img


Video xuyên đêm cùng người công nhân cụt chân đi gom rác

Căn nhà cấp 4 rộng chừng 20m2 được xây dựng trên mảnh đất thuê gần 10 triệu 10/1năm của vợ chồng ông Đoàn Văn Đăng (58 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sơn (53 tuổi) tại xóm Dốc Chảy (Phúc Hoà, Phúc Thọ, Hà Nội). Mảnh đất được vợ chồng ông Đăng tận dụng làm nơi nuôi cá và trồng rau, song những năm gần đây, do nuôi cá lỗ vốn rất nhiều nên ông đã chuyển sang đi làm công nhân thu gom rác.

img
img
img
img

Chân phải của ông Đăng bị cắt cụt trong lần gặp sự cố nghề nghiệp năm 1997. Những năm đầu tiên, ông phải dùng nạng và sau đó đến năm 1999 ông bắt đầu dùng chân giả,. Tuy nhiên, cứ trái gió trở trời chân ông lại đau và phải nhờ đến vợ mình là bà Nguyễn Thị Sơn chăm sóc.

Xuyên đêm cùng người đàn ông mất một chân đi gom rác bị nợ lương - Ảnh 3.

Hàng ngày, ông Đăng bắt đầu ra khỏi nhà từ lúc 17 giờ, song cũng tùy vào những hôm sớm hôm muộn mà điều chỉnh công việc. Bà Sơn đã cùng ông Đăng trải qua 30 năm vợ chồng. Bà là người chuẩn bị đồ đạc trước khi ông Đăng đi làm

Ông Đặng Văn Đăng cho biết: "Đầu năm 2017, vợ chồng tôi bắt đầu đi làm công nhân thu gom rác cho Công ty Minh Quân và chỉ được 1 suất thôi, nên 2 vợ chồng phải thay nhau đổi ca, mỗi người mỗi hôm cũng vì thế mà nhà tôi luôn có người để trồng thêm hoa màu và nuôi cá. Hai vợ chồng đi xe buýt khoảng 60 km để đến nơi làm việc".

Xuyên đêm cùng người đàn ông mất một chân đi gom rác bị nợ lương - Ảnh 4.

Căn nhà chừng 20 m2 của vợ chồng ông Đăng, bà Son nằm giữa những ao cá. Theo ông Đăng, khu đất này được ông bà thuê 3 năm về trước, mỗi năm 10 triệu đồng.

Song những năm trở lại đây, bà Sơn bị tai nạn nên đã nghỉ việc. Từ đó, ông Đăng đã ngày ngày đeo chân giả, vắt sức để vật lộn với rác ở các hầm chung cư từ lúc 17 giờ chiều ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Sau khi đã thu gom hàng tấn rác, ông trở về túp lều dựng tạm phía sau khu điền kinh của thành phố, chờ trời sáng để bắt xe buýt về nhà.

img
img

Hiện nay, do chỗ làm khá xa nhà nên ông Đăng phải bắt 2 chặng xe buýt mới có thể đến được nơi làm việc

Có những tháng ông Đăng làm 25 ngày trong 1 tháng, trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn như nắng nóng, nhiều hôm áo ông ướt đẫm khi xong ca.

Được hỏi chuyện về lương, ông Đăng lại buồn và cho biết đây là quãng thời gian khó khăn nhất mà vợ chồng ông từng trải qua.

img
img
img

Từ ngày bà Sơn bị tại nạn, ông Đăng đã phải cật lực làm liên tục trong nhiều tháng, ít có ngày nghỉ. Gần như ngày nào công việc của ông cũng kết thúc lúc 2-4 giờ sáng tuỳ thuộc vào khối lượng công việc. Trong mỗi ca làm việc đều có 2 người cùng nhau hỗ trợ để xử lý khoảng 3 căn hầm rác ở các khu chung cư

Xuyên đêm cùng người đàn ông mất một chân đi gom rác bị nợ lương - Ảnh 7.

Đôi găng tay đã cũ nát, trong lúc làm việc ông Đăng đã vứt đi một chiếc vì đã không thể sử dụng được nữa

Ông Đăng chia sẻ: "Đến nay, Công ty Minh Quân đã chấm dứt hợp đồng với tôi và tôi đã chuyển sang công ty khác làm. Song 2 vợ chồng tôi làm cho công ty Minh Quân từ năm 2017, đến năm 2020 thì mỗi người bị nợ lương 7 tháng. Đến nay chúng tôi vẫn còn khoảng 40 triệu đồng chưa được công ty này thanh toán".

img
img

Phút giải lao hiếm hoi sau khi đã xử lý xong 1 căn hầm rác ở một khu chung cư của ông Đăng

"Không có tiền, đêm nào cũng vậy, tôi phải đi nhặt từng tí nhựa, giấy để bán. Nhặt xong thì lại trở về túp lều dựng tạm để ngủ. Nói là ngủ nhưng cũng chẳng ngủ được vì nóng, muỗi đốt nên chỉ nhắm mắt chờ đến sáng rồi bắt chuyến xe buýt về nhà thôi" - ông Đăng tâm sự.

img
img

Khoảng 2-4 giờ sáng, công việc gom rác kết thúc. Tùy từng lúc, ông Đăng sẽ được xe chở rác đưa đến tận lán, nếu gần phải tự đi bộ.

