img
NSND Lệ Thủy – Mỗi vai diễn là cánh mai vàng khoe sắc - Ảnh 1.

Với hai lần đoạt giải Mai Vàng do bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn: Năm 2008, vai Nguyệt (vở "Tô Ánh Nguyệt") và năm 2009, vai Hồ Bảo Xuyên (vở "Đêm lạnh chùa hoang"), NSND Lệ Thủy đã là điểm tựa vững vàng cho những diễn viên trẻ phấn đấu không ngừng trong mỗi mùa tranh giải Mai Vàng, khi mà năm 2010, bà chính thức gửi lời đến Ban tổ chức, xin được rút lui nếu có tên trong danh sách đề cử.

NSND Lệ Thủy nhận Giải Mai Vàng lần thứ 15

Bà đã từng chia sẻ: "Tôi hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của khán giả dành cho vai diễn trong năm 2008 và 2009, để qua đó tôi và anh Minh Vương yên tâm rằng chúng tôi, thế hệ vàng của sân khấu cải lương, vẫn đồng hành cùng thế hệ diễn viên trẻ, cùng tạo được sự đồng cảm đối với người xem qua các vở diễn trên sân khấu. Hai năm đó, tôi rất vui khi kết quả cuối năm đã mang lại cho Sân khấu Vàng những tín hiệu mới, để rồi các nữ diễn viên như: NSƯT Phượng Loan, Thoại Mỹ, Thanh Thanh Tâm, Tú Sương, Quế Trân… được bạn đọc đề cử và đoạt giải. Do vậy, từ năm 2010, tôi đã gửi lời đến Ban tổ chức xin được rút tên từ đầu của vòng đề cử, nhường cơ hội cho đàn em. Đối với tôi, giải Mai Vàng đã động viên các nhân tố trẻ để các em hợp lực đem lại sự khởi sắc cho mùa xuân sàn diễn. Và đã 25 năm trôi qua, giải Mai Vàng đem lại sự bất ngờ cho khán giả. Xin chân thành cảm ơn những tình cảm của khán giả dành cho nghệ sĩ chúng tôi thông qua giải Mai Vàng mỗi năm".

img
img

Được đánh giá là một nữ nghệ sĩ chuyên diễn các vai đào thương đầy tài năng của Sân khấu Cải lương Nam bộ, NSND Lệ Thủy hội đủ 4 yếu tố: thanh - sắc - đức – tài. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cho đến mùa giải Mai Vàng năm nay, bà vẫn ghi tạc vào lòng công chúng những dấu tượng đẹp về nhân cách sống và những sáng tạo mộc mạc qua các vai đào chánh trên sàn diễn cải lương.

NSND Lệ Thủy – Mỗi vai diễn là cánh mai vàng khoe sắc - Ảnh 4.
NSND Lệ Thủy – Mỗi vai diễn là cánh mai vàng khoe sắc - Ảnh 5.

Vốn là cô đào hái ra tiền cho nhiều đại ban Cải lương, NSND Lệ Thủy từng được ví là cặp "Bão biển" trên sân khấu Kim Chung V khi sánh bước với cố NSƯT Minh Phụng, rồi sau đó với NSƯT Minh Vương - Giải Khôi Nguyên vọng cổ năm 1964. Đồng thời năm đó, NS Lệ Thủy cũng được trao HCV triển vọng Thanh Tâm. "Có thể nói Lệ Thủy không phải là cô đào kén kép. Diễn cặp với tôi, Thành Được, Thanh Hải, Tấn Tài, Phương Quang, Minh Phụng, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Thanh Tòng, Lương Tuấn, Vũ Linh…, Lệ Thủy đều để lại ấn tượng đậm nét. Giải Mai Vàng trao cho Lệ Thủy với hai vai diễn hay nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của cô, đó là Tô Ánh Nguyệt và Hồ Bảo Xuyên, đều đóng chung với tôi, đó là niềm vinh dự của một bạn diễn ăn ý" – NSƯT Minh Vương – người cùng sáng lập Sân khấu Vàng với NSND Lệ Thủy, đồng thời là bạn diễn ăn ý được Trung tâm Xác lập kỷ lục ghi nhận và trao bằng năm 2008, nói.

