img
img

iệc ông Lê Minh Hoan đứng đầu trong tốp 10 "Bí thư Tỉnh ủy của năm 2017" được đông đảo người dân Đồng Tháp vui mừng, phấn khởi nhưng họ không lấy làm bất ngờ. Bởi lẽ, suốt thời gian qua, vị Bí thư Tỉnh ủy cùng với những lãnh đạo của tỉnh đã góp phần đưa Đồng Tháp từ một tỉnh thuần nông, điều kiện tự nhiên không ưu đãi nhiều trở thành địa phương luôn được xếp vào nhóm đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính.

Ông “Bí thư Tỉnh ủy của năm”: Làm lãnh đạo không phải để áp đặt người khác! - Ảnh 2.

Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018, Báo Người Lao Động có cuộc trò chuyện cùng ông Lê Minh Hoan xung quanh danh hiệu "Bí thư Tỉnh ủy của năm" và những trăn trở, khát vọng của lãnh đạo tỉnh, của người dân vùng đất sen hồng trước những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập và phát triển.

img
img
img

Nói về cảm xúc khi đón nhận danh hiệu "Bí thư Tỉnh ủy của năm", ông Lê Minh Hoan cho rằng: Tôi hay nói mình hãy làm những gì mà mình thấy hợp lý, mang lại giá trị gì đó cho cộng đồng, cho người dân thì đấy mới là điều tôi cảm thấy vui nhất chứ không suy nghĩ tới danh hiệu. Tuy nhiên, cũng thừa nhận một điều rằng danh hiệu này cũng góp phần cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân và kể cả cán bộ, công chức trong hệ thống thấy rằng đó là một "câu chuyện" mà nó có thể truyền cảm hứng cho mọi người. Giá trị nó mang lại là như thế chứ không phải cá nhân một người nào khác. Nó giống như sự truyền cảm hứng của xã hội cho người lãnh đạo. Ngược lại, từ hình ảnh người lãnh đạo đó sẽ truyền cảm hứng lại cho xã hội. Rất vui là kể từ danh hiệu này, nhiều cộng đồng DN nhận thấy rằng họ có niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo của tỉnh nhà. Từ đó DN mạnh dạn đầu tư hơn, hay nhiều bạn trẻ thấy rằng với tư duy của lãnh đạo như thế thì phong trào khởi nghiệp sẽ mạnh mẽ hơn; hoặc người nông dân nhận thấy được niềm tin để họ thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nói chung, tôi làm không phải vì danh hiệu. Cái cốt lõi là thông qua việc làm ấy sẽ mang lại giá trị cho cộng đồng, cho người dân để Đồng Tháp chứng minh rằng cần phải thay đổi trong cách nghĩ, cách làm.

Ông “Bí thư Tỉnh ủy của năm”: Làm lãnh đạo không phải để áp đặt người khác! - Ảnh 4.

Nói về những dấu ấn của mình trong thời gian qua để góp phần đạt được danh hiệu "Bí thư Tỉnh ủy của năm", ông Lê Minh Hoan cho rằng: Thứ nhất, ông phải đi nhiều, thậm chí phải đi tận cùng những vấn đề trong cuộc sống, phải sâu sát với cơ sở để tiếp xúc được nhiều thành phần trong xã hội. "Mình phải vừa lắng nghe, vừa chia sẻ, vừa tương tác để thông qua đó kết nối mọi người lại với nhau. Chẳng hạn, mình gắn kết những người nông dân sản xuất trong cùng một ngành nghề lại với nhau để họ hợp tác nhau trong sản xuất. Bởi vì cái "bẫy" của nông dân mình là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên phải kết nối họ lại với nhau" – ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Theo "Bí thư Tỉnh ủy của năm", kết nối nông dân lại với nhau thông qua những hội quán của nông dân cùng ngành nghề. Đây là những mô hình đang mang lại  nhiều hiệu quả, được các lãnh đạo của Trung ương đến tham quan và nhận xét đây là những sáng kiến rất mới, bởi người nông dân họ tự nguyện, tự quản, tự xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề của họ, cuộc sống của họ. Nó khác những cái trước nay là hay áp đặt từ ý chí của lãnh đạo xuống cộng đồng xã hội hay người dân. Bây giờ, lãnh đạo chỉ khơi gợi để tự người dân thay đổi, quyết định.

