Nằm khiêm nhường ở khu chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM) nhộn nhịp, các tiệm vàng mang tên Mi Hồng từ lâu đã là điểm đến quen thuộc mỗi khi người dân có nhu cầu tích trữ, mua sắm vàng nhẫn hay trang sức - như một thói quen ăn sâu vào đời sống thường nhật.
Lần đầu tiên sau hơn 35 năm âm thầm chèo lái con thuyền mang tên Mi Hồng, ông Nguyễn Tu Mi - người sáng lập, linh hồn của Công ty TNHH Mi Hồng - đã dành cho Báo Người Lao Động một cuộc trò chuyện cởi mở. Ông không chỉ chia sẻ hành trình giữ nghề, giữ chữ tín giữa bao thăng trầm mà còn trải lòng về những áp lực, thử thách khắc nghiệt đang bủa vây ngành vàng - một ngành nghề tưởng như luôn "lấp lánh" nhưng ẩn sau đó là vô vàn nỗi trăn trở.
* Phóng viên: Là thương hiệu không xa lạ trong giới kinh doanh vàng, đặc biệt tại TP HCM, Mi Hồng có mặt trên thị trường từ khi nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Những ngày đầu, Mi Hồng chỉ là một tiệm vàng nhỏ với vốn liếng ít ỏi, kinh nghiệm gần như bằng không. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định rõ làm nghề vàng thì chữ tín là điều quan trọng nhất. Một khi đã đánh mất niềm tin của khách hàng thì sau đó cố gắng thế nào cũng khó mà lấy lại chữ tín.
Năm 1989, khi Nhà nước cho phép tư nhân kinh doanh vàng, chúng tôi mạnh dạn mở cửa hàng Mi Hồng tại số 312 Bùi Hữu Nghĩa (chợ Bà Chiểu). Năm 1993, Mi Hồng trở thành doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng. Đến năm 2006 thì chuyển đổi thành Công ty TNHH Mi Hồng như hiện nay.
Trong hơn ba thập kỷ làm nghề, dù thị trường vàng luôn biến động, Mi Hồng luôn giữ vững nguyên tắc bán đúng tuổi vàng, rõ ràng, minh bạch, không nhập nhèm, không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Nghe thì đơn giản nhưng chính những điều cơ bản đó lại trở thành nền tảng vững chắc để giữ được niềm tin của khách hàng.
* Phóng viên: Giai đoạn nào là khó khăn nhất trong hành trình hơn 35 năm qua của Mi Hồng, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Khi ấy, Mi Hồng luôn cố gắng giữ giá ổn định, minh bạch thông tin, không lợi dụng tình hình để trục lợi. Khó khăn là thật, nhưng nếu giữ được uy tín thì khách hàng sẽ quay lại và gắn bó lâu dài.
Đến dịch COVID-19, khó khăn lại theo một kiểu khác. Cửa hàng phải tạm dừng hoạt động gần 4 tháng, doanh thu gần như bằng không. Nhưng, may mắn là nội bộ công ty đoàn kết như một gia đình, cùng nhau chia sẻ, đồng hành để vượt qua giai đoạn đó.
* Phóng viên: Thời gian qua, vấn đề “nóng” nhất trên thị trường vàng là tình trạng nguồn cung trong nước khan hiếm, góp phần đẩy giá cả tăng cao. Vấn đề này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Mi Hồng nói riêng và thị trường vàng trang sức nói chung?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Tình trạng thiếu nguồn cung trong thời gian gần đây là điều mà hầu như doanh nghiệp nào trong ngành đều cảm nhận rất rõ. Mi Hồng cũng không ngoại lệ.
Khi nguyên liệu khan hiếm, giá đầu vào bị đẩy lên cao thì áp lực đè lên các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng nhẫn, vàng trang sức là rất lớn.
Với Mi Hồng, chúng tôi vẫn cố gắng xoay xở để duy trì lượng hàng phục vụ khách nhưng cũng có những thời điểm thực sự khó khăn, không tránh khỏi chuyện bị gián đoạn nguồn cung hoặc phải điều chỉnh giá bán để phù hợp với thực tế.



Ngoài ra, sự thiếu hụt hàng hóa còn khiến tâm lý người tiêu dùng trở nên hoang mang. Có lúc, khách hàng đổ xô đi mua vàng SJC, vàng nhẫn 99,99 như một cách “trú ẩn”, khiến thị trường rơi vào trạng thái sốt "ảo". Điều này vô tình khiến hoạt động giao dịch méo mó, thiếu cân đối. Nếu người mua không đủ tỉnh táo, rất dễ mua phải giá cao hơn giá trị thực.
* Phóng viên: Trong bối cảnh đó, Mi Hồng chắc cũng gặp không ít khó khăn?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Đúng vậy. Ở góc độ doanh nghiệp, điều quan trọng nhất lúc này là phải giữ được tính minh bạch trong mọi giao dịch. Dù nguồn cung có hạn, Mi Hồng vẫn kiên trì niêm yết giá rõ ràng, bán hàng có hóa đơn, truy xuất được nguồn gốc và luôn tư vấn kỹ cho khách trước khi giao dịch. Mình không kiểm soát được biến động thị trường nhưng có thể kiểm soát được cách cư xử với khách hàng trong những thời điểm nhạy cảm như này.
* Phóng viên: Trong bối cảnh như vậy, theo ông, điều khó nhất với Mi Hồng lúc này là gì?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Giá vàng tăng mạnh, thị trường biến động, nguồn cung đứt gãy, tâm lý người dân bất ổn. Chúng tôi phải cân đối đủ thứ - từ hàng hóa, tài chính đến trách nhiệm giữ cho thị trường ổn định.
Nếu phải nói đâu là cái khó nhất, thì theo tôi, đó là giữ được lòng tin của khách hàng trong một thị trường quá nhạy cảm như hiện nay. Mỗi hành động, mỗi cách ứng xử vào lúc này đều có thể để lại ấn tượng rất lâu dài. Vì vậy, Mi Hồng vẫn chọn cách đi chậm mà chắc, không chạy theo những điều nóng vội, nhất thời mà kiên định với những nguyên tắc nghề nghiệp và trách nhiệm với cộng đồng, như chúng tôi đã làm từ những ngày đầu tiên.
* Phóng viên: Khó khăn như vậy, Mi Hồng đã làm gì để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất trang sức và vàng nhẫn?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Trong bối cảnh thị trường vàng biến động liên tục như hiện nay, doanh nghiệp nào cũng buộc phải “đi bằng hai chân”, vừa giữ vững nguyên tắc vừa linh hoạt để thích nghi. Với Mi Hồng, chúng tôi xác định rất rõ rằng muốn đi được đường dài thì phải giữ được sự bình tĩnh. Không phản ứng theo cảm xúc nhất thời, phải có sự chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng để duy trì ổn định hoạt động, cũng như giữ được lòng tin của khách hàng.
Dù vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay mà chúng tôi đang đối mặt là nguồn nguyên liệu không ổn định và gần như không được cung ứng từ các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, lượng vàng người dân bán lại cho chúng tôi cũng không nhiều, không đủ để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao.
Nói thật lòng, nhiều lúc chúng tôi cũng rất lúng túng, bị động, muốn phục vụ khách hàng chu đáo nhưng lại không biết phải xoay xở nguồn hàng từ đâu. Mà càng chạy theo thị trường càng dễ rơi vào rủi ro về giá cả, tồn kho và nhiều rủi ro, hệ lụy khác.
Dù khó, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chủ động trong khả năng của mình. Cụ thể là duy trì quan hệ chặt chẽ với các đối tác cung ứng uy tín, linh hoạt nhập hàng trang sức có kiểm định rõ ràng, truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Đồng thời, theo sát diễn biến thị trường, cập nhật kịp thời các chính sách điều hành và chủ động lên kế hoạch dài hạn để không rơi vào thế bị động.
Về quy trình nội bộ, chúng tôi rà soát lại toàn bộ quy trình, tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí từ khâu sản xuất đến bán hàng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng. Trong bối cảnh thị trường nhiều bất ổn, việc giữ cho bộ máy gọn gàng, chủ động là điều rất quan trọng.



* Phóng viên: Xin phép đặt một câu hỏi thẳng thắn. Hiện nay, thị trường vàng xuất hiện không ít giao dịch ngoài luồng, thậm chí có nguy cơ nhập lậu. Mi Hồng làm thế nào để kinh doanh luôn tuân thủ pháp luật, không bị cuốn vào những hoạt động không minh bạch này?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Làm nghề vàng, cái quý nhất không phải là hàng hóa, mà là chữ tín. Làm sao để khách hàng bước vào tiệm thấy yên tâm, và quay lại sau nhiều năm vẫn giữ nguyên niềm tin. Với tôi, điều đó còn quan trọng hơn cả doanh thu.
Chính vì vậy, từ trước đến nay, Mi Hồng luôn xác định rõ ràng mọi khâu trong hệ thống - từ nhập hàng, sản xuất, niêm yết giá cho đến bán ra - đều phải minh bạch, đúng quy định, có giấy tờ đầy đủ, rõ nguồn gốc. Không có chuyện nhập nhèm, không làm liều vì cái lợi trước mắt.
Thời gian gần đây, đúng là thị trường có xuất hiện nhiều giao dịch không chính thức, thậm chí tiềm ẩn rủi ro từ vàng không rõ nguồn gốc. Nhưng những lúc như vậy, các nguyên tắc tưởng như xưa cũ như kiểm soát dòng tiền, biết rõ nguồn hàng, tra soát kỹ chứng từ lại càng phải giữ chặt hơn bao giờ hết.


Với các đối tác, chúng tôi chỉ làm việc với những đơn vị có pháp lý rõ ràng, có uy tín thực sự. Còn ở nội bộ công ty, từ người đứng quầy đến kế toán đều được nhắc nhở thường xuyên, được cập nhật quy định mới. Và, quan trọng nhất là ai cũng hiểu giữ sự minh bạch không chỉ là yêu cầu của công ty mà là trách nhiệm chung, là sự sống còn của cả tập thể.
Thật ra, trong một thị trường nhạy cảm như vàng, đúng và sai đôi khi chỉ cách nhau một quyết định. Nhưng, càng trong bối cảnh phức tạp thì càng phải giữ được tỉnh táo và giữ được cái tâm với nghề. Mi Hồng chọn con đường rõ ràng. Có thể không đi nhanh nhưng chắc. Vì cuối cùng, niềm tin của khách hàng mới là thứ giúp mình tồn tại bền lâu.
* Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì về sự thay đổi trong chính sách quản lý thị trường vàng của Nhà nước trong thời gian tới, đặc biệt là đối với ngành trang sức?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Thực tế là thời gian qua, thị trường vàng trong nước đã có nhiều biến động, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn cung và khoảng cách khá lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang mà ngay cả các doanh nghiệp trong ngành, trong đó có Mi Hồng, cũng gặp không ít khó khăn trong việc chủ động nguồn hàng để phục vụ khách một cách ổn định.
Tôi rất mong trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn trong chính sách quản lý để thị trường vàng - đặc biệt là vàng nhẫn, vàng trang sức - được vận hành linh hoạt hơn, sát với nhu cầu thực tế.



Ví dụ, Nhà nước có thể xem xét lại cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nếu cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được chủ động nguồn đầu vào cho sản xuất, sẽ góp phần đáng kể trong việc bình ổn thị trường. Giá cả cũng sẽ bớt căng thẳng và người dân sẽ yên tâm hơn khi giao dịch, không bị ảnh hưởng bởi những cơn sốt mang tính tâm lý.
Tôi cũng kỳ vọng sẽ có sự phân biệt rõ ràng hơn giữa vàng miếng và vàng nhẫn, vàng trang sức trong chính sách quản lý. Bởi vàng trang sức, vàng nhẫn thực chất là mặt hàng tiêu dùng, nó có giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và thậm chí là văn hóa. Nếu được quản lý theo hướng linh hoạt và phù hợp hơn, không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất trong nước mà còn có thể mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai.
* Phóng viên: Về việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, ông có kiến nghị cụ thể nào để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng và ổn định thị trường? Liệu việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu có khả thi không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Tu Mi: Hiện tại, điều khiến doanh nghiệp khó khăn nhất là sự thiếu hụt nguồn cung vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức và vàng nhẫn. Do đó, chúng tôi rất mong Nhà nước có thể cân nhắc mở rộng cơ chế cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện, minh bạch và có năng lực thực sự được nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nếu được thực hiện hợp lý và có kiểm soát, chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, đồng thời cũng góp phần làm dịu áp lực nguồn hàng trên thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Tất nhiên, việc này cần được triển khai một cách thận trọng, có tiêu chí rõ ràng và cơ chế giám sát cụ thể để vẫn đảm bảo sự ổn định vĩ mô. Nhưng nếu được tổ chức bài bản, chúng tôi tin rằng đây là một giải pháp hoàn toàn khả thi, không chỉ trước mắt mà còn có giá trị về lâu dài cho sự phát triển bền vững của thị trường vàng trong nước.
Đề xuất giám sát thị trường bằng công nghệ số
Bên cạnh việc xem xét cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu, tôi nghĩ cũng cần từng bước đơn giản hóa thủ tục cấp phép sản xuất vàng trang sức cho những doanh nghiệp có đủ năng lực và hoạt động minh bạch. Việc này nên đi kèm với những tiêu chuẩn rõ ràng về kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vừa đảm bảo sự minh bạch cho thị trường. Làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ bớt áp lực từ thủ tục hành chính không cần thiết, còn thị trường thì sẽ vận hành thông suốt và lành mạnh hơn.
Song song đó, việc từng bước xây dựng hệ thống giám sát thị trường bằng công nghệ số, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu tập trung về giá niêm yết, nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn điện tử..., cũng là điều rất đáng cân nhắc. Đây sẽ là một nền tảng quan trọng để hỗ trợ cơ quan quản lý theo dõi thị trường chặt chẽ hơn, mà vẫn đảm bảo tính minh bạch và thuận tiện cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành.
Còn trong ngắn hạn, khi cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn chưa được tháo gỡ, việc xem xét cấp hạn ngạch hoặc tổ chức đấu giá vàng nguyên liệu theo hình thức công khai, minh bạch cũng có thể là một hướng đi phù hợp. Nếu được thực hiện bài bản, giải pháp này sẽ giúp phần nào giải tỏa áp lực nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, vàng nhẫn, vốn đang rất cần nguyên liệu để duy trì hoạt động ổn định.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)