Nhà thiết kế Thuận Việt có một chỗ đứng nhất định trong làng thời trang Việt với phong cách riêng. Nhưng điều nổi bật nhất khi nhắc đến cái tên Thuận Việt chính là việc anh cố giữ được nét truyền thống của áo dài, mặc bao đổi mới, cách tân chiếm lĩnh thị phần thời trang này.
Phóng viên: "Cách tân" là cụm từ gắn liền với áo dài từ nhiều năm nay nhưng anh vẫn trung thành với thiết kế áo dài truyền thống. Anh từ chối sự hòa nhập?
- Nhà thiết kế Thuận Việt: Áo dài không chỉ là một bộ trang phục mà còn mang cái hồn của văn hoá dân tộc. Bảo vệ, xây dựng và phát triển áo dài cũng là bạn bảo vệ, xây dựng và phát triển truyền thống văn hoá Việt Nam.
Để xây dựng nên phong cách riêng hoàn toàn không đơn giản. Áo dài Thuận Việt luôn được sáng tạo trên những gì rất Việt Nam. Đó là sự kết hợp từ những kiểu dáng cơ bản của áo dài truyền thống, các chất liệu Á đông như lụa, gấm kết hợp hoạ tiết mang âm hưởng dân gian, những sắc màu uyển chuyển của các nghệ nhân thêu Việt. Đó sẽ là những gì khó nhầm lẫn về một hình ảnh áo dài Thuận Việt.
Tôi không bài trừ hay từ chối sự cách tân. Thậm chí, tôi ủng hộ cho sự cách tân hợp lý vì đó cũng là cách quảng bá áo dài Việt đến với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Nhưng tôi chọn áo dài truyền thống như một phong cách riêng cho chính mình. Bởi, mục đích cuối cùng mà tôi đi tìm không phải là doanh thu hay lượng khách hàng khủng mà là chiếc áo dài truyền thống, nguyên bản sẽ tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong thời buổi, khách hàng chọn áo dài cách tân để tiện dụng lúc mặc, liệu áo dài truyền thống của anh còn được chú ý nhiều?
- Như đã chia sẻ, tôi không theo đuổi doanh thu nên chỉ cần còn người thích áo dài truyền thống là Thuận Việt còn theo đuổi phong cách này. Mỗi phong cách áo dài sẽ mang một nét đẹp và thông điệp riêng. Tôi yêu thích chiếc áo dài nền nã, khoe trọn vẻ đẹp cơ thể người mặc nên vẫn yêu giá trị truyền thống cũ.
Điều thú vị không phải ai cũng biết là người nước ngoài đặc biệt thích áo dài phong cách truyền thống. Chỗ tôi tiếp đón nhiều khách Nhật, Tây đủ cả. Có người còn may cả chục bộ để mặc dần. Còn có người may để làm bộ sưu tập riêng. Điều tôi vui nhất là họ trân trọng trang phục truyền thống của Việt Nam lắm.
Áo dài Thuận Việt gắn liền với trang phục dân tộc của nhiều người đẹp trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Đâu là thiết kế mà anh tâm đắc nhất?
- Đó là bộ Rồng Việt dành cho hoa hậu Thanh Hằng tại cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2005 và thứ đến là bộ "Vũ khúc hạc" mà Thùy Lâm mặc tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Bộ trang phục lọt vào top 10 trang phục dân tộc đẹp nhất. Bộ sưu tập Tre Việt của Chung Thục Quyên được trao giải Trang phục Dân tộc đẹp nhất cuộc thi hoa hậu Siêu quốc gia, bộ sưu tập Giấc mơ hồng hạc của Phạm Hương tại Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới 2016…. Tất cả tạo nên động lực cho Thuận Việt tiếp tục sáng tạo và phát huy để tạo nên những bộ sưu tập mới.
Không cách điệu áo dài nhưng sáng tạo trên áo dài chắc chắn phải có. Vậy, có hay không giữa hai khái niệm này theo nhìn nhận của anh?
- Cách tân áo dài và sáng tạo dựa trên cảm hứng từ áo dài là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau và ranh giới ấy cũng rất mỏng manh. Xác định rõ mục đích ngay từ đầu là một việc làm quan trọng để ta biết ta đang làm gì. Do vậy, một nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp phải biết điểm dừng ở đâu là hợp lý nhất. Và quan trọng nhất là phải biết tư vấn cho người mặc những thiết kế phù hợp với từng hoàn cảnh và mục đích sử dụng.
Từ khi nào, anh yêu áo dài nhiều đến thế?
- Bố mẹ làm nghề thêu từ khi còn rất trẻ và tôi đến với áo dài vì muốn kế thừa nghề thêu thủ công của gia đình. Lúc đó, thiết kế áo dài đơn thuần chỉ là công việc. Nhưng rồi một ngày, cảm xúc của tôi với áo dài như tình thân. Tôi khó chịu khi áo dài bị cắt xẻ manh mún.
Bình luận (0)