NSND Lệ Thủy – Mỗi vai diễn là cánh mai vàng khoe sắc - Ảnh 6.

Hơn nửa thế kỷ đứng trên sân khấu, NSND Lệ Thủy theo lời nhận xét của NSND Diệp Lang, "đó là cô đào ngoại lệ". Ông nhận định bà không tuân theo quy luật thời gian, dù đã U70 vẫn có thể diễn vai đào chánh, với nét duyên dáng, mặn mà, kết hợp với giọng ca thổ pha kim ngọt ngào, chân phương, làm mê đắm khán giả mộ điệu cải lương.

Bà như cánh én mùa xuân đem lại cho khán thính giả những trải nghiệm đáng quý về cuộc sống thông qua vai diễn trên sân khấu và băng dĩa thập niên 70 -80.

"Trong sự nghiệp nghệ thuật của NSND Lệ Thủy có hàng trăm số phận nhân vật, có thể nói tất cả đều là những vai diễn in đậm trong tâm trí khán giả như: Tây Thi (vở "Tây Thi"), Dương Quý Phi (vở "Dương Quý Phi"), Chiêu Quân (vở "Chiêu Quân cống Hồ"), Thiên Kiều (vở "Thiên Kiều công chúa"), Châu Long (vở "Lưu Bình -Dương Lễ"), Lan (vở "Lan và Điệp"), Diệu (vở "Nửa đời hương phấn"), Mai Đình (vở "Hàn Mạc Tử"), Kim Anh (vở "Đời cô Lựu"), Liên (vở "Cô gái bán sầu riêng"), Lan (vở "Tình mẫu tử") … nhưng Tô Ánh Nguyệt (vở cùng tên), Hồ Bảo Xuyên (vở "Đêm lạnh chùa hoang") là hai vai diễn đáng nhớ nhất" – NS Tú Trinh nhận định.

img
img

Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, giải Mai Vàng năm 2008 và 2009 đã trao cho NSND Lệ Thủy rất xứng đáng. Bởi, NSND Lệ Thủy đã thể hiện vai Nguyệt bằng cả trái tim mình, khiến người xem đồng cảm khi nhận thấy bà sống trong đau khổ của nhân vật. "Song, cốt lõi của nhân cách mà Lệ Thủy thể hiện cho cô Nguyệt là tinh thần người phụ nữ luôn ý thức vươn tới, bằng nghị lực chống lại định kiến xã hội bất công thời đó. Dù không được lên xe hoa, được chọn người mình yêu nhưng cô Nguyệt đã dám sanh con, giữ lại giọt máu tình yêu của mình" – NSƯT Thoại Miêu chia sẻ.

img
img

Quả nhiên, qua cách thể hiện của NSND Lệ Thủy, đức tính dám hy sinh hạnh phúc riêng vì người khác, chấp nhận những thiệt thòi đã là nét chấm phá lớn nhất trong tác phẩm "Tô Ánh Nguyệt" của tác giả Trần Hữu Trang, mà công lao dàn dựng, thêm thắt nhiều tình tiết để kịch bản sâu sắc hơn là do NSND Diệp Lang.

NSND Lệ Thủy – Mỗi vai diễn là cánh mai vàng khoe sắc - Ảnh 9.
NSND Lệ Thủy – Mỗi vai diễn là cánh mai vàng khoe sắc - Ảnh 10.

