img


img

guyễn Vĩnh Bảo, nhạc sư cổ nhạc cuối cùng thuộc thế hệ hậu tổ của Đờn ca Tài tử Nam Bộ cũng là cuối cùng thuộc thế hệ buổi đầu hình thành sân khấu Cải lương, đã về với tổ nghiệp ở tuổi 104 tại Cao Lãnh - Đồng Tháp.

Nhạc sư Vĩnh Bảo sinh ngày 19-8-1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình nho học. Cụ thân sinh tên Nguyễn Hàm Ninh vốn là địa chủ, mê Hát bội và là dân chơi cổ nhạc sành điệu. Ông Ninh thường tổ chức Đờn ca Tài tử tại nhà với các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời, nhạc sư Vĩnh Bảo vì thế tiếp cận với cổ nhạc khá sớm.

[eMagazine] Nhạc sư Vĩnh Bảo - Tiếng nhạc trăm năm - Ảnh 2.

Nhạc sư bắt đầu được dạy đàn từ khi 5 tuổi. Năm 12 tuổi, nhạc sư có thể chơi đàn Kìm, Tranh, Cò, Gáo và Độc Huyền. Ở tuổi 20, cái tên Vĩnh Bảo đã đứng cùng với các nhạc sĩ cổ nhạc trứ danh lúc bấy giờ. Năm 1938, cô Ba Thiệt (chị Cô Năm Cần Thơ) ca vọng cổ nhịp 16 thu đĩa Béka với tiếng đờn Vĩnh Bảo, Năm Nghĩa, Ba Cân. Đây là một trong những đĩa nhạc đầu tiên đánh dấu sự hình thành và bắt đầu thịnh hành của Vọng cổ nhịp 16 sau giai đoạn bài Dạ cổ Hoài lang được phát triển từ nhịp đôi lên nhịp 4 và 8.

Nhạc sư thuộc thế hệ sáng lập của Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (Nhạc viện TP HCM), và có một thời gian dài dạy cổ nhạc miền Nam tại đây. Học trò của nhạc sư từ buổi đầu thành lập Nhạc viện hiện vẫn còn có người tiếp tục sự nghiệp giảng dạy đàn tranh như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời, NGƯT Phạm Thúy Hoan. Cũng trong thời gian giảng dạy tại Nhạc viện, nhạc sư đã sáng tạo ra lối kí âm riêng cho cổ nhạc Nam Bộ để tránh quá lệ thuộc vào cách kí âm của phương Tây. Nhạc sư vẫn trung thành với lối kí âm đó trong giảng dạy cổ nhạc cho đến cuối đời.

[eMagazine] Nhạc sư Vĩnh Bảo - Tiếng nhạc trăm năm - Ảnh 3.

Nhạc sư Vĩnh Bảo khi còn trẻ và chân dung ông được phác họa lại khi bước sang tuổi 100

Từ năm 1955, nhạc sư bắt đầu nghiên cứu cải tiến đàn tranh 16 dây truyền thống. Sau nhiều khó khăn, nhạc sư đã thành công khi chính tay đóng những cây đàn tranh 17, 19 rồi 21 dây. Đàn tranh của nhạc sư Vĩnh Bảo có nhiều điểm khác biệt so với đàn tranh truyền thống: âm vực rộng hơn, tiếng đàn vang hơn, sự tiện lợi khi chơi cổ nhạc miền Nam cũng nhiều hơn… Đàn tranh do nhạc sư đóng đã tạo được tên tuổi riêng, và GS Tô Vũ đã gọi thẳng là "Tranh Vĩnh Bảo".  

Năm 1969, nhạc sư thực hiện bộ đĩa cổ nhạc miền Nam (thường gọi là băng Nam Bình) với những nhạc sư lừng danh: Sáu Tửng, Mười Tiểng, Hai Phát, Năm Vĩnh, Hai Thơm, Tư Huyện, Chính Trích, Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá, Nguyễn Đình Nghĩa. Băng Nam Bình thật sự là một trong những tác phẩm kinh điển về đờn cổ nhạc miền Nam cho các thế hệ nhạc sĩ nghiên cứu và học tập.

[eMagazine] Nhạc sư Vĩnh Bảo - Tiếng nhạc trăm năm - Ảnh 4.

Năm 1971, nhạc sư sang Mỹ dạy âm nhạc Việt Nam tại Southern Illinois University cùng với GS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1972, nhạc sư sang Pháp và cùng với GS Trần Văn Khê đờn thu cổ nhạc Nam Bộ cho UNESCO và Đài phát thanh Pháp (Radio France). Khi ấy, nhạc sư được mời đến gặp gỡ và trao đổi về âm nhạc, về kỹ thuật đóng đàn với nhạc sư trứ danh của Pháp-Giáo sư âm thanh nhạc học Emile Leipp. Năm 2002, Radio France cử người sang Thành phố Hồ Chí Minh mời nhạc sư đờn thu âm cổ nhạc Nam Bộ trong bộ đĩa "Vinh Bao et Ensemble". Góp mặt trong đĩa còn có các danh cầm Ba Tu, Út Tỵ.

Nhạc sư gắn bó với cổ nhạc gần trọn trăm năm. Nhạc sư là người trải nghiệm đầy đủ những thịnh suy của Đờn ca Tài tử và của Cải lương từ thuở mới hình thành. Nhạc sư là bạn thân của những cây đại thụ trong làng âm nhạc và nghiên cứu văn hóa Việt Nam như GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy, GS Tô Vũ, học giả Vương Hồng Sển… Nhạc sư là bạn cùng thời của nhiều nhạc sư trứ danh: Sáu Tửng, Tư Huyện, Chín Trích, Năm Cơ, Bảy Bá, Văn Vĩ… Nhạc sư đã tỉ mỉ ghi chép được danh sách trên 200 nhạc sĩ cổ nhạc Nam Bộ mà nhạc sư từng tiếp xúc từ năm 1925 - một tài liệu quý giá cho giới nghiên cứu Đờn ca Tài tử. Chắt lọc qua bao tháng ngày thăng trầm đó, nhạc sư vẫn giữ được nét tinh túy ban đầu của cổ nhạc miền Nam. Tức là, thế hệ đầu thế kỷ 21 nếu muốn trực tiếp thưởng thức cái đặc sắc của cổ nhạc miền Nam của thời kỳ đầu thì đến với nhạc sư Vĩnh Bảo. GS Trần Văn Khê xem nhạc sư Vĩnh Bảo là "Hậu tổ" của Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Năm 2018, nhạc sư tặng toàn bộ tài liệu trên 90 năm cho tỉnh Đồng Tháp và trở về sống những ngày cuối đời tại quê hương. 

[eMagazine] Nhạc sư Vĩnh Bảo - Tiếng nhạc trăm năm - Ảnh 5.

Nhạc sư Vĩnh Bảo cùng NSƯT Văn Hai, NSƯT-TS Hải Phượng, trong buổi Đờn ca Tài tử tại tư gia đường của nhạc sư trên đường Bùi Hữu Nghĩa (TP HCM) năm 2017 (Ảnh: Thu Anh)

Những ngày ở tuổi trên 100, nhạc sư vẫn miệt mài giảng dạy cổ nhạc trực tiếp hoặc qua Internet, vẫn đón tiếp nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc trong và ngoài nước, thường đờn ca với các thế hệ tiếp nối như nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, NSƯT Văn Hai, NSƯT-TS Hải Phượng, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát…

Như vậy, tính từ khi bắt đầu học đờn cho đến ngày tạ thế, trong làng cổ nhạc miền Nam, nhạc sư Vĩnh Bảo là người chơi nhạc có tuổi nghề cao nhất. Các nhạc sư thuộc thế hệ khởi đầu của cải lương đều đã về với tổ nghiệp từ lâu, và nhạc sư Vĩnh Bảo là nhân chứng sống duy nhất của giai đoạn lịch sử này ở đầu thế kỉ 21 và là nhạc sư sống thọ nhất. Nhạc sư cũng là nhà nghiên cứu âm nhạc, nhà giáo dạy cổ nhạc Nam Bộ lâu năm trong và ngoài nước, nghệ nhân đóng đàn nổi tiếng từ hơn nửa thế kỉ, người cải tiến đàn tranh thành công, diễn giả âm nhạc tầm vóc quốc tế bằng nhiều ngôn ngữ, nhà thơ đa ngôn ngữ. Nhạc sư cũng là người có đóng góp lớn trong hồ sơ Đờn ca Tài tử trình Unesco để được ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có thể nói nhạc sư là một trường hợp hi hữu trong làng cổ nhạc miền Nam.

[eMagazine] Nhạc sư Vĩnh Bảo - Tiếng nhạc trăm năm - Ảnh 6.

Một vài hình ảnh trong buổi mừng Đại thọ của nhạc sư Vĩnh Bảo (Ảnh: Thanh Hiệp)

Với những đóng góp to lớn cho âm nhạc truyền thống, nhạc sư đã nhận được nhiều giải thưởng giá trị trong và ngoài nước: Giải thưởng Phan Châu Trinh, Giải thưởng Đào Tấn, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Huân chương Văn học Nghệ thuật của Pháp... Năm 2018, tỉnh Đồng Tháp đã lập một Nhà lưu niệm trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sư tại Bảo tàng Đồng Tháp. Đây là một địa chỉ về nguồn cho các thế hệ yêu cổ nhạc và là một nơi cung cấp nhiều tài liệu có giá trị cho giới nghiên cứu cổ nhạc. Nhiều địa điểm có liên quan đến âm nhạc khác cũng trưng bày tài liệu cổ nhạc hoặc nhạc cụ của nhạc sư Vĩnh Bảo.

Nhạc sư đã chơi đàn và dạy đàn đến hơi thở cuối cùng. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, khi chúng tôi tới thăm thì nhạc sư vẫn nói chuyện và gởi gắm về cổ nhạc miền Nam. Tầm ảnh hưởng của nhạc sư không chỉ đối với dân trong nghề nhạc, bởi trong vô số học trò của nhạc sư có rất nhiều người không sống bằng nghề liên quan đến âm nhạc. 

Nhạc sư đã ra đi theo quy luật tạo hóa, nhưng tiếng đờn gói trọn trăm năm của nhạc sư sẽ mãi còn đó, sẽ mãi ngân vang trong lòng dân tộc, trong lòng người mộ điệu Đờn ca tài tử - Cải lương Nam Bộ:

Ấp ủ tâm tư ngót trăm năm
Nhấn phím nhói tim nỗi thăng trầm
So dây sắp chữ nương hồn nhạc
Tấu khúc tình đời mội chữ TÂM.


LÊ HỒNG PHƯỚC
Tiến sĩ Lịch sử văn hóa
Đại học KHXH&NV-Đại học Quốc gia TP HCM

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên