79 căn biệt thự xây dựng đến hoàn thành trên khu đất rộng gần 19 ha giữa một thành phố đảo mà không gặp phải trở ngại nào. Điều này khiến dư luận phải đặt những dấu hỏi lớn. Đó không chỉ đơn thuần là điển hình của các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng và đất đai ở Phú Quốc (Kiên Giang) hay một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà ở đó còn có lỗ hổng quản lý không hề nhỏ.
Nguồn cơn hình thành làng biệt thự 79 căn bất chấp pháp luật
Theo hồ sơ, khu đất các hộ dân xây 79 căn biệt thự có tổng diện tích hơn 189.000 m2 tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc. Trước năm 1997, khu này thuộc Nông trường dừa.
Năm 1997, Nông trường dừa giải thể, khu đất này được giao lại cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và Đặc dụng Phú Quốc (gọi tắt là Ban Quản lý rừng). Năm 2001, Ban Quản lý rừng giao khoán khu đất này cho các hộ dân, thời gian giao khoán là 50 năm.
Khoảng năm 2007, một trong những hộ được giao khoán là vợ chồng ông Chu Mạnh Chung và bà Huỳnh Thị Mền chuyển nhượng thành quả lao động cho ông Lâm Hùng Sơn (SN 1956, thường trú xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc) lại 32 công đất (khoảng 32.000 m2).
Ngày 30-10-2019, ông Lâm Hùng Sơn chuyển nhượng cho ông Đào Văn Quy 15.000 m2 với giá 4,5 tỉ đồng.
Sau khi ký văn bản thỏa thuận chuyển nhượng đất cho ông Quy, ngày 31-10-2019, ông Sơn tiếp tục ra công chứng ủy quyền cho ông Quy khu đất này tại Phòng Công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang ở Phú Quốc, do công chứng viên Trương Thanh Danh ký tên và đóng dấu.
Đi kèm với giấy ủy quyền này còn có đơn xin xác nhận nguồn gốc đất của ông Sơn được cho là trưởng ban nhân dân ấp Đường Bào thời điểm 2008 ký và đóng dấu. Tuy nhiên, ngày 17-9-2023, ông Nguyễn Văn Thao – Cựu Trưởng ấp Đường Bào xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động chữ ký, con dấu trong tờ xác nhận nguồn gốc đất cho ông Lâm Hùng Sơn ngày 8-4-2008 là giả, toàn bộ nội dung ký và xác nhận không phải do ông ký và viết ra.
15.000 m2 đất nhận chuyển nhượng từ ông Sơn, ông Đào Văn Quy cùng các đối tượng liên quan phân lô bán cho nhiều người xây biệt thự với giá trên 1 tỉ đồng/1.000 m2.
Lấn cấn đất dự án và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Trước đó, khu đất 189.000m2 hình thành khu biệt thự 79 căn xây dựng trái pháp luật đã được Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu Ocean Flowers – Hoa Đại Dương (thuộc khu 6, Khu phức hợp Bãi Trường) vào ngày 2-11- 2016.
Đến ngày 15-1-2017, dự án này được Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc cấp quyết định chủ trương đầu tư cho một công ty nhựa.
Theo đó, doanh nghiệp này đã thực hiện ký quỹ 10 tỉ đồng và ứng hơn 22 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Hiện trạng khu 79 căn biệt thự ở Phú Quốc sau khi bị cưỡng chế
Theo thông báo của Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc), cụ thể doanh nghiệp này đã chi tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư: Đợt 1 ngày 22-4-2015 là 2 tỉ đồng; đợt 2 ngày 13-5-2015 là gần 15,9 tỉ đồng; đợt 3 ngày 21-1-2020 là hơn 4,2 tỉ đồng.
Tại cuộc họp thảo luận kế hoạch thực hiện dự án Khu Ocean Flowers – Hoa Đại Dương do Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc tổ chức vào lúc 14 giờ ngày 25-9-2023, ông Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng Ban, chủ trì cuộc họp thông tin UBND TP Phú Quốc đã thực hiện cưỡng chế tháo dỡ 16 căn nhà xây dựng trái phép trên đất của dự án và tiếp tục tiến hành các biện pháp để thu hồi đất tại khu 79 căn này để giao cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Khi đó, đại diện Ban Bồi thường, Hỗ trợ và Tái định cư TP Phú Quốc xác nhận số tiền hơn 22 tỉ đồng ứng của doanh nghiệp đã chi tiền hỗ trợ bồi thường xong cho 4 hộ đủ điều kiện, còn 1 hộ chưa chịu nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, theo danh sách do Hội đồng Thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) lập ngày 7-3-2013 thì có tới 37 hộ và 1 đơn vị (công an huyện) bị ảnh hưởng bởi dự án.
Sau 2 năm, từ 40 căn vi phạm "quên" xử lý thành... 79 căn
Ngày 21-10-2020, UBND huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) tổ chức cuộc họp thông qua kế hoạch kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng không phép, lấn chiếm đất tại dự án Nam Bãi Trường. Cụ thể là tại khu đất hơn 189.000 ha đang hình thành khoảng 40 căn biệt thự được cho là vô chủ.
Điều lạ là tại thời điểm đó, 40 căn biệt thự nằm chễm chệ trên khu đất đã phê duyệt 1/500, thuộc dự án Khu Ocean Flowers – Hoa Đại Dương nhưng hầu như chưa một hộ nào trong số đó bị lập biên bản vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thời điểm đó là ông Huỳnh Quang Hưng chủ trì cuộc họp gồm đủ các thành phần liên quan tham gia. Theo đó, thành lập Tổ kiểm tra do Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc làm tổ trưởng chỉ đạo chung; các phó chủ tịch gồm các ông Huỳnh Quang Hưng, Trần Chiến Thắng là tổ phó kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của tổ trưởng; Trưởng Công an huyện là tổ phó kiểm tra, chịu trách nhiệm chỉ đạo chung về an ninh trật tự...
Sau cuộc họp, ngày 26-10-2020, Tổ kiểm tra ban hành kế hoạch dày khoảng 8 trang, phân công nhiệm vụ cụ thể cũng như đề ra phương pháp, thời gian, đối tượng... xử lý vi phạm tại khu 40 căn biệt thự xây dựng trái pháp luật nói trên.
Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân vì sao, kể từ lúc kế hoạch được ban hành, triển khai thực hiện thì khu 40 căn biệt thự vẫn "bình an vô sự", thậm chí phát sinh thêm thành 79 căn sau gần 2 năm.
Đến tháng 8-2022, khi khu biệt thự xây dựng trái pháp luật thành một "làng biệt thự" 79 căn có đầy đủ hạ tầng giao thông, điện, nước... thì cơ quan chức năng mới tiến hành lập biên bản vi phạm và ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế...
Cưỡng chế, bắt các đối tượng liên quan
Ngày 9-11-2022, UBND TP Phú Quốc tiến hành cưỡng chế 2 căn biệt thự của ông V.Đ. Kh. và ông L. X. H. trong khu 79 căn do có hành vi "chiếm đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm tại nông thôn do UBND xã Dương Tơ quản lý theo Quyết định 2600 ngày 14-12-2012 của UBND tỉnh Kiên Giang".
Ngày 21-8-2023, TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm vụ tuyên hủy toàn bộ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế của Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đối với ông V. Đ. Kh. và ông L. X. H.
Cưỡng chế nhiều căn biệt thự trong khu 79 căn ở Phú Quốc
Ngày 18-9-2023, UBND TP Phú Quốc tiếp tục cưỡng chế thêm 14 trường hợp trong khu biệt thự 79 căn. Các quyết định xử phạt, cưỡng chế của UBND TP Phú Quốc đối với 14 trường hợp này đã xác định lại là chiếm đất nông nghiệp là loại đất trồng cây lâu năm tại nông thôn do UBND TP Phú Quốc quản lý theo Quyết định 904 ngày 24-5-2007 của UBND tỉnh Kiên Giang.
Ngày 15-12, thêm 2 hộ tự tháo dỡ khi nhận quyết định cưỡng chế, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND TP Phú Quốc.
Ngày 10-1-2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Bùi Văn Hiệu (SN 1974, ngụ quận 12, TP HCM) và ông Đào Văn Quy (SN 1974, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ông Quy và ông Hiệu bị cáo buộc đã thỏa thuận với một số đối tượng khác bao chiếm 15.000 m2 đất tại khu 189.000 m2 vào năm 2019 để phân lô, bán trái phép cho nhiều người thu lợi bất chính số tiền hơn 15 tỉ đồng.
Cho đến thời điểm này, UBND TP Phú Quốc đã lập biên bản vi phạm hành chính 60 trong số 79 trường hợp tại khu biệt thự xây dựng trái pháp luật này. Trong 60 trường hợp vi phạm, UBND TP Phú Quốc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp, chuyển cơ quan điều tra 3 trường hợp. Trong đó, đã cưỡng chế 16 trường hợp, 2 trường hợp vừa tự tháo dỡ.
Bình luận (0)