"Khi tập vai Tô Ánh Nguyệt cũng là lúc tôi mới sinh con trai út được hai tháng. Tình mẫu tử thiêng liêng với chính đứa con ruột đã hòa quyện vào vai diễn tạo nên hiệu quả tuyệt vời cho sự nghiệp của tôi. Điều đặc biệt là vở diễn này có rất nhiều nam khán giả đến xem, nhớ những ngày Tết có người đi xem liền hai suất, vẫn ngồi ở hàng ghế đó, và đến cảnh tôi trao con thì anh ấy khóc ròng. Qua mấy chị soát vé, tôi biết anh khán giả đó có tâm trạng đau khổ khi không cưới được người mình yêu, mà đứa con ngoài giá thú của anh, đến nay vẫn chưa được gặp mặt. Vai Nguyệt của tôi đã tìm được sự chia sẻ, giúp cho nhân vật Nguyệt đi vào lòng khán giả một cách bền bỉ" – NSND Lệ Thủy tâm sự.

Trên 45 năm rồi, vậy mà mỗi lần nhắc đến vai Hồ Bảo Xuyên quận chúa trong vở cải lương "Đêm lạnh chùa hoang", khán thính giả lại yêu say đắm mối tình của người con gái Mông Cổ trót yêu chàng trai đất Hán. Nỗi niềm của nàng quận chúa vô tình vướng vào tình yêu ngang trái qua giọng ca trong trẻo, ngọt ngào của NSND Lệ Thủy đã khắc sâu vào tâm trí khán thính giả cho đến ngày nay.

img
img

Ảnh tư liệu Báo Người Lao Động

"Tôi nhớ khi lập đoàn Sân khấu vàng, NSND Lệ Thủy đề nghị dựng lại vở "Đêm lạnh chùa hoang" của soạn giả Yên Lang, trong hai ngày 20 và 21-8-2009, khán giả ùn ùn đến xem, chúng tôi phải bán thêm ghế súp mới đáp ứng được nhu cầu. Và tôi may mắn được diễn chung với NSND Lệ Thủy, được ngắm nhìn cô với vai diễn để đời Hồ Bảo Xuyên. Đồng thời, được trao nhà tình thương cho đồng bào nghèo, đó là doanh thu của mỗi suất diễn mà nghệ sĩ chúng tôi gom góp" – NSƯT Hoài Linh bộc bạch.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, nhất là ở vị trí trưởng đoàn Sân khấu Vàng, NSND Lệ Thủy thời đó đã điều hành đoàn nghệ thuật xã hội hóa này, dàn dựng và tổ chức biểu diễn hơn 10 vở, đạt doanh thu cao và xây hơn 30 căn nhà cho đồng bào nghèo.

img
img
img
img

NSND Lệ Thủy trong những lần làm từ thiện. Ảnh do nhân vật cung cấp

"Khán giả đã đến rạp Hưng Đạo và mang về được cảm xúc bâng khuâng, say mê nhân vật quận chúa của cải lương thời vàng son ngày nào. Cảm xúc đáng quý ấy có được phần nhiều nhờ vào nhân vật mà NSND Lệ Thủy đã thể hiện. Chị rất tôn trọng một vai diễn làm nên tên tuổi của mình nên chăm chút, tỉ mỉ và dồn hết tình cảm cho nhân vật Hồ Bảo Xuyên" – NSƯT Phượng Hằng nhớ lại.

NSND Lệ Thủy – Mỗi vai diễn là cánh mai vàng khoe sắc - Ảnh 13.

Mùa giải Mai Vàng năm nay, nhìn lại thành quả của các nghệ sĩ cải lương gắn với sàn diễn xã hội hóa, NSND Lệ Thủy mừng vì các diễn viên trẻ vẫn còn xông xáo bám sàn diễn, góp phần vực dậy cải lương trong tình hình khó khăn hiện nay. Bà kỳ vọng sẽ có một thế hệ nghệ sĩ trẻ làm chủ sàn diễn, mang lại những mùa xuân tươi thắm cho bộ môn nghệ thuật cải lương khi bước sang tuổi 101.

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên