Có tên trong danh sách bầu chọn Giải Mai Vàng lần thứ 26 – 2020 với vai bà mẹ trong vở cải lương "Áo cưới trước cổng chùa", nghệ sĩ (NS) Thanh Hằng đã khẳng định thêm vị thế của chị trong làng sân khấu khi đi vào các vai diễn đào mụ, sâu lắng
***
à thế hệ thứ tư trong đại gia đình NS Hai Núi - Tư Hélène. Người Việt Nam rất quí trọng truyền thống của gia đình nhất là những gia đình thuộc về hàng thế gia vọng tộc hoặc những gia đình có những thành tích sáng chói về nghề nghiệp hoặc về phương diện đóng góp công ích cho xã hội.
NS Thanh Hằng thuộc về thế hệ thứ tư của đại gia đình Hai Núi – Tư Hélène, một trong năm đại gia đình NS có 4-5 năm đời theo nghề hát, đã đóng góp tài năng và công sức để xây dựng nên một nền nghệ thuật sân khấu của dân tộc.
Chị kể: "Ông Hai Núi là ông cố của tôi, một NS tiên phong trong ngành hát bội pha cải lương. Năm 1934, ông Hai Núi thành lập gánh hát Tân Hí Ban với lực lượng đào kép gồm đa phần là con cháu trong gia đình. Từ đó, các thế hệ noi theo ông để làm nghề cho đến tận bây giờ".
Gia tộc của NS Thanh Hằng gồm: Hề Tỵ (con trai lớn của ông Hai Núi), đào mùi Chín Điệp (vợ của Hề Tỵ), Ba Tẹt (tức kép độc Thiện Tâm, con của ông Hai Núi), đào ca Kim Anh (vợ của Ba Tẹt), Văn Long (danh ca vọng cổ, kép chánh, chồng của cô Tư Hélene – bà ngoại của NS Thanh Hằng), Kim Hoa (mẹ của NS Thanh Hằng)… Ngoài ra, trong gia tộc còn có những đào kép nổi danh như kép ca: Minh Tấn, Hề Giác, Trọng Lang; kép độc Sáu Nhỏ, Văn Sa, Mai Búp, Nguyệt Yến, Tư Én…
"Hồi đó, NS Hề Tỵ - ông cậu Hai của tôi - từng thủ vai hề trên sân khấu của "bầu" Hề Lập, anh bắt chước theo lối ca vọng cổ cà lăm của Hề Lập, dùng lối diễn ngơ ngáo như một kẻ khù khờ nhưng ranh mảnh trêu chọc những vai phản diện, ông diễn vai hài duyên lắm. Tôi lớn lên trong một gia đình mà mỗi thành viên có sở trường riêng, nên học từ các ông bà, cậu mợ đi trước. Sau này, về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga làm diễn viên múa, tôi đã có thời gian ngồi bên cánh gà để xem và học hỏi, tạo cho mình nhiều bài học quý" – NS Thanh Hằng kể.
NS Thanh Hằng là một nữ diễn viên đa tài, chị có thể diễn một cách xuất sắc tất cả các loại vai tuồng như đào mùi, đào lẵng mùi, đào độc, lẵng độc, vai mụ và cả trong lãnh vực tấu hài, NS Thanh Hằng diễn có duyên độc đáo khiến cho khán giả cười hả hê, sau đó thấm thía cái nội dung sâu lắng của những câu tấu hài của Thanh Hằng. Chị đã từng đoạt huy chương vàng giải diễn viên xuất sắc Trần Hữu Trang năm 1991. Năm 1997, Thanh Hằng đoạt thêm Giải Mai Vàng với vai bà Mười trong vở "Duyên kiếp". "Và đến năm nay, tôi được đề cử với vai bà mẹ mù trong vở "Áo cưới trước cổng chùa", của soạn giả Kiên Giang, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, đúng là tôi có duyên với những vai đào mụ" – NS Thanh Hằng nói.
ý ức của NS Thanh Hằng về giải HCV Trần Hữu Trang năm 1991 chính là chị được trao giải sớm nhất, cùng một đợt với NSƯT Vũ Linh. "Đến bây giờ tôi còn nhớ đêm trao giải là một ngày hội, chúng tôi rất phấn khởi vì có được điểm tựa từ các bậc tiền bối đi trước. Và trên hết là khán giả đương đại, họ dõi theo bước tiến của chúng tôi và dành cho từng vai diễn những lời khen ngợi chính xác, những góp ý chân thành. Sau đó, tôi đoạt Giải Mai Vàng do bạn đọc Báo Người Lao Động bầu chọn, thêm một lần nữa công chúng đã dành sự tin yêu cho mình thì không thể đi ngược lại những kỳ vọng của họ" – NS Thanh Hằng chia sẻ.
Tham gia nhiều sân khấu cải lương, đoạt nhiều giải thưởng sân khấu, NS Thanh Hằng luôn trăn trở về nguồn kịch bản cải lương hiện nay. Chị nói nhiều nhà chuyên môn vẫn cho rằng cải lương đang thiếu nguồn kịch bản, nhưng cái chính là thiếu nhân vật trung tâm của các vở diễn. "Ngày nay khán giả tinh tế lắm, không thể cứ nói chuyện xa xôi, chuyện ông hoàng bà chúa, mà phải phản ánh được đời sống xã hội, kịch bản phải mang tính phản biện, dự báo và trên hết là giữ cho được sự chuẩn mực của văn học trong từng câu ca, lời thoại. Kịch bản "Áo cưới trước cổng chùa" là một kịch bản mà soạn giả Kiên Giang sáng tác như một vở thơ, lời ca và văn phong rất đẹp. Tôi cho rằng khi bạn đọc đề cử vở này trong hạng mục "Vở diễn được yêu thích nhất" cũng là cách để biểu lộ mong muốn sân khấu cải lương cần có nhiều kịch bản văn học đi vào lòng người. Mà muốn có điều này thì phải đào tạo, tập huấn thế hệ tác giả trẻ ngay từ bây giờ" – NS Thanh Hằng trăn trở.
Định cư ở Úc, tham gia biểu diễn phục vụ đông đảo kiều bào còn mộ điệu sân khấu cải lương, NS Thanh Hằng đã quyết định về nước tham gia nhiều sân khấu. Ngoài nhóm sân khấu xã hội hóa do em gái là NSND Thanh Ngân tổ chức, chị còn gắn bó với CLB Sân khấu Lạc Long Quân của Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM và Đoàn văn nghệ Tình ca Bắc Sơn.
Nghệ sĩ Thanh Hằng trong vở "Áo cưới trước cổng chùa"
Để đồng hành với đời sống sàn diễn hôm nay, NS Thanh Hằng đang nuôi dưỡng hoài bão phải góp phần truyền nghề cho thế hệ diễn viên trẻ của sân khấu cải lương. "Tôi đã từng tham gia nhiều lớp giảng dạy các bạn trẻ, nâng cao nghiệp vụ diễn xuất từ những kinh nghiệm của mình. Tôi biết các bạn diễn viên hiện nay không có điều kiện cọ xát nghề như thế hệ của tôi, nên mỗi lần có vai diễn mới rất hồ hởi. Tôi cũng mừng khi Giải Mai Vàng hằng năm, trong hạng mục diễn viên sân khấu đều có đề cử các diễn viên, vở diễn cải lương, điều này là một động lực lớn để tạo sức lan tỏa trong quá trình lao động nghệ thuật của người NS thuộc bộ môn cải lương đã trên 100 tuổi. Tôi cho rằng chính bạn đọc, công chúng theo dõi Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động đã góp phần ươm mầm để thế hệ diễn viên trẻ phấn đấu không ngừng. Với tôi, Giải Mai Vàng là niềm động lực to lớn" – NS Thanh Hằng nói.
Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như mang lời ca tiếng hát đến các trung tâm cai nghiện ma túy; hát cho người già neo đơn, tàn tật; mang quà tặng và vui chơi với trẻ em mồ côi…, NS Thanh Hằng luôn tích cực trong các hoạt động cộng đồng.
Gia đình NS lão thành Kim Hoa và các con hạnh phúc khi được khán giả yêu thích sau vở "Áo cưới trước cổng chùa"
NSƯT Hoài Linh kể: "Lúc NS Thanh Hằng còn định cư tại Úc, tôi sang biểu diễn và đến thăm chị. Tôi đã rưng rưng nước mắt khi thấy chị đứng bán trái cây ngoài khu chợ. Cuộc sống nơi xứ người hiếm có những suất diễn cho NS, vì thi thoảng mới tổ chức biểu diễn và để mưu sinh thì NS sống ở Úc, Mỹ, Pháp, Canada… đều phải có thêm công việc. NS Thanh Hằng ôm tôi vào lòng và giọng nói nghẹn ngào: "Chị nhớ sân khấu quá". Khi chị về nước, tôi và chị có dịp làm chung nhiều chương trình. Đến khi hai chị em được mời diễn vở "Áo cưới trước cổng chùa", nhận hai vai đều là nhân vật đã có nhiều NS tiền bối thể hiện, nên chúng rất thích. Không ngờ hai chị em được đề cử Giải Mai Vàng năm nay, đó là một kỷ niệm rất đẹp".
Hướng dẫn bầu chọn trên Người Lao Động điện tử và mobile
- Bạn đọc click vào banner "Bầu chọn Mai Vàng 2020" để điền thông tin phiếu bầu chọn (số điện thoại di động, số dự đoán...).
- Bạn đọc có quyền tham gia bầu chọn cho nghệ sĩ, tác phẩm hoặc chương trình mà mình yêu thích ở một hay nhiều hạng mục thuộc các lĩnh vực: ca nhạc, sân khấu, điện ảnh - truyền hình.
- Sau khi gửi phiếu bầu chọn, nếu số điện thoại di động của bạn chưa được kích hoạt ở vòng đề cử, bạn cần phải nhắn tin theo cú pháp: MAIVANG gửi đến tổng đài 8100 (1.500 đồng/ tin) để kích hoạt thì phiếu bầu chọn đó mới hợp lệ. Trường hợp số điện thoại của bạn đã kích hoạt vòng đề cử rồi, màn hình sẽ xuất hiện thông báo bầu chọn đã thành công.
Lưu ý: Chỉ cần kích hoạt số điện thoại duy nhất 1 lần.
. Hướng dẫn hình thức bầu chọn qua tin nhắn (SMS)
Bạn đọc dùng cú pháp:
MAIVANG mã số phiếu dự đoán, gửi đến số 8500 (phí mỗi tin nhắn 5.000 đồng).
Trong đó:
- Mã số: Là mã số của nghệ sĩ, tác phẩm hoặc chương trình truyền hình (xem mã số tương ứng ở bảng bên).
- Số phiếu dự đoán: Tổng số phiếu dự đoán hợp lệ vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2020.
Ví dụ: Để bầu chọn cho Erik có mã số 01 và dự đoán tổng số phiếu tham gia bầu chọn là 99999 thì bạn nhắn như sau:
MAIVANG 01 99999
Sau đó gửi đến số 8500.
Lưu ý: Với hình thức bầu chọn qua tin nhắn, bạn chỉ có thể nhắn tin bầu chọn một lần cho một nghệ sĩ hoặc tác phẩm hay chương trình mà mình yêu thích nhất. Tin nhắn trùng lặp sẽ được tính là phiếu bầu không hợp lệ.
TÀI TRỢ ĐỘC QUYỀN:
Bình luận (0)