img

Nằm ngay cửa ngõ ra vào của TP HCM, gác chắn Bình Triệu (Km1718 + 511) là nơi chị Trần Thị Hoa và 8 nữ đồng nghiệp làm việc. Công việc hằng ngày của những nữ gác chắn tại đây là trực điện thoại, ghi chép thông tin về tàu, đón tàu, đóng mở chắn để việc lưu thông của tàu và các phương tiện khác diễn ra an toàn.

img
img

Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 2.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và chị Hoa thỉnh thoảng lại bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại. Chuông reo, chị Hoa không cố nói cho hết câu với tôi mà liền nhấc máy: "Alo, Bình Triệu nghe ạ… Vâng ạ". Đặt máy xuống, chị vội vội ghi ghi, chép chép để tránh "rơi rớt" thông tin, vì nghề này đòi hỏi phải "chính xác từng phút, từng giây".

img
img

Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 4.

Đang trò chuyện với tôi, đúng 20 giờ 30 phút, không ai bảo ai, chị Hoa và 2 đồng nghiệp cùng ca trực mặc áo dạ quang, đội nón, đeo còi, cầm đèn rời trạm để thực hiện nhiệm vụ đón tàu. Các chị thoăn thoắt bước sang đường, len lỏi qua từng chiếc xe đang cố vượt qua trước khi chắn được đóng lại. Một hồi còi dài vang lên, chắn được từ từ đóng lại. Mặc dù chắn di chuyển tự động bằng hệ thống điện nhưng các chị vẫn phải theo sát, chắn chạy đến đâu các chị đi theo đến đó. Chắn đóng càng hẹp thì xe máy càng cố lách thật nhanh qua chắn, lao thẳng về phía các chị đang đứng làm nhiệm vụ.

Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 5.

Tàu đi qua, chắn dần dần mở ra, xe cộ lưu thông trở lại thì lúc ấy các chị mới thở phào nhẹ nhõm. Chị Hoa kể: “Dân mình cũng lạ lắm, còi báo hú càng to, chắn đóng lại càng hẹp là người ta càng liều mình lao qua, nhiều hôm chắn đóng lại rồi mà có người đi bộ còn luồn lách để băng sang đường”.

Việc bị quát mắng, đe dọa, nghe những lời xúc phạm từ người đi đường đã trở thành chuyện như cơm bữa với các chị. Đóng chắn cũng bị chửi, nhắc nhở người đi đường cũng bị chửi, đợi tàu lâu quá cũng bị chửi… "Mình chỉ làm đúng theo quy định để đảm bảo an toàn cho người dân, vậy mà cũng bị chửi. Mà người ta chửi thì mình cũng chỉ biết nghe thôi chứ không dám làm gì, nghe riết rồi quen", chị Hoa kể.

img
img

Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 7.

Qua khung cửa sổ, chị Hoa nhìn dòng người đang tấp nập ngược xuôi, tâm sự: "Nghề của chị có vất vả bao nhiêu đi chăng nữa thì làm hoài cũng quen, chỉ mong dân mình ý thức hơn để ai cũng được an toàn. Với những người gác chắn như tụi chị, miễn sao tàu qua an toàn là vui và hạnh phúc lắm rồi".

Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 8.
Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 9.

Với 15 năm trong nghề, chị Đoàn Thị Hằng đã không đếm hết bao nhiêu lần bị xe lao trúng khi đang làm nhiệm vụ. "Cũng may là mình chỉ bị nhẹ, nếu không là bỏ nghề từ lâu rồi". Cũng theo chị, đã có không ít trường hợp xe lao qua và đâm vào chắn, nếu như chị không ghi lại được biển số của xe vi phạm để bắt đền thì chị phải chịu mọi chi phí sửa chữa chắn. "Bây giờ đã trang bị camera giám sát nên tụi chị không sợ mất tiền oan nữa, xe nào làm hỏng thì chỉ cần trích xuất camera rồi đưa cho công an làm việc, thế là xong!", chị Hằng chia sẻ.

Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 10.
img
img


Những bông hoa bên rào chắn xe lửa - Ảnh 12.

Vào nghề từ "thời con gái", chị Dương Thị Thanh Tâm (28 tuổi) đến nay đã có 6 năm kinh nghiệm trong nghề. Nhớ về những ngày đầu làm nữ gác chắn, chị Tâm kể: "Lúc đó rất nhiều người khuyên mình không nên làm, ai cũng bảo con gái mà làm nghề này thì nhanh tàn lắm".

Bỏ những lời khuyên ngoài tai, chị Tâm chọn và theo nghề cho đến tận bây giờ. "Lúc đó vào làm rồi mới thấy đúng là… nhanh tàn thật. Làm cực quá mà: thức đêm liên tục, nắng mưa gì cũng phơi mặt ngoài đường, riết rồi già chát" - chị Tâm bộc bạch.

Khi được hỏi nếu thấy vất vả quá, có bao giờ chị có ý định nghỉ việc chưa thì chị Tâm trả lời: "Nhiều lúc cũng muốn nghỉ để chuyển sang làm nghề khác, nhưng mà cứ ráng, ráng hoài ráng hoài, ráng mãi cũng được 6 năm rồi".

img
img
img
img

Càng về khuya, công việc của các chị càng trở nên nặng nhọc và áp lực. Đêm tối vắng vẻ, căn phòng nhỏ chưa đầy 10 mét vuông của các chị đã nhiều lần phải đón tiếp những vị khách "không mời mà đến". Chị Hoa kể: "Lâu lâu có đàn ông say rượu đến gõ cửa làm phiền, sợ lắm! Dọc đường sắt còn có cả con nghiện, tụi chị chỉ biết làm lơ chứ không dám làm gì, chỉ có khi tàu gần đến mà vẫn chưa thấy họ đi thì mình mới ra nhắc nhở".

Cạnh những chắn sắt đã hoen gỉ vì thời gian, giữa dòng xe tấp nập ngược xuôi, vóc dáng nhỏ bé của các chị hiện lên như những bông hoa giữa đời thường. Những bông hoa ấy rực rỡ sắc màu bởi nó khoác lên mình màu của những hy sinh thầm lặng, màu của ý thức trách nhiệm trong công việc, màu của những nhọc nhằn gian truân nhưng vẫn vươn lên để vượt qua khó khăn, chiến thắng những áp lực.


THỰC HIỆN: LÊ VĨNH 


Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên