Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 11 đang diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP HCM. Trong khuôn khổ Lễ hội, màn đồng diễn áo dài dân vũ với hơn 50.000 người tham gia, trong đó 3.000 người diễu hành tại đường Nguyễn Huệ vào sáng 8-3. Lần đầu tiên lễ hội tổ chức diễu hành cổ phục với hơn 1.000 người, tái hiện bản sắc văn hóa dân tộc.



Lần đầu tiên lễ hội tổ chức diễu hành cổ phục với hơn 1.000 người, tái hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
Anh Nguyễn Thành Nam, Trưởng Ban Đối ngoại và Truyền thông Sự kiện Bách hoa bộ hành 2025, cho biết Bách hoa bộ hành không chỉ là sự kiện đơn thuần là diễu hành mà còn mang ý nghĩa truyền bá rộng rãi lịch sử Việt Nam bằng các trang phục truyền thống qua từng thời kỳ. Sự kiện lần này có hơn 1.000 người tham gia, quy tụ rất nhiều trang phục đến từ 30 đơn vị nghiên cứu cổ phục trải dài khắp đất nước Việt Nam.









"Trải qua 4 mùa thành công ở Hà Nội thì đây cũng chính là một hành trình dài để lan toả những giá trị, những vẻ đẹp trong văn hoá của dân tộc qua từng tà áo của Việt Nam. Các trang phục cũng có rất nhiều, trải dài theo các triều đại lịch sử từ Lê Trung Hưng đến triều Nguyễn… Hy vọng qua hoạt động lần này có thể giới thiệu gần hơn đến người dân, đặc biệt là bạn trẻ TP HCM những góc nhìn màu sắc của văn hoá Việt Nam" - đại diện Sự kiện Bách hoa bộ hành 2025 chia sẻ.

Trong trang phục Việt Nam thời Lê Trung Hưng, bạn Trâm Anh (ngụ quận 10) cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam. "Khi khoác lên mình bộ trang phục này, em thấy rất vui và tự hào, thấy mình cũng là một phần của văn hoá, của lịch sử, mình được góp phần tuyên truyền để mọi người biết đến rộng rãi hơn, Việt phục của nước mình cũng rất đẹp" - Trâm Anh nói.

Anh Trọng Hiếu đã chuẩn bị từ sáng sớm và đi quãng đường từ Bến Tre lên TP HCM để tham gia Bách Hoa Bộ Hành. "Bộ trang phục tôi chọn ngày hôm nay là bộ áo cưới của người phụ nữ Nam Kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tôi cảm thấy rất tự hào khi là một người con Nam Kỳ và mong muốn giới thiệu trang phục của người Nam Kỳ, Việt Nam đến mọi người" - anh Hiếu bộc bạch.





"Chúng tôi rất thích trang phục áo dài, khoe được đường cong cơ thể. Tham gia Lễ hội Áo dài hôm nay có rất nhiều người đi cùng nhau. Áo dài rất đẹp, có nhiều hoạ tiết khác nhau, áo dài của chúng tôi đang mặc cũng vậy. Chúng tôi đến từ Đức và ở Đức không có trang phục truyền thống đẹp như vậy. Ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội để được mặc áo dài truyền thống, có thể thấy mọi người mặc hàng ngày và đặc biệt là lễ hội, chúng tôi rất thích" - hai du khách Đức Johanna và Ellis bày tỏ.

Cùng bạn bè đến tham gia Lễ hội Áo dài, bà Kim Phượng (ngụ quận 3) chia sẻ: "Tham gia vào Lễ hội Áo dài ngày hôm nay, mình đi cùng mọi người đến đây chụp hình, có nhiều thứ để mình tự hào. Mình chụp hình cùng đoàn thể trong tà áo dài rất đông và đẹp như vậy, du khách nước ngoài nhìn vào rất thích. Mỗi người một vẻ, áo dài làm tôn dáng hơn, người phụ nữ mình có vẻ đẹp rất tự nhiên".




Trong khuôn khổ Lễ hội, màn đồng diễn áo dài dân vũ với hơn 50.000 người tham gia, trong đó 3.000 người diễu hành tại đường Nguyễn Huệ vào sáng 8-3.
Lễ hội Áo dài TP HCM năm nay chú trọng các hoạt động tăng tính trải nghiệm cho người dân và du khách qua các chương trình như nghệ thuật "Áo dài với cuộc sống", cuộc thi "Duyên dáng áo dài TP HCM", vẽ, ảnh đẹp áo dài online, workshop áo dài minisize miễn phí, vẽ áo dài… kéo dài đến 9-3-2025.
Bình luận (0)