img

Phần 1: Những chuyến tuần tra đầu tiên

(NLĐO)- Sang Nam Sudan với cương vị nữ quan sát viên quân sự thứ 2 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc từ tháng 9-2021, đến nay Trung tá Vũ Thị Kim Oanh vẫn chưa quên chuyến tuần tra đầu tiên trên dải đất đang chìm trong xung đột.

Tại Phái bộ gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc (GGHB LHQ) ở Cộng hòa Nam Sudan (UNMISS), Trung tá Vũ Thị Kim Oanh là quan sát viên quân sự (UNMOS), thực hiện sứ mệnh gìn giữ hoà bình LHQ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam giao phó.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh chia sẻ mặc dù trong nước đã được huấn luyện và trang bị những kiến thức cơ bản về hoạt động GGHB LHQ nhưng khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ tại thực địa thì quả là một thách thức không nhỏ đối với một quan sát viên quân sự, nhất là với các chị em.

Những chuyến tuần tra đáng nhớ của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở châu Phi - Ảnh 1.

Trung tá Oanh trong một chuyến tuần tra. Ảnh: NVCC

Nhiệm vụ chính của quan sát viên quân sự là thực hiện các cuộc tuần tra: TP (tuần tra trong thành phố); SDP (tuần tra ngắn ngày) và LDP (tuần tra dài ngày). Ngay trong tháng đầu tiên, chị đã được giao nhiệm vụ thực hiện 3 chuyến tuần tra (đầy đủ các loại kể trên). Tuy nhiên, với chị, trải nghiệm đầu tiên luôn là điều thú vị nhất, mang lại nhiều ấn tượng nhất, như người ta thường nói vạn sự khởi đầu nan.

Hôm đó, vào ngày Chủ nhật (3-10-2021), sau khi hoàn thành buổi kiểm tra phương tiện đi lại diễn ra vào sáng Chủ nhật hàng tuần, Trung tá Oanh cùng một đồng nghiệp người Namibia thực hiện chuyến tuần tra trong thành phố. Vì là lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ nên chị cơ bản đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tuy nhiên, trước giờ đi 30 phút, Trưởng phòng (SMO) thông báo sẽ đi cùng đội tuần tra.

Gánh nặng tâm lý bắt đầu ập đến, một loạt câu hỏi được đặt ra... điều lo lắng nhất vẫn là rào cản về ngôn ngữ. Trưởng phòng là người Úc nói tiếng Anh rất nhanh, có lúc còn nói quá nhỏ, trong khi trung tá Oanh mới đến, mới tiếp xúc, chỉ lo không hiểu ông ấy nói gì để thực hiện, hoặc hiểu và thực hiện sai mệnh lệnh... rồi nhiệm vụ đàm phán khi qua các check-points (chốt kiểm soát) thì như thế nào..., đồng nghiệp người Namibia thì nói quá khó nghe... cứ thế mà không có câu trả lời.

Rồi cũng đến lúc lên đường, 10 giờ bắt đầu xuất phát, qua đón Trưởng phòng, tay bắt mặt mừng, chào hỏi hồ hởi, "chém gió" là rất may mắn và vui khi lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ lại có SMO đi cùng, tuy nhiên trong thâm tâm chị rất lo lắng.

Chuyến đi xuất phát từ căn cứ Tomping hướng tới Sở Chỉ huy và khu vực Durubi. Rất may, Trưởng phòng có cuộc họp tại Sở chỉ huy nên sau đó chỉ có trung tá Oanh và đồng nghiệp tiếp tục thực hiện chuyến đi.

Mặc dù lần đầu thử sức tại địa bàn mới nhưng trung tá Oanh vẫn mạnh dạn xin được lái xe. Đoạn đường lên Durubi là đường đất, không khó đi lắm nhưng phải qua một số chợ tự phát, gia súc được thả tự do trên đường. Đây là một thách thức vì đi xe không được bấm còi, mà người dân thì cứ tự nhiên như đường nhà mình, hơn nữa, nếu đụng chết một con dê hoặc cừu hoặc bò… sẽ phải đền tới 1 đến 2.000 USD, thậm chí làm bắn nước lên người đi đường cũng còn gây ra nhiều phiền toái.

Chuyến tuần tra chỉ phải qua một chốt kiểm soát của cảnh sát địa phương. Đoàn vào gặp trực ban để xin thông hành cũng như nắm bắt tình hình khu vực. Trực ban là một thanh niên người bản địa. Trung tá Oanh đang lo không biết phải đàm phán như thế nào. Sau vài phút chào hỏi, đồng nghiệp của tôi hỏi về tình hình an ninh địa bàn, cuộc sống của người dân, tình hình phòng chống Covid tại khu vực... Nhìn chung mọi vấn đề đều ổn định và diễn ra như thường lệ.

