Năm 2025, TP HCM xác định thực hiện tốt chủ đề "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố".
Công tác cải cách hành chính được thành phố tiếp tục đẩy mạnh. Mục tiêu xuyên suốt vẫn là hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đây cũng chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Thay vì phải đến trực tiếp UBND phường để đăng ký thủ tục cấp giấy chứng nhận độc thân, anh Trần Minh Hùng (ngụ phường 2, quận 6) giờ đây chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể nhập thông tin qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và được địa phương tiếp nhận, xử lý một cách nhanh chóng. Anh Hùng cho biết thời gian qua anh thường xuyên đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hình thức trực tuyến, điều này giúp anh tiết kiệm nhiều thời gian, công sức.
Người dân đến phường 2, quận 6 để được tư vấn thủ tục hành chính
"Tôi thấy thành phố đã có những thay đổi rất tích cực trong thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là áp dụng chuyển đổi số để giúp người dân thuận tiện hơn. Bản thân tôi cũng như gia đình rất hài lòng và ngày càng tin tưởng vào những nỗ lực này. Rất mong địa phương sẽ có thêm những mô hình, cách làm mới hữu ích và hiệu quả hơn nữa" – anh Hùng bày tỏ.
Phường 2 (quận 6) hiện nay được thành lập trên cơ sở sáp nhập các phường 2, 6 và một phần phường 5, với số dân khoảng 43.770 người. Thời gian qua, để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, lãnh đạo, cán bộ công chức của phường luôn chủ động trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số. Phường đã xây dựng, thực hiện nhiều mô hình, trong đó, nổi bật là mô hình Cổng thông tin điện tử chương trình giảm nghèo bền vững.


Để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, lãnh đạo, cán bộ công chức của phường luôn chủ động trong công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Với mô hình này, tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực giảm nghèo đều được công khai minh bạch, người dân có thể truy cập link hoặc quét mã QR để lấy các mẫu văn bản được số hóa và điền các thông tin thủ tục cần thiết, qua đó tiếp cận các chính sách một cách nhanh chóng hơn. Đặc biệt, một tính năng nổi trội của cổng thông tin này là kết nối giữa người dân khó khăn với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, thể hiện vai trò chăm lo kịp thời của địa phương.
Bà Trương Tuyết Lan, Phó Chủ tịch UBND phường 2 (quận 6), cho biết công tác cải cách thủ tục hành chính của phường đã đạt nhiều hiệu quả tích cực. Tỉ lệ hài lòng của người dân công khai trên cổng thông tin của phường đạt 100%.
"Địa phương mong muốn khi người dân làm các thủ tục hành chính luôn thuận tiện nhất, thông qua các cổng thông tin điện tử, phường mong muốn lắng nghe và nắm được hết nhu cầu thiết thực nhất của người dân để trợ giúp, nâng dần mức sống của người dân trên địa bàn" – Phó Chủ tịch UBND phường 2 (quận 6) nhấn mạnh.
Người dân sử dụng VNEID để làm thủ tục hành chính
Tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), công tác cải cách thủ tục hành chính cũng rất được quan tâm. Bà Nguyễn Kim Mai, Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, cho biết xã đã đăng ký thực hiện 6 mô hình liên quan các nội dung cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, nổi bật là giải pháp nâng cao tỉ lệ hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính thông qua Google Form, người dân chỉ cần điền thông tin vào biểu mẫu trực tuyến sẽ được cán bộ của xã tiếp nhận, giúp tiết kiệm thời gian, công sức so với trước. Mô hình đã được UBND huyện Bình Chánh công nhận là 1 trong 15 mô hình, giải pháp cải cách hành chính đạt hiệu quả năm 2024.
Giải pháp nâng cao tỉ lệ hồ sơ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính thông qua Google Form
"Công tác chuyển đổi số cũng được xã quan tâm thực hiện thông qua việc trang bị wifi miễn phí cho người dân khi đến liên hệ công việc, thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở 16 ấp, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến. Cán bộ công chức cũng sử dụng chữ ký số trong các văn bản, hạn chế thấp nhất sử dụng văn bản giấy" – Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt thông tin.
Theo báo cáo cải cách hành chính năm 2024 của TP HCM, thành phố đã hoàn thành 100% các nhiệm vụ cải cách hành chính đề ra, với 21 chỉ tiêu, 8 nhóm nhiệm vụ và 111 nhiệm vụ cụ thể.
Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, thành phố đã bãi bỏ, thay thế 297 thủ tục hành chính. Số hồ sơ thủ tục hành chính cấp thành phố đã giải quyết là 11.627.667 (giải quyết đúng hạn 97,6%). Về kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị thủ tục hành chính, đã giải quyết 1.786/1.861 phản ánh, kiến nghị, đạt 95,9%.
Không chỉ tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, TP HCM cũng đẩy mạnh đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh tinh gọn bộ máy hiện nay.
Là một trong những cán bộ công chức đầu tiên tham gia chương trình bồi dưỡng về trí tuệ nhân tạo (AI) của TP HCM, chị Nguyễn Thị Bích Thủy (công chức UBND phường 4, quận 3) khá kỳ vọng vào lớp học. Làm việc ở mảng văn hóa – xã hội, công việc hàng ngày của chị Thủy chủ yếu là xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến chính sách xã hội, bảo trợ cho người dân trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy (công chức UBND phường 4, quận 3) kỳ vọng các lớp học AI sẽ giúp ích cho công việc.
"Việc hướng dẫn người dân xử lý thủ tục hành chính trên dịch vụ công trước đây vẫn còn một số khó khăn. Qua lớp học này, tôi mong muốn tiếp thu kiến thức về AI, không chỉ hỗ trợ công việc của mình mà còn hướng dẫn và phục vụ cho người dân tốt hơn" – chị Thủy bày tỏ.





Chương trình bồi dưỡng về AI cho cán bộ công chức do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Nội vụ TP HCM phối hợp tổ chức.
Chương trình bồi dưỡng về AI cho cán bộ công chức do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Nội vụ TP HCM phối hợp tổ chức. Mục đích nhằm trang bị kiến thức và nâng cao kỹ năng sử dụng AI trong công việc, giúp cải thiện hiệu quả năng suất lao động, đặc biệt là đối với cán bộ, công chức làm việc tại cấp phường, xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, giúp giảm thiểu thời gian xử lý nghiệp vụ, cải thiện quy trình làm việc và phục vụ tốt hơn cho người dân. Lớp đào tạo đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 22-3 tại Trường Đại học Ngân hàng TP HCM.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, nhấn mạnh hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức của thành phố rất cần được trang bị kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi số và công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong bối cảnh diễn ra việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy, khối lượng công việc của cán bộ công chức của thành phố, đặc biệt là ở cấp xã, phường sẽ rất lớn; đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có thể hoàn thành công việc nhanh chóng, hiệu quả.
"Lớp đào tạo AI cho đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố sẽ diễn ra liên tục. Dự kiến cứ mỗi 2-3 tuần sẽ có 1 lớp để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của đội ngũ cán bộ công chức. Chúng tôi kỳ vọng qua những lớp như thế này, cán bộ công chức của thành phố sẽ có thêm những kiến thức áp dụng vào công việc thực tiễn của mình, từ đó nâng cao năng suất lao động, phục vụ nhân dân tốt hơn" – ông Lâm Đình Thắng kỳ vọng.
Nội dung: NGỌC LÝ
Hình ảnh: THANH LONG, DUY PHÚ
Trình bày: THANH LONG
Kỳ tới: CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ QUA TỪNG CĂN NHÀ, GÓC PHỐ
Bình luận (0)