img
img

Thứ hai, theo ông Lê Minh Hoan, ông và những lãnh đạo tỉnh đã kết nối cộng đồng DN lại với nhau. Bởi lẽ, cộng đồng DN Việt vốn có tính hợp tác không cao lắm. Do đó, những DN cùng ngành nghề khi kết nối vào một nhóm hay một hội nào đó thì họ có nơi sinh hoạt, chia sẻ nhằm bớt đi "cái tôi" của mình. Thứ ba là kết nối các chuyên gia từ địa phương khác đến với Đồng Tháp để góp phần phát triển thêm tư duy, tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh nhà. "Nói chung, làm lãnh đạo thì mình truyền cảm hứng cho xã hội, kết nối xã hội để làm sao kích hoạt mọi người làm chứ không phải làm lãnh đạo để áp đặt. Ở Đồng Tháp, có rất nhiều mô hình rất năng động, khi được kích hoạt thì tự người dân phát huy được tính sáng tạo rất cao" – ông Lê Minh Hoan cho biết.

Trong các mô hình hội quán ở Đồng Tháp thì mô hình "Cà phê với doanh nhân – doanh nghiệp" trong khuôn viên UBND tỉnh được nhiều người đánh giá cao. Trong một chuyến công tác mới đây tại Đồng Tháp, sau khi tham quan mô hình này và được trò chuyện cùng với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione đã tỏ ra thích thú bởi không khí thân thiện, cởi mở tại quán cà phê đặc biệt này. "Đây là mô hình thể hiện được sự cầu thị, sự chân tình của lãnh đạo địa phương khi họ biết lắng nghe, biết tiếp thu ý kiến của người dân và DN. Khi về Hà Nội, tôi sẽ áp dụng mô hình này tại văn phòng làm việc của mình và sẽ giới thiệu để các cơ quan khác tham quan, học tập mô hình "Cà phê với doanh nhân – doanh nghiệp" của tỉnh Đồng Tháp", ông Ousmane Dione nhận xét.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp đã có khoảng 25 hội quán của nông dân trên khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Minh Hoan rất nhiều lần mời các chuyên gia, nhà khoa học và DN đến các hội quán này để cùng bàn luận, tìm giải pháp nâng cao năng suất, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cho bà con hội viên.

Nói về mô hình cà phê đặc biệt này, "Bí thư Tỉnh ủy của năm" cho biết thật ra nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa và mục tiêu của tỉnh đặt ra nên đôi khi dùng từ ngữ "triết lý" quá lớn. Những địa phương khác cũng nghĩ rằng đây là chỗ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN. Thật ra đó chỉ là một phần thôi, vì thực chất đây là chỗ để chia sẻ, tương tác nhiều hơn. DN đôi lúc có khó khăn nên khi gặp nhau tại đây với sự có mặt của đại diện các sở, ngành của tỉnh để các bên cùng nhau giải quyết. Bởi lẽ, nhiều khi phải hiểu hết những giá trị, những khó khăn của DN để các sở, ngành thấy mà định hướng cho DN; đồng thời các sở, ngành thấy được rằng khó khăn của DN cũng là khó khăn của nền kinh tế tỉnh nhà. Họ không chỉ giải quyết cho DN mà còn giải quyết cho chính mình. Ngoài ra, thông qua mô hình này, một số DN tuy không gặp khó khăn gì nhưng khi đi ngang qua thì ghé vào vì biết buổi sáng có lãnh đạo tỉnh ngồi ở quán cà phê đó. "DN vào để chia sẻ những dự tính mà sắp tới họ sẽ làm. Mình phải lắng nghe và đồng hành với họ vì ý tưởng của người này sẽ dẫn ra ý tưởng của người kia, ý tưởng của DN đôi khi cũng nhắc cho ý tưởng lãnh đạo tỉnh. Thông qua đó, lãnh đạo tỉnh cũng chia sẻ lại những dự tính của tỉnh nhà. Hay nói cách khác, đây là nơi để tương tác giữa DN với lãnh đạo tỉnh, với các sở, ngành của tỉnh" – ông Lê Minh Hoan giải thích.