"Khi cho chúng tôi biết tình hình xong, người thanh niên nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm, chỉ vào lá cờ trên áo tôi, cười và hỏi: Bạn từ Việt Nam tới? Lúc đó mọi lo lắng của tôi lúc đầu đã tan biến. Tôi trả lời: đúng thế và hỏi lại: Bạn cũng biết Việt Nam à? Đã bao giờ bạn đến Việt Nam chưa?... Và cuộc nói chuyện giữa tôi và người thanh niên kia về Việt Nam diễn ra rất vui vẻ, cởi mở"- trung tá Oanh kể.

Người thanh niên nói biết Việt Nam qua các Video trên YouTube, trên các trang mạng. Họ xem các phim về cuộc chiến tranh của người Việt Nam, họ rất khâm phục Việt Nam và biết Việt Nam có bề dày lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, và rất ấn tượng với cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Họ thấy người Việt Nam rất dũng cảm, kiên cường và đã giành được độc lập dân tộc. Họ nói họ phải học tập Việt Nam về việc đó và gặp người Việt Nam là họ rất vui.

"Khi nghe được những điều người thanh niên kia nói riêng và người dân Nam Sudan nói chung biết về Việt Nam, tôi thực sự cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam"- trung tá Oanh chia sẻ.

"Chào người thanh niên ra về với một tâm trạng thật phấn khởi và dễ chịu. Anh ta đứng lên bắt tay chào và tiễn chúng tôi ra cửa. Ôi chao, trước mặt tôi là một thanh niên Nam Sudan nước da đen nhánh như than và cao lênh khênh, đi cạnh tôi cứ phải ngước mặt lên để nói chuyện. Tôi nói với anh ta: các bạn quả không hổ danh là tộc người có chiều cao cao nhất thế giới. Anh ta cười và nói: "Còn là người đen nhất thế giới nữa". Cũng là một cái nhất của đất nước châu Phi này. Cái cảm giác qua được một check-point với niềm tự hào dân tộc quả thật là thú vị"- trung tá Oanh cười.

Trên đường trở về căn cứ, chị cũng đã có dịp chia sẻ điều này với Trưởng phòng và được Trưởng phòng chia sẻ một số kinh nghiệm cần đi tuần trên cương vị quan sát viên quân sự cũng như khi đàm phán qua các chốt kiểm soát.

Khi cả đoàn trở về tới căn cứ đã ngoài 14 giờ chiều và báo cáo đã được chuyển đến các địa chỉ liên quan. Với nhiều cung bậc cảm xúc và học hỏi được nhiều điều thú vị từ chuyến tuần tra đầu tiên đã trở thành kinh nghiệm đầu tiên của một nữ quan sát viên quân sự LHQ tại địa bàn Nam Sudan xa xôi.

Những trải nghiệm thú vị của "tân binh"

Ấn tượng của chuyến đi tuần đầu tiên (3-10-2021) vừa qua đi thì ngay sau đó, ngày 5-10, lúc 9 giờ 45 phút, sau khi kết thúc buổi họp sáng như thường lệ, anh bạn đồng nghiệp người Đức, tên Frank gọi trung tá Oanh cho một buổi tuần tra trong thành phố không có kế hoạch trước.

Và thế là chẳng kịp suy nghĩ gì, chị xách vội ba lô vừa đi vừa chạy theo anh người Đức cao lừng lững bước đi rõ nhanh. Cùng đi hôm đó còn có thêm 2 bạn người Bangladesh vừa đến hôm trước.

Trên đường ra bãi đậu xe có một BanCanteen (Căng-tin của người Bangladesh), Frank gọi chúng tôi vào và mua đưa cho mỗi người một thanh bánh giống như thanh Orion của Việt Nam. "Mình từ chối nhận vì đã đem theo mấy cái kẹo trong balo nhưng Frank không đồng ý (mình hiểu người phương Tây họ rất rõ ràng) nên đã đề nghị trả tiền Frank. Frank nói tôi tặng bạn. Đây là thứ cần cho bạn khi đi đường. Nhận đi. Tôi nhận rồi cảm ơn và cũng nói với Frank rằng đây chắc là bài học đầu tiên cho buổi đi tuần hôm nay. Frank cười và nói đúng là như vậy"- trung tá Oanh kể.

Cả nhóm bắt đầu khởi hành từ căn cứ Tomping như thường lệ và hướng lên Sở chỉ huy. Frank lái xe, hai đồng nghiệp người Bangladesh ngồi ghế sau, trung tá Oanh ngồi ghế trước.

Lúc đầu chị còn chưa định hình được là đi đâu, làm gì nên đoán chắc lại đi loanh quanh thành phố rồi về. Ai dè, ngày hôm đó được một phen nhớ đời.

Frank đưa nhóm vào một phòng tại căn cứ Sở chỉ huy - thực ra trên đường đi Frank có nói về mục đích chuyến tuần tra, nhưng vì mới, Frank nói cũng rất nhanh nên chị nghe cũng câu được câu chăng, không hiểu hết. Chị tự nhủ kệ thôi, mình mới nên cứ theo, bảo gì làm thế.

Khi đó, nhóm của Trung tá Oanh vào văn phòng gặp trực ban người Ấn Độ để nhờ in bản đồ của thủ đô Juba đồng thời là thành phố lớn nhất Nam Sudan. "Cứ nghĩ thế là xong, tôi cầm bản đồ lên xe ngồi, nhưng Frank gọi tôi lại, nói đem bản đồ ra trải lên nắp thùng xe và chỉ đường để cậu ta lái xe tới WFH. Trời ơi, chết tôi rồi, cái vụ chỉ đường là tôi dốt nhất, tôi đành nói vui: Được thôi nhưng tôi chỉ sai thì không phải lỗi của tôi nhé vì tôi không biết đường…"- trung tá Oanh kể.

Những chuyến tuần tra đáng nhớ của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở châu Phi - Ảnh 2.

Bản đồ thủ đô Juba. Ảnh: NVCC

Và thế là cả đoàn tiếp tục lên đường, đến các ngã ba, ngã tư, thực sự rất khó xác định vì trong bản đồ với ngoài thực địa có sự chênh lệch, phát sinh nhiều nhánh nhỏ…

Thấy chỗ nào khó phát hiện và không có dấu hiệu rõ ràng, trung tá Oanh bèn hỏi Frank nhưng anh ta chỉ cười và nói: "Sorry, tôi không biết, bạn là chỉ huy, tôi chỉ là lái xe.

"Lúc đó, tôi thực sự lúng túng, phải căng hết mắt nhìn đường, bản đồ rồi phán đoán. Tôi nhớ trên đoạn đường đi, chỉ có hai lần tôi không phát hiện ra đường nên đã để đi quá lối rẽ nhưng rất may sau đó kịp thời nhận ra và yêu cầu Frank quay xe lại. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới được đích. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự chuyên nghiệp. Frank rất thông thuộc tuyến đường này và khi biết tôi chỉ sai anh ta cũng không nói, hỏi mấy cũng chỉ một câu "Sorry…". Qua đây có thể thấy sự tuân thủ nguyên tắc của họ rất cao. Họ luyện cho mình tính chuyên nghiệp, sự tập trung và đầu óc phán đoán"- Trung tá Oanh kể.

Một điều đáng nói nữa là tuyến đường khá xấu, xe phải cài cầu liên tục để qua các hố "voi" chứ không phải ổ gà nữa. Trung tá Oanh nhận thấy Frank khá vất vả với chúng tôi dưới tiết trời nắng cháy da vào giữa buổi trưa. Cả đoàn về tới căn cứ Tomping lúc đó đã gần 3 giờ chiều. Ái ngại quá nên chị đề nghị cảm ơn Frank bằng một bữa tối có mấy món ăn Việt Nam. Frank vui vẻ nhận lời và họ có một buổi tối vừa ăn vừa rút kinh nghiệm, nói chuyện về nhiệm vụ và các kỹ năng cơ bản của các quan sát viên quân sự.

Thực sự là một kinh nghiệm đáng nhớ trong hành trang của một quan sát viên quân sự LHQ.

Chuyến đi tuần trong ngày 20-10

Đúng ngày 20-10, khi tại Việt Nam đang cờ hoa tưng bừng của ngày truyền thống thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, thì tại vùng đất xa xôi, các quan sát viên quân sự vẫn thực hiện đều đặn các chuyến tuần tra. Trung tá Oanh cũng không ngoại lệ.

Đó là chuyến tuần tra tới Jobor - một ngôi làng nhỏ thuộc Bang Mangalla cách Thủ đô Juba chừng 50 km.

Chuyến đi bắt đầu lúc 6 giờ sáng, xuất phát từ căn cứ Tomping. Đoàn đi tuần nhanh chóng qua được 5 chốt kiểm soát thì đến được Jobor - một ngôi làng nhỏ nằm hai bên đường quốc lộ. Đoàn xuống gặp trưởng làng và một số nhà lãnh đạo cộng đồng tại Jobor.

Những chuyến tuần tra đáng nhớ của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở châu Phi - Ảnh 3.

Trung tá Oanh cùng các đồng nghiệp làm việc với các nhân vật quan trọng của làng Jobor. Ảnh: NVCC

Sau 1 giờ nói chuyện, đoàn được thông tin về tình hình an ninh của ngôi làng, về mối quan hệ quân dân ở đây. Cơ bản là tốt. Họ chỉ phàn nàn về việc thiếu thốn mọi thứ từ đồ ăn, nước uống, y tế, cảnh sát… vì là quan sát viên quân sự nên đoàn ghi nhận để về báo cáo.

Điều gây ấn tượng là lúc đầu khi vừa gặp họ, trung tá Oanh khá lo lắng, chỉ lo không hiểu sẽ làm sai qui định của UNMISS, nhưng mọi việc đều khá thuận lợi. Trưởng làng là một người không nói được tiếng Anh nên ông ấy cho gọi một phiên dịch tới, là một thanh niên 24 tuổi. Cuộc nói chuyện diễn ra khá nghiêm túc. Trưởng làng đã rất xúc động khi nói về 2 người con trai của ông ta bị bắt cóc cách đây nhiều năm. Trung tá Oanh thấy rõ sự tuyệt vọng trong mắt ông ta.

Đang nói chuyện thì cậu con trai bé xíu của người phiên dịch đến quấy khóc, la ó, rất khó để nghe. Rất may chị mình đem đi ít bánh kẹo nên có cái để dỗ cậu bé (tuy nhiên phải xin phép để cho bánh kẹo vì quy định của UNMISS là không được).

img
img

Trung tá Oanh cùng "phiên dịch" tại Jobor, bang Trung Xích Đạo, Nam Sudan. Ảnh: NVCC

Rồi đến lượt trung tá Oanh giới thiệu về mình. Vị trưởng làng không biết về Việt Nam nhưng một số người đến cùng ông ấy thì lại biết khá nhiều về Việt Nam. Đang ở nơi đất khách quê người mà có người biết và nói về đất nước của mình khiến trung tá Oanh cảm thấy gần gũi và xúc động. Tự hào nhất là họ biết về Việt Nam qua truyền thống lịch sử đấu tranh giành độc hào hùng của dân tộc.

Đến lúc phải chia tay, chị xin phép đc chụp mấy tấm hình thì họ đồng ý. Tuy nhiên, vị trưởng làng đề nghị chờ một chút và khoảng 15 phút sau, ông đã xuất hiện trong bộ trang phục truyền thống để tiếp khách. "Chỉ thế thôi cũng làm mình cảm động và chứng tỏ họ rất tin tưởng và tôn trọng Đoàn"- trung tá Oanh kể.

"Vì là chuyến đi tuần tra ngắn ngày đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên tôi không đem theo gì, chỉ có mấy sticker cờ Việt Nam trong túi nên lấy ra tặng trưởng làng. Tôi nói với trưởng làng đây là cờ Tổ quốc tôi, món quà nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa. Ông giữ nó để biết rằng chúng tôi - người Việt Nam đã đặt chân tới ngôi làng của các ông và luôn mong muốn hoà bình sẽ mãi ở nơi đây cũng như cuộc sống của dân làng ông ngày càng thịnh vượng"- Trung tá Oanh chia sẻ.

Những chuyến tuần tra đáng nhớ của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở châu Phi - Ảnh 5.

Trung tá Oanh tặng trưởng làng sticker cờ Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trưởng làng tiễn đoàn ra tận phía ngoài. Lên xe đi rồi quay lại vẫn thấy dáng người gầy gò, nhỏ bé của vị trưởng làng còn đứng đó đến khi đoàn xe đi khuất.

Chuyến đi này cũng rất tuyệt vời vì đồng nghiệp là người nhiều kinh nghiệm nên đã hướng dẫn trung tá Oanh rất chi tiết từ cách ghi lại các tọa độ trên máy bộ đàm; cách báo cáo về tổ chức qua từng chặng đường…

Những chuyến tuần tra đáng nhớ của nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở châu Phi - Ảnh 6.

Trung tá Oanh cùng các đồng nghiệp chụp ảnh lưu niệm với các nhân vật quan trọng của làng Jobor. Ảnh: NVCC

"Kết lại một ngày Phụ nữ Việt Nam tại Nam Sudan không hoa không quà nhưng lại là đầy cảm xúc và trải nghiệm. Đúng là "đi một ngày đàng, học một sàng khôn" - Trung tá Oanh viết trong cuốn nhật ký tuần tra.

Dương Ngọc

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên