Bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào đất liền nước ta ngày 7-9, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…Cùng thời điểm này, mưa lớn kéo dài khiến các tỉnh phía Bắc bị lũ lụt, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Với tinh thần tương thân tương ái, nhằm tiếp sức đồng bào các tỉnh phía Bắc gượng dậy sau thiên tai, Báo Người Lao Động kêu gọi bạn đọc ở mọi miền đất nước cũng như đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chung tay giúp đỡ. Báo Người Lao Động sẵn sàng làm cầu nối tiếp nhận tiền và vật phẩm ủng hộ người dân chịu thiệt hại bởi bão số 3, mưa lũ.
Mời xem danh sách bạn đọc gửi ủng hộ về Báo Người Lao Động qua số tài khoản: 117000004884, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh TP HCM tại đây
Bạn đọc có thể ủng hộ từ trực tiếp từ link này đến app MoMo: https://page.momoapp.vn/NeG6axAiM1l
Hoặc quét mã QR MoMo
Cách 1: Truy cập vào đường dẫn của Zalopay: https://km.zalopay.vn/TSui/unghobaoso3
Cách 2: Mở điện thoại quét mã QR bên dưới và thực hiện theo hướng dẫn
Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhiều bạn đọc, nhà hảo tâm trên cả nước đã tin tưởng, gửi quyên góp về Báo Người Lao Động để kịp thời hỗ trợ đến những gia đình có người thân bị thiệt mạng do bão, mưa lũ; những hoàn cảnh khó khăn, lâm cảnh “màn trời chiếu đất” sau thiên tai.
Hiểu được sự mong mỏi, sẻ chia của bạn đọc, các nhà hảo tâm, bên cạnh việc tiếp cận hiện trường các vụ sạt lở đất, lũ quét, vùng lũ lụt nghiêm trọng để tác nghiệp, đưa tin, phóng viên của Báo Người Lao Động cũng đã kịp thời làm cầu nối, trao tiền hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai.
Phóng viên Báo Người Lao Động đang trên đường đi tác nghiệp và cứu trợ tại Bảo Yên, Lào Cai
Làng Nủ - nơi trận lũ quét đã kinh hoàng đã san phẳng 40 nóc nhà với gần 170 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi Voi (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Đến nay, đã có 66 người chết và mất tích khi dòng lũ dữ bất ngờ đổ về, kéo theo hàng ngàn khối đất đá vùi lấp bản làng với những nương lúa trù phú.
Tại đây, chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" của Báo Người Lao Động đã trao số tiền 230 triệu đồng, hỗ trợ cho 23 gia đình (mỗi gia đình 10 triệu đồng) có người thân bị thiệt mạng do lũ quét. Trong đó, có 7 gia đình được đại diện Báo Người Lao Động trao trực tiếp; chuyển khoản vào tài khoản của Ủy ban MTTQ xã Phúc Khánh 160 triệu đồng để chính quyền địa phương thay mặt chương trình, trao trực tiếp đến tay 16 hộ gia đình còn lại.
Trong vô vàn nỗi đau ở Làng Nủ, hoàn cảnh của anh Hoàng Văn Thới (33 tuổi) không chỉ khiến trái tim những người làm báo chúng tôi thắt lại, mà bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa. Thảm họa kinh hoàng đã cướp đi 5 người thân, trong đó 3 con của anh, cháu lớn nhất mới 8 tuổi, nhỏ nhất mới 1 tuổi. Tất cả 5 người đều bị vùi lấp trong đống đổ nát và bùn đất. Bây giờ anh Thới không còn gì cả. Mất hết người thân; mất 2 con trâu. Toàn bộ tài sản gom góp bao năm cũng mất hết cả. Đêm hôm trước xảy ra vụ thảm hoạ, anh Thới sang nhà họ hàng dùng cơm, nên ngủ lại ở đó.
Người đàn ông phút chốc đã mất đi gia đình của mình thất thần nhìn về bãi bùn đất mênh mông, nơi lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm người mất tích. Hiện mẹ, vợ và 2 con của anh Thới đã được tìm thấy, còn cháu nhỏ vừa tròn 1 tuổi vẫn nằm dưới đống bùn đất sau trận lũ quét. Trước mất mát quá lớn này, chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" của Báo Người Lao Động trao hỗ trợ 10 triệu đồng cho anh Thới, để động viên, chia sẻ trong thời điểm khó khăn rất lớn này.
Cũng mất vợ và con gái hơn 2 tuổi trong trận lũ quét ở Làng Nủ, anh Hoàng Văn Thạo (36 tuổi) cho biết nhà anh Thạo bị sạt lở nên tối 9-9, anh đã phải đưa vợ con sang nhà em cô ở nhờ với mong muốn đảm bảo an toàn, còn mình thì quay về nhà trông nhà.
Buổi sáng định mệnh, khoảng lúc 6 giờ sáng 10-9, đang nằm trong nhà, bỗng anh Thạo nghe những tiếng nổ lớn từ trên đỉnh núi nên đã bật dậy và chạy ra xem có chuyện gì xảy ra. Một khung cảnh hãi hùng ập vào mắt anh. Tất cả những hộ gia đình bên xóm nơi vợ và con anh đang tá túc ở nhà em cô đã bị bùn đất san phẳng, không thể nhận ra.
Sau khi hoàn hồn, Thạo tìm cách lao sang đó để mong cứu vợ con và người thân. Nhưng không ai còn sống. Chiều 10-9, mọi người tìm được thi thể vợ anh Thạo. Đến ngày 12-9, các lực lượng tìm được thi thể của cháu Hoàng Khánh N.
Nhận số tiền 10 triệu đồng từ chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" của Báo Người Lao Động trao, anh Thạo xúc động: "Em cảm ơn Báo đã hỗ trợ, giúp đỡ em để có tiền trang trải cuộc sống trong những lúc đau thương, khó khăn như thế này.
Toàn cảnh sạt lở ở Nậm Tông (Lào Cai)
Cũng trên địa bàn tỉnh Lào Cao, huyện Bắc Hà là nơi hứng chịu nhiều nỗi đau trong đợt mưa lũ thảm khốc vừa qua. Trưa 10-9, trận sạt lở núi đã “xoá sổ” hoàn toàn 8 căn nhà của người dân thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Vụ sạt lở vùi lấp khiến 18 người chết và mất tích (đến nay đã tìm được 9 thi thể). Sau hơn 3 giờ đi bộ băng rừng, vượt gần 8 km đường núi với nhiều đoạn sạt lở, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động ngày 13-9 đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở.
Đến hiện trường thôn Nậm Tông, đại diện Báo Người Lao Động đã trao 70 triệu đồng từ Chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" cho 7 hộ gia đình có người thiệt mạng trong vụ sạt lở núi.
Cháu Lý Thị Vân (8 tuổi) là trường hợp thương tâm nhất tại thôn khi đã mất đi bố, mẹ, anh trai và 2 em gái sau vụ sạt lở núi kinh hoàng. Trong ánh mắt thơ ngây của mình khi được di tản lên khu vực lán trại của lực lượng chức năng, cháu Vân dường như chưa hiểu hết những gì vừa xảy ra với thôn và gia đình của cháu. Tại khu lán trại dựng tạm ở bãi đất trống sát đường liên thôn, ánh mắt của Vân có lúc lại ngoái nhìn xung quanh, như đang tìm kiếm người thân của mình.
Báo Người Lao Động đã trao số tiền 230 triệu cho 23 gia đình ở thôn Làng Nủ (Lào Cai); 70 triệu đồng cho 7 gia đình ở thông Nậm Tông (Lào Cai); 20 triệu đồng cho 2 gia đình ở tỉnh Yên Bái (ở TP Yên Bái và huyện Trấn Yên); 30 triệu đồng cho 1 gia đình ở tỉnh Hòa Bình; 10 triệu đồng cho 1 gia đình ở TP Hải Phòng; 10 triệu đồng cho 1 gia đình ở tỉnh Quảng Ninh; 10 triệu đồng cho 1 gia đình ở tỉnh Ninh Bình.
Trên đường đến vùng lũ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, phóng viên Báo Người Lao Động chứng kiến lực lượng chức năng và người dân đang khẩn trương tìm kiếm 2 nạn nhân bị vùi lấp sau vụ sạt lở núi tại thôn Yên Phú, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Vụ sạt lở khiến 2 vợ chồng Vũ Đức Ngọc (32 tuổi) và chị Hồ Thị Dinh (28 tuổi) tử vong. Rất may, 3 người con của đôi vợ chồng này đã thoát nạn.
Vợ chồng anh Ngọc, chị Dinh mua đất cất nhà tại vị trí gặp nạn được nửa năm nay. Anh là tài xế xe tải, thường xuyên ngược về xuôi để chở hàng, chỉ đợt mưa lũ này mới nghỉ tại nhà. Từ ngày 9-9, miền Bắc mưa lớn kéo dài, lo lắng mái ta-luy sau nhà sạt lở, anh chị đã gửi 3 con về nhà bà nội để bảo đảm an toàn, còn mình thì ngủ ngoài xe tải đậu cách nhà khá xa.
Đêm 11-9, trời ngớt mưa, nước lũ ở nhiều nơi đã rút, thấy trời tạnh ráo nên anh chị trở về nhà để dọn dẹp, rồi ngủ qua đêm ở đó. "Không ngờ ngày vợ chồng Ngọc đưa 3 con sang gửi nhà tôi là lần cuối 3 đứa cháu được gặp bố mẹ" - bà Nguyễn Thị Phòng (mẹ anh Ngọc) không kìm được nỗi đau mất con.
Trước mất mát của gia đình bà Phòng, chiều 12-9, đại diện Báo Người Lao Động đã trao 10 triệu đồng để hỗ trợ 3 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ. Lúc này, gia đình đang lo tang lễ...!
Cũng tại tỉnh Yên Bái, Chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" của Báo Người Lao Động đã trao 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Phùng Thế Chí (trú tại xã Âu Lâu, TP Yên Bái) - có vợ và 2 con tử vong do sạt lở đất trong đợt mưa lũ vừa qua.
Trong những ngày bão lũ, sạt lở đất gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã trực tiếp đến các vùng thiên tai để hỗ trợ người dân phòng, chống bão lũ; tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, một số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Thiếu tá Trần Quốc Hoàng (SN 1987; quê ở Mỹ Hào, Hưng Yên, hiện sống tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Khi hy sinh, anh đang là cán bộ trực trại, Trại giam Quảng Ninh. Đại tá Nguyễn Quang Huy, Giám thị Trại giam Quảng Ninh, cho biết đơn vị đã xây dựng kế hoạch ứng phó với bão Yagi theo phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng", bố trí 100% cán bộ, chiến sĩ trực bảo đảm an ninh, an toàn trại giam.
Từ khoảng 23 giờ 30 phút ngày 7-9, lũ dồn dập dâng cao. Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, nước đã ngập ngang nửa tầng 1 khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ và phòng giam, làm sập tường rào khu giam, gây nguy hiểm cho các phạm nhân nên thiếu tá Trần Quốc Hoàng đã dũng cảm vượt mưa gió, ra mở cổng thoát hiểm phía sau để tháo nước trong khu giam, đảm bảo an toàn cho đồng đội và các phạm nhân đang ở bên trong. Tuy nhiên, do nước quá lớn, chảy xiết nên sau khi mở cổng, thiếu tá Hoàng đã bị lũ cuốn trôi, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Trước sự hy sinh của thiếu tá Trần Quốc Hoàng, đại diện Báo Người Lao Động đã đến gia đình Thiếu tá Trần Quốc Hoàng, trao 10 triệu đồng để động viện, chia sẻ với gia đình.
Tại TP Hải Phòng, đại diện Báo Người Lao Động cũng đã trao số tiền 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình trung tá Tăng Bá Hưng (SN 1978, quân nhân lái xe thuộc Trung đội 2, Đại đội 1, Lữ đoàn Vận tải 653, Cục Hậu cần Quân khu 3) - người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3.
Cũng trong thời điểm bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, thượng úy Nguyễn Đình Khiêm cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân phòng chống cơn bão số 3 tại thôn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, đã gặp nạn dẫn tới bị thương. Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhưng do chấn thương nặng, thượng úy Khiêm đã hy sinh trong sáng cùng ngày.
Với hành động dũng cảm quên mình vì nhiệm vụ, thượng úy Nguyễn Đình Khiêm đã được thăng quân hàm lên đại úy và được Ban Thanh niên Quân đội đề nghị Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm", là danh hiệu cao quý của Trung ương Đoàn dành tặng đoàn viên, thanh, thiếu nhi Việt Nam có hành động dũng cảm, lập công xuất sắc trong bảo vệ an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Đại diện Báo Người Lao Động cũng đã trao hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình thượng úy Nguyễn Đình Khiêm.
Bình luận (0)