Kiến trúc độc đáo
Văn Miếu/Văn Thánh Miếu tại Nam Bộ ra đời sau Văn Miếu- Quốc Tử Giám hơn 7 thế kỷ. Thời Nam Kỳ Lục tỉnh, triều Nguyễn đã xây dựng 3 công trình. Trong đó, Văn Miếu Trấn Biên (Biên Hòa) được xây dựng sớm nhất vào năm 1715, tiếp đó là Văn Miếu Gia Định (còn gọi là Văn Thánh, thuộc Gia Định, xây dựng năm 1824) và cuối cùng là Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (xây dựng vào năm 1864).
CLIP: Nhiều du khách đến tham quan Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, họ đã phá hủy Văn Miếu Trấn Biên. Đến năm 1998, Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng lại nhân kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai. Kể cả Văn Miếu Gia Định, hiện nay chỉ còn tấm bia trong chùa Văn Thánh, chỉ có Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là kiến trúc còn nguyên vẹn và độc đáo nhất, tồn tại qua thời gian".
Nguyên vào năm Tự Đức thứ 15 (1862), 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Lúc này Vĩnh Long cũng đã lọt vào tay Pháp, tuy nhiên, theo Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862), Pháp sẽ trả lại Vĩnh Long cho triều đình Huế.
Do đó mà sĩ phu ở các tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường đã rầm rộ di chuyển về Vĩnh Long. Quan Đốc học Vĩnh Long lúc bấy giờ là Nguyễn Thông đã chọn một nơi rộng rãi gần tỉnh thành Vĩnh Long để tập trung giới sĩ phu lại tổ chức ôn tập chờ ngày thi.
Điểm nổi bật của Văn Thánh Miếu là hệ thống bia đá
Mặc dù đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, nhưng giới sĩ phu cũng đã gấp rút xây dựng một Văn Thánh Miếu gần nơi mà họ ôn tập. Tuy danh nghĩa là đề cao Nho giáo nhưng thực chất đây là một tụ điểm hoạt động về văn hóa, đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước. Người có công đứng đầu xây dựng công trình này là Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản và Đốc học Nguyễn Thông.
Công trình được chính thức xây dựng vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1866. Sau khi hoàn thành, giới sĩ phu quan lại đã thành lập Hội Văn Thánh Miếu để trông nom việc cúng tế. Hội cũng tạo được ruộng đất hương hóa và xin cấp miễu phu quét dọn hàng ngày.
Rồi từ đó đến nay, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được tu bổ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994, 2006 và năm 2007. Trải qua bao thời gian biến cố lịch sử, công trình đã trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản. Chính vì vậy mà Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là Văn Thánh Miếu duy nhất ở Nam Bộ vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính như thuở sơ khai. Và đây cũng được xem là Quốc Tử Giám của phương Nam.
"Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử và cảnh quan nên được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991 và đây là di tích đầu tiên của tỉnh xếp hạng cấp quốc gia. Tiếp đó, ngày 21-2-2024, Bộ VH-TT-DL có quyết định công nhận Lễ hội Văn Thánh Miếu là danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia " – ông Nguyễn Xuân Hoanh thông tin.
Biểu tượng của truyền thống hiếu học
Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có diện tích hơn 1 ha, tọa lạc trên đường Trần Phú, phường 4, TP Vĩnh Long. Di tích có vị trí khá đắc địa về phong thủy. Mặt chính hướng về phía Đông Bắc, tiếp giáp đường Trần Phú, phía trước là sông Long Hồ. Ba mặt Văn Thánh Miếu tiếp giáp với con rạch nhỏ chạy uốn lượn từ hướng Nam đổ ra sông Long Hồ.
Các hạng mục chính của Văn Thánh Miếu gồm: cổng tam quan, hệ thống bia đá, Văn Xương Các, đường thần đạo, điện Đại Thành, hồ Nhật, hồ Nguyệt… Trong đó, nổi bật là 3 tấm bia đá được dựng trên lối đi vào điện Đại Thành.
Đặc sắc là tấm bia thứ ba do Phan Thanh Giản viết trước khi tuẫn tiết vào năm 1866, được ông Trương Ngọc Lang lập năm 1872 và dựng năm 1911. Mặt trước bia chủ yếu ghi lại mục đích xây dựng Văn Thánh Miếu và ca ngợi công đức của thánh hiền và triều đình. Mặt sau ghi danh những người có công xây dựng Văn Thánh Miếu.
Điện Đại Thành là công trình chính của Văn Thánh Miếu, là nơi thờ đức Khổng tử và các học trò của ông. Hai bên là tả vu và hữu vu thờ 72 vị học trò của đức Khổng tử. Phía trước là bàn thờ nhà giáo Chu Văn An.
"Văn Thánh Miếu thờ đức Khổng tử và nhà giáo Chu Văn An nhằm truyền bá các giá trị văn hóa và tăng thêm giáo dục truyền thống "tôn sư trọng đạo" cho thế hệ mai sau. Đồng thời, bày tỏ lòng cảm mến và trân quý đối với các bậc hiền nhân đi trước" - ông Lê Văn Thành, người trông coi di tích Văn Thánh Miếu, bộc bạch.
Một điểm ấn tượng của di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là Văn Xương Các, xây dựng và hoàn thành năm 1872, do ông Trương Ngọc Lang dựng bia đặt tên là Tụy Văn Lâu (lầu nhóm họp giới văn nhân tài tử).
Tụy Văn Lâu được trùng tu năm 1914 và khoảng năm 1920 - 1923 được đổi tên thành Văn Xương Các (hay còn có tên gọi là Thơ Lầu (lầu sách).
Ông Thành cho hay, hàng năm tại điện Đại Thành có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, lễ vía cụ Phan Thanh Giản vào các ngày 4 và 5 -7 âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12, 13-10 âm lịch.
Bảo tồn di tích bền vững
Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, vì nhiều lý do nên lượng khách đến tham quan Văn Thánh Miếu Vĩnh Long còn khiêm tốn, chỉ khoảng 40.000 lượt/năm. "Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sở sẽ mời các nhà nghiên cứu nhằm để bảo tồn, phát huy lễ hội Văn Thánh Miếu và đang có kế hoạch trùng tu, tôn tạo Văn Thánh Miếu phục vụ du khách và bảo tồn di tích này bền vững, lâu dài" – ông Hoanh nói.
Bình luận (0)