"Khổ nhất là phải đi vay tiền ăn Tết, rồi cả hội Làng nữa. Nhiều người vẫn hỏi tôi tại sao hai vợ chồng đi làm mà không có tiền nhưng câu này khó trả lời quá, tôi đành ngậm ngùi đi về. Mãi đến khi sân nhà bị ngập, cộng với việc công trình phụ bị đổ nên tôi đã vay 100 triệu ngân hàng để sửa lại. Số còn thừa cũng lấy ra chi tiêu trả nợ chứ nhặt vỏ chai mãi cũng không sống được"- ông Đăng kể.


img
img

Căn lán nhỏ của ông Đăng được dựng tạm bợ bởi những khúc gỗ, tấm bạt... nằm sau Cung điền kinh Hà Nội. Đây là nơi ông trở về nghỉ tạm sau một ngày làm việc mệt nhọc, và bắt xe buýt về nhà sau khi trời sáng

Việc bị mất 1 chân cũng ít người biết vì nếu lộ ra, ông Đăng sẽ không được công ty nhận vào làm. Nhưng giờ đây, lấy được khoản nợ mới quan trọng, nếu công ty không cho làm việc nữa ông cũng đành chấp nhận.

Cũng theo ông Đăng, những ngày vừa qua Công ty Minh Quân đã thanh toán cho vợ chồng ông 3 tháng tiền lương và vẫn nợ 4 tháng lương nữa nhưng không biết khi nào sẽ nhận được.

img
img
img
img

Khi ông Đăng trở về nhà là lúc bà Sơn đã chuẩn bị xong bữa ăn đạm bạc. Rau được bà hái ở vườn còn thức ăn thêm như cá, thịt hay tôm... thì tuỳ vào lúc có, lúc không

"Chả có gì mà hối hận! Nếu ai cũng im lặng, nếu tôi cũng im lặng cắn răng chịu đựng như thời gian trước thì không ai biết được câu chuyện này. Tôi chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bị cho nghỉ việc rồi. Nhưng kể cả thế, một mình tôi mất việc mà đòi được tiền cho gần 300 con người thì cũng đáng lắm" - ông Đăng tâm sự.

img
img

Những công việc hàng ngày của vợ chồng ông Đăng như cắt cỏ cho cá, chăm lo vườn tược... Những công việc nặng đều phải có 2 vợ chồng cùng nhau thực hiện vì bà Sơn bị chấn thương nặng ở phần hông sau tai nạn, còn ông Đăng bị cụt chân

Theo ông Đăng, hiện nay ông đã được công ty mới nhận vào làm việc, cách nhà khoảng 30 km và phải di duyển 2 chặng xe buýt nên phải đi trước giờ làm 2 tiếng để kịp vào giờ làm việc.

"Ở công ty mới, tiền lương, phụ cấp được đảm bảo không còn như lúc làm việc cho công ty Minh Quân bị nợ lương, uất ức và bức xúc lắm"- ông Đăng nói.

img
img

Ông Đăng đang chỉ những điểm mình hay bị đau do phải đứng trong nhiều giờ đồng hồ và chiếc chân giả của ông cũng đã mòn sau 1 năm sử dụng. Bà Sơn cho biết: "Thường phải mất tới 3 năm chân giả của chồng tôi mới hỏng, song những tháng trở lại đây, tôi không đi làm được nên gần như mọi công việc đều ông ấy làm, điều đó cũng khiến chiếc chân mới mua 1 năm này nhanh hỏng hơn bình thường"

Ông Đăng cho biết thêm gần đây ông được mọi người hỏi han, động viên nhiều, tinh thần cũng khá lên một chút. Nhưng ông cũng ngại, bỗng dưng mọi người phải bận tâm vì mình và chỉ mong mình có sức khỏe để còn tiếp tục làm việc.

Thời gian qua, báo chí phản ánh việc hơn 200 công nhân vệ sinh môi trường tại quận Nam Từ Liêm bị Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay đổi thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) nợ lương nhiều tháng, không đảm bảo quyền lợi của công nhân.

Ngày 16-6, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin về việc này.

Sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội đã trả nợ một phần tiền lương cho một số công nhân.

Ngô Nhung

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên