướng" vào người đàn ông tật nguyền này lúc nào không biết.

[eMagazine] Người đàn ông tật nguyền quái gở - Ảnh 3.

Cuộc sống rày đây mai đó tiếp tục đưa đôi chân tật nguyền của ông Ba Dân rời xa tỉnh Bình Dương. Lần này, điểm đến của vợ chồng ông là TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ở cái thành phố ven biển miền Tây này, ông Ba Dân tiếp tục công việc bán vé số dạo để nuôi thân.

Trong những lần đạp xe đi bán qua tuyến đường Lâm Quang Ky, ông lại tận mắt chứng kiến không ít người dân thường xuyên bị vấp té "ổ gà" nên dành hẳn ít tiền lời từ số tiền bán vé số để mua chiếc xe ba gác nhỏ làm phương tiện chở xi măng, cát, đá đi vá đường. So với lúc ở Bình Dương, việc vá đường miễn phí của ông Ba Dân tại Rạch Giá không nhiều, bởi theo ông: "Tuyến đường đó giờ đã làm lộ mới nên không còn "ổ voi", "ổ gà" nữa. Vợ chồng tôi tiếp tục quay về Bình Thủy sinh sống khoảng một năm rưỡi nay". 

Quay về Bình Thủy, vợ chồng ông Ba Dân thuê nhà trọ khoảng 600.000 đồng/tháng. Hàng ngày, bất kể nắng hay mưa, ông Ba Dân vẫn còng lưng đạp xe đi bán vé số; còn vợ ông, bà Ngô Thị Phường (50 tuổi) thì ở nhà trọ bán những món hàng lặt vặt phục vụ công nhân và sinh viên nghèo.

Mỗi ngày đạp xe đi bán vé số, hễ thấy đoạn đường nào vừa xuất hiện "ổ gà", "ổ voi" thì ông Ba Dân liền "nghía" qua để hôm sau đạp xe ba gác đi mua cát, đá, xi măng rồi mang đến trám vào. Toàn bộ số vật liệu này đều được người đàn ông tật nguyền trích ra từ số tiền tích cóp sau những ngày đi bán vé số dạo.

"Mỗi ngày đi bán từ sáng sớm tới tối mịt, tôi kiếm cũng được khoảng 200.000 đồng. Nhờ bà vợ ở nhà bán lặt vặt nên cũng đủ nuôi sống 2 vợ chồng. Vì thế, số tiền bán vé dạo mỗi tháng được tôi dành ra khoảng 1 triệu đồng dùng vào việc vá đường"

Ông Ba Dân "khoe"

img
img
img

Có chứng kiến tận mắt việc vá đường mới thấy dù đôi chân tật nguyền nhưng sức khỏe của ông Ba Dân rất "dẻo". Ông làm hì hục, nhanh nhẹn chẳng khác nào một công nhân làm đường thực thụ.

Hỏi ra mới biết, trước đó ông Ba Dân chưa từng làm thợ hồ hay thợ cầu đường ngày nào, chỉ thấy người ta làm rồi bắt chước trộn cát, đá, xi măng làm theo. Hơn một năm qua, chỉ tính riêng ở địa bàn quận Bình Thủy, người đàn ông tật nguyền này đã vá cả ngàn "ổ voi", "ổ gà".

Thấy ông vá đường miễn phí, nhiều người dân cũng phụ góp sức bằng cách tưới nước, đứng ra điều tiết giao thông để công việc ông sớm hoàn thành.

Tuy nhiên, không ít người qua đường thấy vậy liền liếc mắt, trề môi cho rằng ông làm chuyện bao đồng, thân tật nguyền không lo. Những lúc như thế, ông Ba Dân chỉ biết nở nụ cười hiền hậu, cho qua chuyện. "Ở đời thì lúc nào cũng có người này, người kia. Ai cũng có quyền nhận xét cho riêng mình mà"- ông Ba Dân tâm sự.

Khi được hỏi về việc gia đình có ai phản đối chuyện ông đi vá đường miễn phí hay không, ông Ba Dân bảo rằng tuy cuộc sống trước giờ luôn thiếu trước, hụt sau nhưng vợ chồng ông lúc nào cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc. Bởi lẽ, cả 3 người con của vợ chồng ông giờ đã lập gia đình và đi làm ăn xa. Tất cả đều hiếu thảo với mẹ cha và đặc biệt là luôn động viên ông Ba Dân tiếp tục công việc vá đường mà ông đã chọn.

Ngồi trong căn phòng trọ bé xíu nhưng luôn đầy ắp tiếng cười của đôi vợ chồng già, bà Phường nhớ lại: "Hồi tôi tuổi đôi mươi, thấy ông ấy tật nguyền mà đến nhà xin cưới nên cha mẹ tôi lắc đầu, không chịu. Dần dần, thấy ổng chịu khó làm ăn, hiền lành, không nhậu nhẹt nên cha mẹ tôi đồng ý cho 2 đứa đến với nhau".

img
img

Bà Trần Thị Phương, một hộ dân sống ở đường Nguyễn Chí Thanh, phường Trà Nóc, nhận xét: "Tôi thấy ông ấy vá nhiều lần ở tuyến đường này rồi nhưng chưa biết tên. Công việc của ông ấy rất thánh thiện. Người ta lành lặn còn chưa làm được vậy, huống chi ông ấy tật nguyền, đi đứng khó khăn".

Ông Tăng Giang Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam phường Trà Nóc, cho rằng ông Ba Dân là tấm gương sáng ở địa phương. Bởi lẽ, dù bị khuyết tật và ở trọ nhưng với tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội nên ông Ba Dân sẵn sàng bỏ tiền tích cóp từ vệc đi bán vé số để dùng vào việc vá đường miễn phí, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Đây là nghĩa cử rất cao đẹp, là một tấm gương điển hình người tốt, việc tốt cho quê hương Trà Nóc.

Khi được hỏi vá đường miễn phí đến khi nào thì dừng hẳn để lo cho tuổi già, ông Ba Dân nở nụ cười móm vì hàm răng.. rụng gần hết. Ông bảo: "Tôi cảm thấy rất vui mỗi khi vá được một "ổ voi", "ổ gà" nào đó. Chỉ mong sức khỏe luôn mạnh giỏi để vững vàng đi vá đường tiếp tục. Đấy là nguyện vọng duy nhất của tôi".

[eMagazine] Người đàn ông tật nguyền quái gở - Ảnh 9.


CÔNG TUẤN – NHẬT HÀO- TẤN NGUYÊN
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên