Sàn diễn năm 2018 đã được họ làm nên những tác phẩm mang đến cho khán giả sự thích thú bởi lòng nhiệt huyết với nghề. Họ được bạn đọc đề cử với kỳ vọng sẽ cho ra đời thêm nhiều vở diễn hay.
ạo diễn Trần Minh Ngọc là bậc thầy của nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên sân khấu cả phía Nam. Hơn 80 tuổi ông vẫn miệt mài với nghề đạo diễn bên cạnh công việc viết báo, sáng tác, biên tập và giảng dạy. Năm qua vở "Mua chồng" diễn trên sân khấu kịch Nhà hát Thế giới trẻ đã có một phiên bản mới để tham dự Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức tại TP HCM. Trước đó, đông đảo khán giả đã đến xem và cổ vũ thông điệp về hạnh phúc gia đình không thể đong đếm bằng tiền, khiến vở "Mua chồng" đứng trong danh sách những vở kịch đắt khách nhất của Nhà hát Thế giới trẻ.
Là bậc thầy trong dàn dựng với thủ pháp liên tục được cập nhật, chất trẻ trung, trữ tình trong dàn dựng của ông đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc. Tự cho quỹ thời gian của mình không còn nhiều nên một ngày của ông thật bận rộn với các công việc: Tổng Biên tập báo Sân khấu TP HCM, dàn dựng vở tại các sân khấu và dạy học tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM.
Xuất thân là một diễn viên, ngày còn bé, ông mơ ước lớn lên làm những nghề mang tính khoa học. Thế nhưng tình cờ nhà của ông cho một nhóm kịch mượn làm chỗ tập dợt, đang thơ thẩn vì không đậu được vào ngành khoa học như mơ ước, ông được bạn bè rủ tham gia diễn kịch, lại được những người thầy giỏi nghề như: tác giả Lộng Chương, đạo diễn Đình Quang khai tâm và dẫn dắt, ông đã bị cuốn hút vào nghệ thuật sân khấu. Tốt nghiệp diễn viên khóa I trường Nghệ thuật Sân khấu 1 năm 1964 cùng với: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh, NS Nguyệt Ánh..., ông thường đóng các vai như cán bộ, bộ đội, trí thức, giáo sư..., thỉnh thoảng đóng quan Tây. Sau ba năm làm diễn viên, ông được chọn đi học đạo diễn tại Bulgaria. Về nước, ông làm chủ nhiệm khoa kịch, rồi khoa đạo diễn Đại học Sân khấu VN. Năm 1986, ông chuyển vào TP HCM, về hưu năm 1998 khi đang là hiệu trưởng Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM).
Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã dàn dựng hàng trăm vở diễn đủ các thể loại, được làm việc với nhiều thế hệ nghệ sĩ giỏi nghề, cùng ông làm nên những sáng tạo mới cho sân khấu. "Tôi may mắn có được ba vở diễn qui tụ nhiều diễn viên giỏi như: "Người cha thô bạo" (Nhà hát Kịch Việt Nam) với các diễn viên: NSND Trần Tiến, Đoàn Dũng, Thế Anh, Quang Thái, Bích Châu…; "Số phận trớ trêu" với các diễn viên: NSND Hồng Vân, NS Quốc Thảo, Kim Loan, Minh Phượng; "Ba chàng lính ngự lâm" với các diễn viên: NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy, Minh Nhí, Hoàng Trinh… Đó là những vở tự cảm thấy nhanh chóng tìm được chìa khóa sáng tạo. Vì trong quá trình tập dợt đã có thêm nhiều khoảnh khắc thú vị, sung sướng khi tìm được ngôn ngữ phù hợp, cách xử lý không gian đắc ý" – ông tâm sự.
Là người đạo diễn dựng vở ở cả hai miền Nam Bắc và suốt trong một thời gian dài hơn 40 mươi năm với sàn diễn, ông là người đại diễn cho thế hệ đạo diễn được đào tạo chính quy, nhưng lúc nào cũng tự nhận mình là người phải liên tục học hỏi, cập nhật cái mới từ lớp trẻ. Vở diễn mới nhất ông dàn dựng đã ra mắt khán giả vào tối 28-12-2018 là "Cánh đồng rực lửa", ông dàn dựng theo đơn đặt hàng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM. Và trong năm 2019 này, ông không dừng lại với thành quả đã đạt được mà tiếp tục dàn dựng nhiều vở diễn mới, "vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm về hưu. Một ngày không tự chạy xe gắn máy đến sàn diễn, trường học dạy diễn viên, thì tôi cảm thấy thiếu điều gì đó trong cuộc đời mình"- ông chia sẻ bằng tấm lòng của một người đạo diễn hết lòng vì nghệ thuật chân chính.
SƯT Thành Lộc ở vai trò đạo diễn chỉ đếm khoảng vài vở. Nhưng tác phẩm nào cũng tạo được sự đình đám và đạt chất lượng nghệ thuật mà theo đánh giá của giới chuyên môn là đỉnh cao.
Cuối năm 2017, khi vở nhạc kịch Tiên Nga do anh đạo diễn ra đời, khán giả và giới nghệ sĩ phấn khởi vì có thêm một tác phẩm thuần Việt được sáng tác theo trường phái nhạc kịch.
"Tiên Nga" bay cao với rất nhiều suất diễn qua ba đợt "trụ bến" tại Nhà hát Bến Thành và hứa hẹn sẽ tái ngộ vào tháng 4 năm nay đóng dấu chất lượng bởi tài hoa của NSƯT Thành Lộc.
Về thủ pháp dàn dựng, đây là một bảo chứng cho sự sáng tạo đem lại giá trị đặc biệt ở mặt hình thức và nội dung. Trước hết vở diễn đậm chất Nam Bộ khi bám chặt ý thơ của nhà thơ yêu ước Nguyễn Đình Chiểu. Thứ hai, vở nhạc kịch sử dụng dàn nhạc sống, diễn viên hòa quyện hơi thở của nhân vật vào các cung bậc tình cảm mà các nhạc công truyền đến họ, qua lời hát thật bằng chất giọng của mình, họ đã truyền lửa đam mê đến khán giả.
Kế đến, chính sự tận lực trong nghệ thuật của NSƯT Thành Lộc, anh đã dát vàng tên tuổi cho nhiều diễn viên trẻ, để họ thật sự thăng hoa trong nghề qua tác phẩm "Tiên Nga".
Chính nhiệt huyết của người đạo diễn cầu toàn qua mỗi suất sáng đèn, tinh thần nghệ sĩ công dân ở NSƯT Thành Lộc đã tác động đến ý thức làm nghề nghiêm túc của dàn diễn viên trẻ. Những tên tuổi như: Lê Khánh, Vân Trang, Lương Thế Thành, Huỳnh Quý, Quốc Trung, Đình Toàn, Lê Phương… đã bắt đầu có thêm vị thế, đẳng cấp hơn trong mắt của những người am hiểu sân khấu. Và với công chúng vở diễn kể về câu chuyện tình chung thủy, trắc trở của đôi trai gái Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga đã cho họ hiểu thêm về đạo lý nhân nghĩa ở đời. Và trên hết là đạo lý làm nghề nghiêm túc.
Quán xuyến toàn bộ tác phẩm, lại đảm nhiệm vai nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, NSƯT Thành Lộc đã nâng đỡ các diễn viên trẻ, tạo cho họ điểm tựa vững vàng để cùng anh thăng hoa cảm xúc từ một kịch bản được anh hợp soạn bởi: tác giả Nguyễn Thành Châu, Nguyễn Hồng Dung, Nguyễn Thị Minh Ngọc. Nét độc đáo của vở "Tiên Nga" chính là đẩy nhân vật Kim Liên vào tuyến nhân vật chính và đưa Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vào vở diễn một cách ngọt ngào. Thông qua tác phẩm "Tiên Nga", anh muốn kêu gọi lớp trẻ sống trong một thời đại hôm nay không thờ ơ với vận mệnh đất nước. Đặc biệt ở những thành phố càng lớn, càng có nhiều thứ cho người ta hưởng thụ, thì người ta càng không quan tâm những gì diễn ra trên đất nước mình đang sống. Từ những trăn trở mà đôi cánh "Tiên Nga" đã hoàn thành sứ mệnh cao cả, gửi gắm thông điệp kêu gọi lòng ái quốc đến mọi người. Và anh đã thành công.
Không chỉ với "Tiên Nga", trước đó trong những tác phẩm sân khấu do NSƯT Thành Lộc đứng vai trò đạo diễn, anh đã chạm đến thành quả khi các vở: "Bí mật vườn Lệ Chi", "Ngàn năm tình sử", "Ngôi nhà anh túc", "Tin ở hoa hồng"... và hàng trăm vai diễn của anh, đã kêu gọi lòng yêu nước, bảo vệ sự công bằng lẽ phải cho xã hội, luôn được công chúng hưởng ứng.
hạc kịch của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy đã là một thương hiệu, khi anh được mệnh danh là người "mở đường" cho thể loại này đến với công chúng trẻ tại TP HCM. Được xem là một thể loại rất phổ biến trên thế giới nhưng lại khá xa lạ với khán giả Việt. Chính Nguyễn Khắc Duy và các bạn của mình đã mong muốn phổ biến nhạc kịch tại Việt Nam, vượt qua những đoạn trích và không hát bằng bản ngữ tiếng Anh, Nguyễn Khắc Duy đã mạnh dạn Việt hóa những vở nhạc kịch kinh điển để đưa đến khán giả, trong đó có vở "Thủy Tinh đứa con thứ 101" được bạn đọc báo NLĐ đề cử giải Mai Vàng.
Chàng trai 9x này có niềm đam mê đặc biệt và quyết tâm đi tới cùng với nhạc kịch do đó anh đã được các nhà chuyên môn đánh giá cao, được công chúng ủng hộ khi vở "Thủy Tinh đứa con thứ 101" diễn tại Nhà hát Quân đội, liên tục thu hút số đông khán giả trẻ.
Từ khi còn đang học phổ thông, Nguyễn Khắc Duy đã đã dựng vài trích đoạn nhạc kịch cho các bạn biểu diễn trong các buổi văn nghệ ở trường. Sau đó, anh theo học chuyên ngành đạo diễn sân khấu và nung nấu quyết tâm phải làm nhạc kịch.
"Chưa bao giờ tôi nản chí, cứ thử sức để thấy mình sẽ không làm được nếu cứ tự ti, mặc cảm và ngại khó" – Nguyễn Khắc Duy tâm niệm. Thế là sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp đạo diễn sân khấu hệ Đại học trường Sân khấu Điện Ảnh TP HCM, Nguyễn Khắc Duy đã mạo hiểm dựng lại vở nhạc kịch kinh điển "Chicago". Đây cũng là phiên bản nhạc kịch Broadway hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Thành công ngoài mong đợi của Chicago đã tiếp thêm sức mạnh cho anh thực hiện ước mơ của mình, đó là đưa nhạc kịch đến với công chúng.
"Loại hình nhạc kịch không quá cao cấp như Opera và tính giải trí, sự nổi tiếng của nó hoàn toàn có thể ăn khách tại Việt Nam. Phiên bản chuyển ngữ sẽ phục vụ được cho số đông khán giả. Nếu dùng tiếng Anh chỉ tiếp cận được một cộng đồng nhỏ mà chắc chắn không thể hát hay bằng bản gốc. Các nước trên thế giới khi dựng nhạc kịch Broadway đều có bản riêng, và tôi mạnh dạn chuyển ngữ, Việt hóa những vở nhạc kịch của mình. Kịch bản âm nhạc của "Thủy Tinh đứa con thứ 101 ra đời cũng từ mục đích đó" – Nguyễn Khắc Duy cho biết.
Trên thực tế, vượt qua nhiều khó khăn, anh và nhóm Buffalo đã được vinh danh là quán quân cuộc thi "Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội". Để có thêm động lực đến với nhiều dự án mới. Xong cuộc thi "Cười xuyên Việt", tinh thần của Buffalo rất thoải mái vì đã hoàn thành được một chặng đường dài.
Trong chặng đường mà Buffalo đi với "Cười xuyên Việt", có những tiểu phẩm đã nhận được sự yêu thương của khán giả như: "Đoàn lô tô Năm Phượng", "Mình ơi", "Thương lắm miền Tây"… "Buffalo vẫn đi con đường riêng của mình. Được đề cử giải Mai Vàng năm nay là niềm động viên lớn để nhóm hiểu rằng mình cần phải chọn những đề tài gần gũi, tiết giảm những yếu tố nặng về học thuật, cách diễn cũng phải đời hơn để nhạc kịch thật sự chạm đến trái tim khán giả VN" – anh chia sẻ niềm tin của mình.
ạo diễn Phan Quốc Kiệt hiện nay là phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, năm 2007 anh đã dàn dựng vở "Một ngày bên mẹ", sau đó anh trở lại sau 5 năm "mất hút" vì bận công tác qua nhiều công việc tại Đài truyền hình TP HCM, rồi trước đó là làm chuyên viên tại Phòng sân khấu Sở VHTT TP HCM. Năm 2012, tại Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, anh dựng vở "Tiếng vạc sành" được khán giả yêu thích. Đến cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ 2013, anh chọn tác phẩm của Lưu Quang Vũ để dàn dựng và vở "Trái tim trong trắng" thêm một lần nữa tạo điều kiện để khán giả đón nhận anh với niềm tin yêu vào một đạo diễn cải lương. Và đến thời điểm này, vở cải lương "Hiu hiu gió bấc" được bạn đọc đề cử giải Mai Vàng, thêm một dấu ấn mới mang tên anh.
Được đánh giá khá tốt sau "Tiếng vạc sành", "Trái tim trong trắng" và đến nay là "Hiu hiu gió bấc" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Phan Quốc Kiệt cho biết anh chịu nhiều áp lực. "Tôi cứ đau đáu với chính mình - phải làm sao tìm được cho sàn diễn những vở mang chất văn học, để nâng cao cảm xúc của diễn viên, đồng thời tìm cho mình lửa nghề, nổi khát khao được làm nghệ thuật hướng đến khán giả" – anh chia sẻ.
Với thủ pháp dàn dựng trẻ trung, đưa hơi thở cuộc sống vào nghệ thuật cải lương, vở "Hiu hiu gió bấc" đảm bảo thị hiếu công chúng vừa thực hiện được sứ mệnh nâng cao tầm văn học mà sàn diễn cải lương đang cần.
So với vở "Lối về" của tác giả Tô Thiên Kiều, mà Phan Quốc Kiệt đã dàn dựng tốt nghiệp, thì anh đã có một bước tiến mới trong nghề. Điều này với các thế hệ nghệ sĩ gắn bó với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, họ biểu lộ niềm vui mừng, khi anh đã thực hiện đúng di nguyện của cha mình – NS Phan Quốc Hùng – nguyên giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, người rất có uy tín đối với nghệ sĩ sân khấu, là sẽ gắn bó với sàn diễn cải lương, ngoài công tác quản lý, còn là một đạo diễn làm nghề một cách tử tế.
uất thân trong một gia đình nhà giáo tại Cần Thơ nhưng đạo diễn Lê Nguyên Đạt lại nuôi giấc mơ làm nghệ sĩ. Anh khởi đầu sự nghiệp diễn viên Trung cấp khóa 13 do NSƯT Ca Lê Hồng, Thúy Lan giảng dạy. Anh học cùng khóa với ca sĩ: Hương Thủy, NSƯT Tuyết Thu, ca sĩ Thùy Trang, Tiến sĩ Võ Hải Yến… Sau đó anh thi vào khóa đại học đạo diễn, khóa đầu tiên đào tạo đại học tại các tỉnh phía Nam do Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM liên kết với Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội đào tạo, cùng khóa với: NSƯT Thành Hội, Minh Hạnh, đạo diễn Khánh Hoàng, Mỹ Khanh, diễn viên Thái Quốc, Mai Hương, Trường Long, Lê Thanh… Và không chỉ dàn dựng anh còn làm công tác giảng dạy, với vị trí trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Anh đã góp phần đào tạo rất nhiều diễn viên trẻ của bộ môn cải lương.
Đến hôm nay, dù không trở thành ngôi sao sân khấu như mơ ước ban đầu nhưng anh đã gặt hái được thành quả từ việc chăm chỉ làm nghề đạo diễn. Năm 2018, vở "Tổ quốc nơi cuối con đường" (tác giả Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt) đã được bạn đọc báo Người Lao Động đề cử giải Mai Vàng. Vở diễn có bố cục thật đẹp như một bức tranh, cuốn hút khán giả bằng thủ pháp dàn dựng tinh tế, đầy cảm xúc.
"Tôi vẫn là người nghệ sĩ gắn bó với sân khấu và trao truyền ngọn lửa đam mê cho những người trẻ trong vai trò một người thầy. Giải Mai Vàng là một giải thưởng uy tín, tạo được động lực làm nghề cho nghệ sĩ. Tôi vinh dự được đề cử năm nay với tác phẩm "Tổ quốc nơi cuối con đường", một vở diễn đã được LĐLĐ TP HCM tạo mọi điều kiện, để đưa đến phục vụ hơn 6.000 khán giả công nhân, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi trong năm 2018" – đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ.
Đạo diễn Nguyên Đạt đã dàn dựng các tác phẩm được đánh giá cao như: "Người giàu cũng khóc", "Hồn thơ ngọc", "Bến sông chờ", "Bến nước Ngũ Bồ", "Cơn hồng thủy", "Cõi thiêng", "Người đồng bằng"… Mà đỉnh cao là "Tổ quốc nơi cuối con đường", vở diễn về thời thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong đã đạt Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018. Anh còn là đạo diễn nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa nổi tiếng tại TP HCM và các tỉnh ĐBSCL.
Nói về kỳ vọng sắp tới, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết: "Hiện, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM đã lập đề án và trình Vụ Đào tạo về việc triển khai có hệ thống chương trình Sân khấu học đường. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng triển khai đề án đặt hàng đào tạo các tài năng nghệ thuật dân tộc. Trong thời gian tới, Khoa Kịch hát Dân tộc (Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, đào tạo theo hướng ngày càng hiệu quả, gắn với nhu cầu xã hội. Hy vọng rằng đây sẽ tạo những cú hích để sân khấu cải lương chuyển mình, mang đến nhiều cơ hội hơn cho những người trẻ muốn gắn bó với sân khấu truyền thống".
Bình luận (0)