ại Lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Trần Hữu Trang, với tư cách là một nữ đạo diễn gắn bó nhiều hoạt động của đơn vị nghệ thuật công lập này, NSƯT đạo diễn Hoa Hạ đã xuất hiện trong buổi giao lưu được livetream kh nói về những thành tựu của Nhà hát.
45 năm với vị thế là một đơn vị nghệ thuật công lập, mang theo sứ mệnh cao cả là góp phần bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi khi đang từng bước tiến lên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa, Nhà hát Trần Hữu Trang đã có nhiều bước tiến vững vàng, trong đó phải kể đến hai công trình đỉnh cao mà NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ đã dàn dựng. Đó là tác phẩm "Kim Vân Kiều", do tác giả Hoàng Song Việt – NSƯT Hoa Hạ - tác giả Tô Thiên Kiều chuyển thể từ truyện thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du (2007) và vở "Chiếc Áo Thiên Nga" của Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt (năm 2008).
Để có được những thành tựu rực rỡ đó, NSƯT Hoa Hạ và các thế hệ nghệ sĩ biết ơn các thế hệ tiền nhân và bà đã dốc sức làm những gì có thể để tạo vị thế đơn vị nghệ thuật cấp quốc gia. "Trong những vị lãnh đạo của Nhà hát, tôi nhớ đến cố nghệ sĩ Phan Quốc Hùng – nguyên Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, anh là người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm. Cùng nhau dấn thân vào những dự án lớn và vượt qua biết bao cực nhọc của hai công trình "Kim Vân Kiều" và "Chiếc áo thiên nga", chúng tôi đã đón nhận được sự khen ngợi, hưởng ứng của số đông khán giả mộ điệu cải lương" – NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ nói.
Bà tin tưởng khi đã có được một nền tảng vững vàng sau 45 năm hình thành và vun bồi, ban lãnh đạo mới của Nhà hát ý thức được điều trông đợi của công chúng, của nghệ sĩ để luôn nỗ lực hết mình với kế hoạch tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao, làm mới nghệ thuật cải lương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả.
Trên thực tế, còn một công trình dở dang là tác phẩm "Hoàng đế Quang Trung" của Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh. Công trình thứ ba này đành bỏ dở trước nhiều khó khăn mà bà và ban giám đốc Nhà hát thời đó rất tiếc. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, tin rằng khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Nhà hát sẽ lên kế hoạch triển khai nhiều tác phẩm mới, trong đó có thể dàn dựng vở "Hoàng đế Quang Trung" và đạo diễn Hoa Hạ vẫn là người thực hiện tác phẩm này.
NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ tên thật là Ánh Phượng, quê ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Bà luôn tự hào về nơi mình sinh ra vì đó là quê hương của nhiều tài danh nổi tiếng của vườn hoa nghệ thuật như: GS-TS Trần Văn Khê, NSND Phùng Há, NSND Nguyễn Thành Châu, Tác giả Trần Hữu Trang, NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương… Là gương mặt quen thuộc của giải Mai Vàng, từng đoạt giải hai năm liền: vở "Đèn lồng để cao cao" (1997), "Cô đào hát" (1998), năm nay vở "Nàng Xê Đa" với phiên bản mới do NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng đã được bạn đọc đề cử vào Top 3 vòng bầu chọn.
Nói về tác phẩm "Nàng Xê Đa", nhà báo Linh Đoan (Báo Tuổi Trẻ) nhận định trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, làng cải lương rơi vào trầm lắng, "Nàng Xê Đa" phiên bản 2021 là vở diễn duy nhất trở lại làm nóng sàn diễn giai đoạn đó với kinh phí "chịu chơi" hơn 700 triệu đồng. Vở "Nàng Xê Đa" không sử dụng màn hình LED, vì vậy cảnh trí đã ngốn một phần không nhỏ kinh phí. Đổi lại, khi sân khấu mở màn, nhiều người đã trầm trồ với vẻ đẹp lộng lẫy của đền đài, thành quách. Ánh sáng được xử lý để tạo hình ảnh lung linh, huyền ảo. Các bài múa từ xứ sở Campuchia được Lê Việt dàn dựng sinh động, không chỉ diễn viên múa mà gần như tất cả các diễn viên trong vở diễn đều phải tập để có ít nhất một đến hai cảnh múa. "Có thể nói, về phần nhìn, vở có màu sắc hấp dẫn. Về phần nghe, "Nàng Xê Đa" tập trung rất nhiều những giọng ca đã đoạt giải Chuông vàng vọng cổ như: Võ Minh Lâm, Minh Trường, Phương Cẩm Ngọc, Cao Thúy Vy… bên cạnh các nghệ sĩ: Phượng Loan, Chí Linh, Tú Sương, Lê Trung Thảo, Hoàng Quốc Thanh… Mỗi nhân vật xuất hiện, đạo diễn đã kỳ công khai thác để họ phô diễn khả năng của mình" - nhà báo Linh Đoan nhận xét.
NSND Trần Minh Ngọc tin rằng khán giả, bạn đọc sẽ đưa ra kết quả cuối cùng. Tuy vậy, thành quả của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt do soạn giả Hoàng Song Việt đầu tư, tác phẩm "Nàng Xê Đa" là một điểm sáng nổi bật trong lãnh vực cải lương của năm 2021.
Trên thực tế, nếu không vì đại dịch, một chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm làm nghề của đạo diễn Hoa Hạ đã được tổ chức. Bà đã từng chia sẻ muốn dàn dựng một chuỗi các vở diễn mà bà đã ấp ủ, từ kịch nói đến cải lương, nhạc kịch và cả hát bội. Nhìn lại chặng đường đã qua, bà luôn là người hài lòng với từng công việc, bởi cá tính không thích bon chen, chụp giựt nên bao giờ cũng đầu tư tác phẩm chắc chắn và được công chúng phản hồi tích cực.
Từ năm 12 tuổi, bà đã bộc lộ năng khiếu sáng tác ca khúc, rồi ôm đàn hát trong những lần nhà trường tổ chức phong trào văn nghệ. Sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) khoa đạo diễn và đạt số điểm Thủ khoa. Năm cuối của khóa học, bà lén đi thi và đạt giải nhất "Đơn ca mùa xuân" với nghệ danh Hoa Hạ.
Từ sự kiện này, Đoàn kịch Cửu Long Giang đã mời bà về và từ đó mang nghệ danh Hoa Hạ - tức hoa của mùa hè, gần giống với tên thật Ánh Phượng mà một thời trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, bà khắc đậm dấu ấn với vai Phồn Y trong tác phẩm "Lôi Vũ" cũng do bà dàn dựng năm 1987.
Vốn là một cô đào đẹp của kịch nói và điện ảnh, bà được phân công nhiều vai chính trong kịch, sau đó là phim ảnh, nổi bật với phim: "Con mèo nhung" và sau này với phim "Miền đất phúc"… Bà về đầu quân Đoàn kịch Bông Hồng, tạo sự chú ý với các vở: "Cô gái ngồi trên gốc cây gãy", "Tiếng nổ lúc 0 giờ"…
Đã từng tham gia Ban giám khảo cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức và dàn dựng chương trình "Ngân mãi chuông vàng" hằng tháng, giúp các diễn viên đoạt giải thể hiện các vai diễn khó trong nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển, bà đã dìu dắt, nâng đỡ để họ tự tin tỏa sáng. "Tôi trông cậy vào thế hệ nghệ sĩ trẻ, họ là những nhân tố tích cực để góp phần mang lại giá trị sáng tạo mới cho sân khấu cải lương" – NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ tâm sự.
Bình luận (0)