Ngày 2-11, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết việc xây dựng công trình biểu tượng con tôm Cà Mau nhằm thể hiện khát vọng đưa mặt hàng mặt chủ lực của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung vươn tầm thế giới. Biểu tượng này không chỉ tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang nét đặc trưng về văn hóa vùng sông nước Cửu Long.
"Biểu tượng con tôm Cà Mau khi hoàn thành sẽ trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại Đất Mũi, biểu tượng con cua được đầu tư xây dựng trước đó đã trở thành địa điểm "check-in" lý tưởng, không thể bỏ qua đối với nhiều du khách khi đến với vùng cực Nam của Tổ quốc. Đồng thời, đây còn là thông điệp tôn vinh đối với những người nuôi tôm, cua tại địa phương" - ông Trần Hiếu Hùng, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, khẳng định.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã cho chủ trương bổ sung hạng mục công trình biểu tượng con tôm Cà Mau, nâng cấp đường Lê Duẩn vào Dự án Đầu tư xây dựng quảng trường Phan Ngọc Hiển (TP Cà Mau), với tổng vốn hơn 236 tỉ đồng.
Biểu tượng con tôm Cà Mau làm bằng bê tông cốt thép, ốp gốm, được xây dựng ngay tại vị trí "biểu tượng con Tôm Cà Mau" hiện hữu (công trình này phục vụ dịp Festival tôm Cà Mau) với ước lượng tổng mức đầu tư hơn 20 tỉ đồng.
Đến với Bạc Liêu, nhiều du khách tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến mô hình cây đàn kìm cách điệu được đặt tại Quảng trường Hùng Vương, phường 1, TP Bạc Liêu. Với những hình ảnh và kiến trúc độc đáo thì biểu tượng cây đàn kìm đã trở thành "trái tim" của trung tâm Bạc Liêu.
Công trình này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là cây đàn kìm cách điệu lớn nhất Việt Nam vào năm 2014.
Hình ảnh cây đàn kìm khẳng định Bạc Liêu là một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Đồng thời, công trình này nhằm gợi nhớ về cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác ra bản "Dạ cổ hoài lang" bất hữu.
Bình luận (0)