Theo ông Lê Minh Hoan, giá trị DN mang lại không chỉ là sự đóng góp của DN cho sự tăng trưởng của địa phương mà còn ở việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, chăm lo an sinh xã hội cho tỉnh nhà. Tất cả những đóng góp này đều được tỉnh đón nhận một cách trân trọng. Tuy nhiên, quý nhất là tư duy kinh tế của DN. "Mình kéo thị trường lại gần với người lãnh đạo, bởi thị trường nằm ở DN. Chính những thông tin thị trường mà lãnh đạo tỉnh nhận lại nó có giá trị cao hơn rất nhiều giá trị vật chất mà DN mang lại cho địa phương. Hay nói cách khác, nó giúp cho lãnh đạo tỉnh mở rộng tầm nhìn hơn. Vì thế, cái trân quý của lãnh đạo tỉnh đối với cộng đồng DN là ở chỗ đó" – ông Lê Minh Hoan thừa nhận.

Nhân dịp Xuân mới, ông Lê Minh Hoan nhắn nhủ với người dân tỉnh nhà và cộng đồng DN rằng Đồng Tháp luôn không tự bằng lòng đối với mình. Mọi sự góp ý của DN đều được lãnh đạo tỉnh tiếp thu trên tinh thần cầu thị để thay đổi. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thật sự mong muốn thay đổi, người dân Đồng Tháp cũng mong muốn thay đổi. Bởi lẽ, đứng trước sự cạnh trang khốc liệt của thị trường như hiện nay mà người nông dân không thay đổi thì chính người nông dân tự làm khó mình, DN không thay đổi thì DN cũng tự làm khó mình. DN phải có chiến lược đầu tư bài bản, thoát ra cái tư duy "thương vụ". Theo "Bí thư Tỉnh ủy của năm", ông hay nói rằng nông dân mình thì có "tư duy mùa vụ", DN thì "tư duy thương vụ", còn chính quyền thì "tư duy nhiệm kỳ". Đó là tư duy quá ngắn, bây giờ phải nhìn xa hơn một chút nữa.

Đồng Tháp không chỉ dừng lại ở lời mời gọi chân thành, mà trong sâu thẳm, còn chứa đựng nỗi trăn trở và khát vọng về sự thịnh vượng của mảnh đất sen hồng. Chúng tôi rất trân trọng quyết sách của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi chọn Đồng Tháp thí điểm thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp. Mấu chốt là phải thay đổi nhận thức của người nông dân, DN và cả hệ thống, từ "tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp" như thông điệp của Thủ tướng. Đây thật sự là gốc rễ của vấn đề! Lặn lội cùng nông dân, đồng hành cùng DN, tư duy cùng nhà khoa học, chúng tôi phát hiện rằng, nông nghiệp nói chung, nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng còn nhiều nút thắt. Muốn tháo gỡ, vai trò của DN và các nhà đầu tư là rất quan trọng, phải hợp sức cùng nhau để giải bài toán "chi phí cao, chất lượng thấp". Là tỉnh nông nghiệp, chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi tình trạng "giải cứu nông sản" xảy ra ở nhiều nơi".

Ông Lê Minh Hoan - Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Đồng Tháp vào cuối năm 2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng khen ngợi ông Lê Minh Hoan: “Hàng tuần đều uống cà phê với DN, giải quyết trực tiếp những kiến nghị của DN. Đây là hình ảnh của người lãnh đạo rất tuyệt vời”.

Công Tuấn
Anh Thanh
Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên